12 cuốn sách triết học chính trị hay rất thú vị và không hề khô khan

12 cuốn sách hay về triết học chính trị được viết bởi các chuyên gia, nhân vật nổi bật có thể giúp bạn học cách phân tích, hiểu và giải quyết các vấn đề trong chính trị và xã hội.

Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật

Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật

Bàn về tinh thần pháp luật là tuyệt tác triết học của Montesquieu, là một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch sử luật học. Mục đích cuốn sách, như chính tác giả đã nêu, là: Trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một nước; trình bày những quan hệ giữa các luật lệ với nhau. Ông đã phải mất gần 20 năm cho tác phẩm này.

Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu cùng với Bàn về Khế ước xã hội của Rousseau được coi là một cặp đôi đã ‘xây dựng quan niệm về xã hội dân sự và pháp quyền, dẫn đến Cách mạng Pháp năm 1789’. Tư tưởng cổ điển của hai tác phẩm vẫn được áp dụng cho đến nay và được xem là “tinh hoa tư tưởng của nhân loại”.

Các Nhà Tư Tưởng Và Các Ý Tưởng Chính Trị Hiện Đại

Các Nhà Tư Tưởng Và Các Ý Tưởng Chính Trị Hiện Đại

Các nhà tư tưởng và các ý tưởng chính trị hiện đại: Một dẫn nhập lịch sử là một quyển sách mới mẻ nhằm khơi gợi, cung cấp cho người đọc những kiến thức dẫn nhập dễ tiếp cận trong các lĩnh vực then chốt về tư tưởng chính trị hiện đại. Bằng cách kết hợp những cách tiếp cận theo chủ đề về mặt lịch sử và triết học một cách rõ ràng, cuốn sách này trình bày những ý tưởng và tác phẩm của một số nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong thời hiện đại, và đặt chúng vào trong bối cảnh lịch sử.

Tác phẩm Các nhà tư tưởng và các ý tưởng chính trị hiện đại trình bày:

Những khái niệm then chốt về lí thuyết chính trị hiện đại như: chủ quyền quốc gia, nghĩa vụ chính trị và bất tuân dân sự; tự do; quyền; bình đẳng và công bằng xã hội.

Các ý tưởng của những nhà tư tưởng chính trị then chốt như: Machiavelli; Hobbes; Locke; Rousseau; Burke; Paine; Wollstonecraft; J. S. Mill; T. H. Green; và Marx.

Một khung rõ ràng và mạch lạc cho mỗi chương, cung cấp kiến thức về: (a) sự phát triển và ý nghĩa lịch sử của mỗi khái niệm trong từng tư tưởng chính trị hiện đại; (b) cách thức mà các nhà tư tưởng chính trị làm sáng tỏ mỗi khái niệm; và (c) bản chất của cuộc tranh luận hiện thời xoay quanh mỗi khái niệm then chốt, được khảo sát bởi những nhà tư tưởng chính trị đương thời.

Tiểu sử cá nhân, cuộc đời, các ý tưởng và các lí thuyết của những nhà tư tưởng chính trị lớn.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:

  • Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
  • Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
  • Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
  • Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.

Bất Phục Tùng

Bất Phục Tùng

Henry David Thoreau (1817-1862). Nhà thơ, tiểu luận gia, triết gia thực hành, nổi tiếng vì đã sống tinh thần thuyết tiên nghiệm (transcendentalism), điều được thể hiện trong kiệt tác Walden (1854) của ông, và vì đã là người ủng hộ nhiệt thành các quyền tự do dân sự.

Nhắc đến Thoreau nhiều người nghĩ ngay đến… Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, khi hai người bày tỏ quan điểm về chính phủ. Nếu Jefferson nói. “Chính phủ tốt nhất là chính phủ ít cai trị nhất”, thì Thoreau còn đi xa hơn: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả”.

Bất phục tùng (Civil Disobedience), bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường

Cộng Hòa

Cộng Hòa

Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị.

Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm.

Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Có đúng chăng khi chúng ta lật đổ một nhà cai trị bất công? Liệu nền dân chủ có thực sự là hình thức chính quyền tốt nhất? Và chiến tranh có thể được biện minh hay không? Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về cách thức tốt nhất để chúng ta cai trị chính mình và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới.

Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Chính trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước giúp làm sáng tỏ những lí thuyết rối rắm và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong cách thức tổ chức xã hội.

Phải Trái Đúng Sai

Phải Trái Đúng Sai

Phải Trái Đúng Sai là quyển sách best-seller tại Mỹ của giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard.

Sách bàn về vấn đề đạo đức dưới cái nhìn triết học. Tác giả đưa ra các vụ việc gây tranh cãi về vấn đề đạo đức để mổ xẻ dưới nhiều góc độ, theo quan điểm của các học thuyết triết học khác nhau, mỗi chương trình bày sâu về một học thuyết. Nhờ vậy, tư tưởng của Aristotle, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Robert Nozick, và John Rawl được trình bày với sự rõ ràng và gần gũi, mà theo New York Times là “hiếm khi được giải thích dễ hiểu đến như vậy”.

“Michael Sandel – có lẽ là giáo sư đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ – đã mang lại “sự minh bạch về đạo đức cho sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách là công dân trong xã hội dân chủ”. Ông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ chính trị không phải giữa cánh tả với cánh hữu mà giữa những người nhận ra không có gì quý hơn quyền cá nhân và lựa chọn cá nhân với những người tin vào một nền chính trị phục vụ lợi ích số đông.”

(Bưu điện Washington)

“Quyết liệt, dễ hiểu, và đầy tính nhân văn, cuốn sách này thực sự là một cuốn sách làm thay đổi người đọc.”

(Publisher Weekly)

Bàn Về Tự Do

Bàn Về Tự Do

John Stuart Mill (sinh ngày 20 tháng 5 năm 1806 – mất ngày 8 tháng 5 năm 1873), thường được viết dưới tên J. S. Mill, là nhà triết học, kinh tế chính trị và là công chức người Anh. Là một trong những nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất lịch sử chủ nghĩa tự do, ông đóng góp trong nhiều lĩnh vực như lí thuyết xã hội, kinh tế chính trị, lý thuyết chính trị, và kinh tế chính trị. Mill được coi là “Nhà triết học Anh ngữ lớn nhất thế kỉ 19”, Tư tưởng của ông về tự do bảo vệ cho quyền tự do cá nhân đối lập với mô hình nhà nước vô hạn và kiểm soát xã hội.

-Wikipedia-

Trung tâm điểm của Bàn về Tự do là mối quan hệ của cá nhân đối với xã hội. Luận điểm xuất phát: tự do chính trị lẫn xã hội của cá nhân đang bị đe dọa vì ngày càng bị xã hội giới hạn. Theo Mill, sở dĩ tự do này cần phải được bảo vệ trước sự can thiệp của xã hội vì nó là điều kiện cơ bản cho sự tiến bộ xã hội và, do đó, cho hạnh phúc của cộng đồng chứ không vì một mục đích nào khác. Vì thế, Mill đề ra một nguyên tắc – tạm gọi là “nguyên tắc tự do” – để xác định ranh giới của quyền lực hợp pháp và hợp lý của xã hội, theo đó, tự do cá nhân chỉ được phép bị giới hạn với điều kiện giúp cho xã hội tự bảo vệ và bảo vệ những người khác.

Bùi Văn Nam Sơn

Mọi người đều biết người chiến sĩ vĩ đại nhất cho các quyền tự do dân sự và tự do trí tuệ, người đã phát biểu những nguyên lý rõ ràng nhất và bằng cách đó, lập ra nền tảng của chủ nghĩa tự do hiện đại là John Stuart Mill, tác giả Tiểu luận Bàn về Tự do (On Liberty). Cuốn sách này – tác phẩm ngắn vĩ đại này – như Sir Richard Livingstone đã gọi một cách chính xác – được xuất bản cách đây 133 năm.

