10 sách triết học phương Đông hay với nhiều triết lý đáng suy ngẫm

10 cuốn sách hay về triết học phương Đông giới thiệu đến người đọc về triết học truyền thống phương Đông, cũng như hiểu thêm về triết học, tâm lý học và siêu hình học của người phương Đông.

Lịch Sử Triết Học Phương Đông

Lịch Sử Triết Học Phương Đông

Các triết thuyết sách đã hình thành cách đây hàng ngàn năm và không ngừng phát triển cho đến ngày nay. Đặc biệt, một phần vì yếu tố địa lý nên tư tưởng nhân loại từ cổ đại tự nó đã chia ra hai dòng chảy mang nhiều đặc thù khu biệt được quy định bởi các mối quan hệ kinh tế xã hội khác nhau. Trong số đó, có thể kể triết học Ấn Độ xuất hiện từ trước thế kỷ X trước Công nguyên, triết học Trung Quốc có từ thế kỷ VIII trước Công nguyên là hai nguồn tư tưởng chính yếu, tiêu biểu cho tư tưởng phương Đông.

Với quá trình biên soạn công phu, đầy tâm huyết, được chỉnh sửa, bổ sung qua nhiều năm phụ trách giảng dạy đại học, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Đăng Thục đã cho ra mắt độc giả công trình sách “Lịch sử triết học phương Đông” gồm những nội dung sau:

  • Triết học Trung Hoa: từ thời kỳ khởi điểm đến thời kỳ hoàn thiện triết học.
  • Triết học Ấn Độ: Từ Vệ Đà đến Phật giáo nguyên thủy.
  • Triết học phương Đông nói chung từ năm 241 trước Công nguyên đến 907 sau Công nguyên và triết học Trung Hoa cận đại

Với cách ghi nhận và phân tích khách quan, tác giả trình bày các học thuyết triết học phương Đông như một tiến trình thống nhất, nêu lên những tương quan tất yếu giữa các trường phái và các trào lưu khác nhau, ghi nhận từng mốc tiến hóa của mỗi giai đoạn hình thành và phát triển.

Nhập Môn Triết Học Đông Phương

Nhập Môn Triết Học Đông Phương

Nhập môn triết học Đông phương không phải là sách giáo khoa triết học. Học giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến những nguyên lý đặc trưng và cơ bản của triết học phương Đông: thuyết âm dương, triết học Phật-Lão-Trang. Nguyễn Duy Cần bảo vệ thuyết nhất nguyên trong cuốn sách, coi các mặt đối lập là mặt và mặt trái của một chỉnh thể thống nhất.

Chúng ta có thể quan sát một khía cạnh khác ít gai góc và khô khan hơn của triết học cũng như vẻ đẹp đầy màu sắc của triết học phương Đông khi đọc Nhập môn triết học Đông phương.

Đông Phương Triết Học Cương Yếu

Đông Phương Triết Học Cương Yếu

Sách Đông phương Triết học cương yếu của tác giả Lý Minh Tuấn trình bày những vấn đề cơ bản và đầy đủ nhất của hệ thống triết học Phương Đông cổ như: Nho, Phật, Lão, Ấn, Dịch kinh.

Với cách trình bày sáng sủa và ngôn ngữ cô đọng, sách giúp người đọc dễ dàng tiếp cận những khái niệm trừu tượng, phức tạp của triết học phương Đông cổ, bổ sung vào kho tàng sách nghiên cứu và tìm hiểu triết Đông của đông đảo độc giả.

Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương

Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương

Tinh hoa Đạo học Đông phương là cuốn sách bàn về các hệ thống triết học Dịch, Lão – Trang và Phật.

Quyển sách nêu bật lên được những giá trị tinh hoa cốt lõi của các hệ thống triết học và Đạo học phương Đông, cũng như thời kỳ hoàng kim và những giai đoạn lịch sử của triết học Đông phương.

Tác giả Nguyễn Duy Cần viết cuốn sách nhằm mục tiêu xây dựng con người mới trên nền tảng tư tưởng triết học phi nhị nguyên, làm sáng tỏ những giá trị tinh túy của nền Đạo học và triết học Đông phương.

Văn Minh Đông Phương Và Tây Phương

Văn Minh Đông Phương Và Tây Phương

Văn Minh Đông Phương Và Tây Phương của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần là tập sách nghiên cứu về những đặc tính của hai nền văn minh của nhân loại là Đông phương và Tây phương.

Tác giả đề xuất một sự dung hòa cần thiết giữa văn minh Đông và Tây phương để lấp lại thế quân bình hầu mang lại hạnh phúc cho nhân loại trên thế giới.

Cổ Học Tinh Hoa

Cổ Học Tinh Hoa

“Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân là một công trình biên khảo có giá trị vượt thời gian. Bởi lẽ, đó chính là tinh hoa của nền văn minh Hán học mà “từ trong cái biển bao la của bách gia chư tử Trung Hoa xưa, hai cụ đã tìm lấy những hạt ngọc của văn chương, triết học và xâu thành một chuỗi ngọc đem hiến cho đời” (Mai Quốc Liên).

