12 sách hay cho sinh viên y khoa về sinh học, giải phẫu và bệnh tật

12 cuốn sách hay cho sinh viên y khoa đọc để củng cố kiến thức và mở rộng thông tin về ngành học và nghề nghiệp của mình.

GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại

GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại

GEN là một thông điệp, một điều bí ẩn và là “bóng ma ẩn nấp trong cơ chế sinh học”.

Cuốn sách của Siddhartha Mukherjee kể câu chuyện về Gene – đơn vị cơ bản của di truyền, đơn vị cơ bản của mọi kiến ​​thức sinh học và là một trong những quan niệm mạnh mẽ nhất trên thế giới. tác động nguy hiểm và lợi hại nhất trong lịch sử khoa học.

Lịch Sử Y Học

Lịch Sử Y Học

Cuốn Lịch Sử Y Học viết về sự phát triển của ngành nghề chăm sóc sức khỏe con người qua các thời đại và ở các nền văn hóa khác nhau. Khác một chút với việc đọc các bài viết về Lịch sử, hoặc lịch sử các ngành khoa học như Vật lý, Toán học hay Sinh học, là những việc nghiêng về sở thích riêng của từng người, việc đọc cuốn Lịch sử Y học, nên là nhu cầu của tất cả con người có khát khao sống khỏe mạnh và có ý nghĩa.

Đọc cuốn sách này, bạn sẽ thôi cho rằng phó mặc hoàn toàn sức khỏe của bạn cho bác sĩ là một điều khôn ngoan. Bạn cũng sẽ hiểu rằng mặc dù có những tiến bộ vượt bậc và thần kỳ trong hiểu biết của con người về vấn đề sức khỏe trong hai thế kỷ qua, chúng ta vẫn đang thất bại trước những căn bệnh hoặc vấn đề từng là cơn đau đầu của những thầy thuốc thời cổ đại và cận đại, ví dụ như ung thư, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh tâm thần và bệnh thoái hóa. Và cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc đời mình cũng chỉ là một phần nhỏ trong lịch sử loài người, và rất có thể con cháu vài chục thế hệ sau của bạn khi được đọc về phần lịch sử Y học ở thế kỷ XXI cũng không thể không lắc đầu cười về những ‘ấu trĩ’ của xã hội hiện hành.

Bộ sách Hải Thượng Lãn Ông

Bộ sách Hải Thượng Lãn Ông

Trong lịch sử y học cổ truyền của nước Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông (Tác giả) chiếm một vị trí khá quan trọng, thật sự là một danh y của đất nước. Tên thật của ông là Lê Hữu Trác, ông đã hết lòng vì sự nghiệp y học của nước nhà. Ông biết thừa kế những thuật học của danh y đời trước và nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo, có phê phán và phát triển.

Nhận rõ trách nhiệm với tương lai y học của nước nhà đối với việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, từ năm 1760 ông đã mở lớp huấn luyện y học: trao đổi kinh nghiệm phòng và chữa bệnh với các đồng nghiệp, tập hợp những kinh nghiệm dân gian; ông tìm hiểu quan hệ giữa khí hậu, thời tiết đối với bệnh tật ở nước ta. Ông ghi chép bệnh án để rút kinh nghiệm những bệnh chữa khỏi và những bệnh không chữa khỏi.

Qua 30 năm, ông tổng kết kinh nghiệm của Trung y và y học cổ truyền biên soạn bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu,… đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.

Bộ sách của ông được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Bộ sách này đã đánh dấu bước tiến mới trong nền y học cổ truyền của Việt Nam, góp phần phát triển nền y học của đất nước.

Sách đã được dịch và xuất bản ở miền Bắc trước năm 1970, nay đính chính lại được thu gọn trong 2 cuốn – mỗi cuốn 2 tập.

Ai Rồi Cũng Chết

Ai Rồi Cũng Chết

Ai rồi cũng chết! là một tuyệt phẩm đánh động lòng người được viết nên bởi bác sĩ kiêm tác giả best-seller Atul Gawande. Cuốn sách không chỉ có khả năng lay chuyển ngành y học hiện đại, mà nó còn sẽ giúp làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống của muôn người – bao gồm chính bạn!