Isaiah Berlin

Thậm chí đến ngày nay, tác phẩm Bàn về Tự do vẫn giữ nguyên giá trị như là biểu hiện tốt nhất và hoàn chỉnh nhất về niềm tin vào sự tiến bộ của nhân loại bằng sự tự do tư tưởng. Trong mọi nước và mọi thời, chưa có quyển sách nào trình bày rõ ràng và bảo vệ kiên quyết cho học thuyết về tự do cá nhân đến như thế.

J. S. Shapiro

Nhập Môn Triết Học Chính Trị

Nhập Môn Triết Học Chính Trị

Nhập Môn Triết Học Chính Trị là bộ môn nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp bởi các cơ quan thẩm quyền.

Mục tiêu nghiên cứu của bộ môn này nhằm lý giải về mối quan hệ cũng như sự tồn tại của các vấn đề trên một cách thấu đáo bới các nhà triết học.

Sách được trình bày sống động với hình minh họa giúp bạn khởi đầu tiếp cận với bộ môn này được dễ dàng.

Chính Trị Luận

Chính Trị Luận

Tác phẩm nổi tiếng viết về các khái niệm mà từ đó định hình các quốc gia và chính phủ. Mặc dù, Aristotle cổ vũ mạnh mẽ cho chế độ nô lệ lạc hậu, quan điểm của ông về Hiến pháp và cách điều hành chính phủ lại rất kinh điển. Dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại

Tác phẩm này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Chính trị luận nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Cuốn sách nhỏ của Niccolò Machiavelli đã hội tự những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

Người ta sẽ luôn đọc Quân vương chừng nào con người vẫn chưa thôi trò chơi nguy hiểm nhưng hấp dẫn có cái tên “chính trị”.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm ra chân dung một vị quân vương hình mẫu : keo kiệt hay rộng lượng, độc ác hay nhân từ, thất hứa hay giữ lời nếu lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình, phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét, phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Cuốn sách bàn về khoa học chính trị của nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà quân sự người Ý – Niccolò Machiavelli. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1513 nhưng mãi đến năm 1532, ấn bản đầu tiên mới được chính thức xuất bản dưới sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII.

How Philosophy Works – Hiểu Hết Về Triết Học

How Philosophy Works – Hiểu Hết Về Triết Học

Hiểu hết về triết học là một dạng sách triết phổ thông, nhập môn triết, cũng là một dạng từ điển nhỏ để tra cứu nhanh các triết thuyết. Bố cục của sách là gồm các trang kép. Mỗi trang trình bày sơ lược về một triết thuyết, có quan hệ (phản đối/đồng ý/phát triển thêm/mơ hưởng tiếp cận khác) đối với chủ thuyết ở các trang liền trước.

Nội dung mỗi trang gồm: phần “chính văn”, là nội dung giải thích về triết thuyết đó; các mục nhỏ (được tạo hiệu ứng hình ảnh để nêu bật ý tưởng); các minh họa hình ảnh; và phần trích dẫn mang tính đặc trưng.

– – –

Cuốn cẩm nang triết học đơn giản, trực quan nhất – từ trước đến nay

Trải suốt hàng thiên niên kỷ, các triết gia đã đặt ra những câu hỏi hóc búa về mọi thứ – về thế giới, niềm tin và bản tính của con người. Liệu ta thực sự có tự do để làm bất kỳ điều gì mình muốn? Ta tốt chính vì hành động và động cơ của ta chăng? Ai nên gánh trách nhiệm? Thế giới mà ta thấy có thật là chân tướng của nó không?

Bằng những hình ảnh bắt mắt, ngôn ngữ rõ ràng, dễ tiếp cận, Hiểu hết về triết học giải thích mọi thứ bạn cần biết về triết học – từ siêu hình học và lý thuyết về tri thức cho đến triết học chính trị, luân lý và logic.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button