Ngành y học thế giới đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong những năm qua: giảm thiểu tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, nâng cao tỉ lệ sống sót sau chấn thương, chữa trị và kiểm soát được nhiều loại bệnh tật – kể cả nhiều căn bệnh từng được xem là không có thuốc chữa trong quá khứ. Nhưng dù có bành trướng hùng mạnh đến đâu, y học vẫn muôn đời bất lực trước quy luật sinh-lão-bệnh-tử bất biến của con người: Mỗi khi con người phải đối diện với Tuổi Già và Cái Chết, những công cụ y học vốn dĩ quyền năng bỗng chốc phản bội lại chính lý tưởng cứu nhân độ thế mà chúng đang phục vụ.

Atlas Giải Phẫu Người – Frank H. Netter, MD

Atlas Giải Phẫu Người – Frank H. Netter, MD

Cuốn Atlas Giải phẫu người của Frank H. Netter đã được cập nhật bởi đội ngũ cố vấn biên tập của Jenifier K. Brueckner, Stephen w. Carmichiael, Thomas R. Gest, Noelle A. Granger, JohnT. Hansen và Anil H. Walji. Các tác giả đã rà soát, sửa đổi và cập nhật từng phần một của cuốn sách.

Trong cuốn sách này, những hình ảnh X-quang, hình chụp cắt lớp điện toán, mạch đồ cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ được bổ sung, điều đó phản ánh tầm quan trọng của hình ảnh học chẩn đoán đối với giải phẫu lâm sàng và y học.

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.

Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.

Tế Bào Gốc: Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học

Tế Bào Gốc: Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học

Cuốn sách giúp cho bạn đọc có một cái nhìn bao quát đối với tế bào gốc từ lịch sử phát minh, đến cấu trúc tế bào, cơ chế phân tử, đến bộ gene và di truyền ngoài bộ gene (di truyền ngoại mã).

Điều đặc biệt ấn tượng là tất cả những kiến thức cơ bản này được diễn giải thật dễ hiểu bằng ngôn ngữ phổ thông, chứ không hàn lâm như trong giới nghiên cứu. Để chuyển tải các khái niệm trừu tượng khó hiểu của thế giới sinh học vi mô đến với người đọc, tác giả đã sử dụng các biện pháp so sánh tương đồng rất tài tình đến nỗi những người có kiến thức trong lĩnh vực, còn thấy hết sức độc đáo thú vị.

Ví dụ: để diễn tả độ phân tán và mất kiểm soát của tế bào gốc khi được đưa vào cơ thể bệnh nhân, tác giả so sánh với hình ảnh hàng triệu con cá hồi bơi vào đại dương mênh mông. Giống như cá hồi, những tế bào gốc đi đâu về đâu trong cơ thể con người, hiện nay chúng ta chưa biết hết được. Còn tệ hơn cả cá hồi, vốn luôn “biết” đường để quay về đúng vị trí chúng đã được sinh ra để thực hiện quá trình sinh sản rồi chết đi, tế bào gốc thì không. Vì vậy, một khi chúng gây tác dụng không mong muốn, thì chúng ta “lực bất tòng tâm”. Cả hai mặt triển vọng và nguy cơ của các liệu pháp tế bào gốc đều được tác giả trình bày và phân tích với nhiều bằng chứng khoa học xác đáng.

Với sự dẫn dắt của tác giả qua góc nhìn rất khách quan, bạn sẽ thu thập nhiều kiến thức đa chiều để tự đánh giá và định hướng cho chính mình và người thân khi muốn tìm một liệu pháp tế bào gốc khả thi nhằm cải thiện sức khỏe hay chất lượng cuộc sống. Thậm chí nếu không đủ thời gian để đi hết chiều dài cuốn sách thì bạn vẫn có thể sử dụng nó như một nguồn tư liệu để tra cứu và tìm tòi sâu hơn khi cần. Vì vậy, ngoài việc chuyển ngữ và chú giải nội dung của cuốn sách, nhóm dịch còn tạo ra một danh sách các thuật ngữ chuyên ngành Việt-Anh phổ biến, thông dụng để bạn đọc có thể tham khảo. Trong đó chúng tôi có đề xuất một vài từ tiếng Việt mới cho những thuật ngữ tiếng Anh mới hoặc vốn ít được sử dụng trong tiếng Việt. Danh sách các từ này nằm ở mục phụ lục của cuốn sách.

Sobotta Atlas Giải Phẫu Người

Sobotta Atlas Giải Phẫu Người

Sobotta Atlas Giải Phẫu Người được xây dựng trên nền tảng tác phẩm của cố Giáo sư Giải phẫu học Johannes Sobotta (1869 – 1945).

Từ khi ra đời năm 1904, công trình này đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ khác nhau, và trải qua nhiều lần chỉnh lí, bổ sung với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Giải phẫu học ở Đức. 

Cuốn sách với quan điểm giáo khoa mới: Chính xác, rõ ràng, tích hợp y học lâm sàng, thích hợp cho mọi chương trình học.

Y Học Cổ Truyền Trên Thế Giới và Việt Nam

Y Học Cổ Truyền Trên Thế Giới và Việt Nam

Bước sang thế kỷ XXI, nền Y học cổ truyền càng xích lại gần hơn nền Y học hiện đại. Các thầy thuốc làm Y học cổ truyền ngày càng quan tâm và nghiên cứu ứng dụng những thành tựu to lớn của Y học hiện đại trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Y học phương Đông có phần lý luận sâu sắc rất rộng và giá trị thực tiễn trải qua hàng ngàn năm tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Muốn nắm vững kiến thức thấu đáo chắc chắn phải dày công tìm hiểu và nghiên cứu trong nhiều năm. Nhờ có đường lối đúng đắn trong việc kế thừa, phát huy và kết hợp vốn cổ với những kiến thức mới trong việc điều trị bệnh nói chung và chuyên ngành Y học cổ truyền nói riêng, kết quả điều trị thu được ngày càng được khả quan hơn trước. Việc người thầy thuốc có thể kết hợp hài hòa giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân là vô cùng cần thiết.

Vô Thường

Vô Thường

Cuốn sách là góc nhìn đầy nhân văn của vị bác sĩ hàng ngày chứng kiến những mảnh đời chấp chới giữa hai bờ sinh tử. Con người ta sinh ra, bàn tay nắm chặt. Con người ta chết đi, hai tay buông thõng, được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không.

Lịch Sử Ung Thư – Hoàng Đế Của Bách Bệnh

Lịch Sử Ung Thư – Hoàng Đế Của Bách Bệnh (tái bản 2020)

Ung thư đang càng ngày càng là mối đe dọa của nhiều người dân ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Ở một vài quốc gia, ung thư vượt qua cả bệnh tim mạch để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Trong xếp hạng 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chết vì bệnh ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78. Trong hoàn cảnh như vậy, mỗi người nên tự trang bị cho mình hiểu biết nhất định về căn bệnh này để bảo vệ chính mình và người thân. Lịch sử ung thư – Hoàng đế của bách bệnh , như tên gọi của nó là cuốn sách nói về lịch sử của ung thư.

Siddhartha Mukherjee đã đưa độc giả đến với ung thư kể từ lần đầu tiên nó được mô tả vào 4.600 năm trước bởi vị thầy thuốc người Ai Cập tên là Imhotep. Cuốn sách là biên niên sử về một căn bệnh cổ xưa – một thời là bí mật, một căn bệnh chỉ nên rỉ tai “nói thầm” với nhau – thường được nói một cách ẩn dụ thành một thực thể biến hình chết người có khả năng len lỏi vào tận các mặt chính trị, khoa học, y khoa, và thường được mô tả chắc chắn như một bệnh dịch khủng khiếp trong thế hệ chúng ta.

Cuốn sách nỗ lực đi vào tâm trí của căn bệnh bất trị này, để hiểu rõ đặc tính của nó, và để đánh tan huyền thoại bí ẩn về nó. Theo Mukherjee, cuốn sách này giúp trả lời câu hỏi muôn thuở của bệnh nhân: “Tôi sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, nhưng tôi cần biết tôi đang chiến đấu với cái gì.” Nhưng mục đích tối thượng của Siddhartha Mukherjee là đặt một câu hỏi vượt ra ngoài cuốn tiểu sử này: liệu ung thư có còn xâm chiếm tâm trí chúng ta trong tương lai không? Liệu có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này ra khỏi cơ thể và xã hội chúng ta không?

Phân Tâm Học Nhập Môn

Phân Tâm Học Nhập Môn

Là một trong những công trình nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi nhất của vị bác sĩ thần kinh người Áo gốc Do Thái Sigmund Freud. Mang tính dẫn nhập về phân tâm học, một học thuyết gây nhiều tranh cãi ngay từ thời điểm ra đời (cuối thế kỷ XIX), cuốn sách tập hợp 28 bài giảng của Freud, bao gồm những tri thức và cách tiếp cận căn bản của phân tâm học xung quanh các vấn đề vô thức, những giấc mơ, và các trạng thái bệnh lý thần kinh của con người.

Qua công trình này, Freud củng cố và xác lập một phương pháp độc đáo trong nghiên cứu và trị liệu bệnh loạn thần kinh mà ông sáng tạo nên: trị bệnh thông qua thăm dò cõi vô thức của con người.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button