Qua 250 mẩu chuyện nhỏ, vô cùng ngắn gọn và súc tích, “Cổ học tinh hoa” đã đưa chúng ta đến với những tư tưởng lớn của Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử Chuyện tuy đã xưa, thời đại dù đã đổi khác, nhưng tin rằng tinh thần nhân văn cao đẹp từ hàng nghìn năm trước của cổ nhân thấm đẫm trong từng tích truyện vẫn đủ sức làm rung động bao trái tim của người đọc hôm nay. Bởi lẽ, trước khi những triết lý mà cuốn sách chứa đựng rộng mở tư duy của chúng ta, những đạo lý được gửi gắm trong đó đã âm thầm bồi đắp cho chúng ta một đời sống tình cảm phong phú, vị tha, nhân ái, bao dung.

Vượt qua mọi thử thách về không gian và thời gian, “Cổ học tinh hoa” đã trở thành cây cầu nối để cái học tinh hoa của ngàn xưa có thể đồng hành cùng sự hoàn thiện, phát triển của mỗi cá nhân nói riêng cũng như cả cộng đồng nói chung trong hôm nay và mai sau. Hiểu được ý nghĩa to lớn đó, chúng tôi trân trọng tái bản cuốn “Cổ học tinh hoa” của hai soạn giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân, trên cơ sở tham khảo nhiều bản in khác nhau, đồng thời lược bỏ một số nội dung không thật phù hợp với bạn đọc trẻ.

Khổng Tử Tinh Hoa

Khổng Tử Tinh Hoa

Khổng Tử và học thuyết Nho gia có ảnh hưởng rất lớn đối với các nền văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ trí thức Việt Nam đã tiếp thu và ứng dụng triết lý của ông. Còn ngày nay, sự minh triết trong tư tưởng Khổng Tử có thể giúp gì cho chúng ta khi đối diện với vô số vấn đề của cuộc sống hiện đại?

Vu Đan, với niềm say mê và am hiểu về Khổng Tử cộng với tầm nhìn của một nhà nghiên cứu thông thái, đã làm cho mọi người sững sờ khi vén mở những bí mật ẩn chứa trong tư tưởng Khổng Tử. Đó là những bí mật có thể giúp ta đứng vững trong thực tại, hiểu được thế giới sôi động mà chúng ta đang sống, giúp ta tận hưởng một cuộc đời phong phú và trọn vẹn.

Giản dị, trực tiếp và hứng khởi, bà gạt bỏ cách tiếp cận sùng kính của các học giả khác và cho thấy những chân lý mà Khổng Tử giới thiệu với chúng ta luôn là những chân lý dễ nắm bắt nhất, chỉ cho chúng ta một cách sống hạnh phúc theo đúng nhu cầu tinh thần của mình.

Những gì chúng ta có thể học hỏi từ Khổng Tử hôm nay không phải là môn “Khổng học” do Hán Vũ Đế lập ra; không phải là “Khổng giáo” long trọng, cao quý, nặng nghi thức bên cạnh Đạo giáo và Phật giáo; cũng chẳng phải học thuyết Khổng Tử của các học giả, đầy luận chứng sâu xa và mang tính bác học khuôn phép mà là những bài học, những chân lý giản dị mà mỗi người tâm đắc và đều có thể tiếp nhận.

Những chân lý đó đi vào lòng người tự nhiên nhất như chính là tiếng gọi từ bên trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Dù thời gian trôi qua và thế giới có đổi thay thế nào đi nữa thì những giá trị tinh túy nhất của Khổng Tử luôn mãi sống với thời gian.

Lão Tử Tinh Hoa

Lão Tử Tinh Hoa

Lão Tử là người huyện Khổ, nước Sở, sống trong thời Xuân Thu Chiến Quốc. Tương truyền ông là người viết bộ sách Đạo Đức Kinh, chủ yếu bàn về Đạo học và cách sống để hòa hợp với Đạo.

Ở Việt Nam, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã dịch và bình chú về cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nhờ những cách hiểu và khám phá mới mẻ của mỗi nhà nghiên cứu mà nội dung quyển Đạo Đức Kinh ngày càng trở nên phong phú và nhiều màu sắc.

Xin giới thiệu đến quý độc giả hai cuốn sách Lão Tử Đạo Đức Kinh và Lão Tử tinh hoa. Lão Tử Đạo Đức Kinh được học giả Nguyễn Duy Cần dịch trực tiếp từ bản gốc tiếng Trung Quốc, có kèm theo phần chú giải để độc giả tiện theo dõi. Lão Tử tinh hoa là cuốn sách bàn rộng ra về những nội dung cốt lõi của Đạo Đức Kinh. Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cả nước.

Phật Học Tinh Hoa

Phật Học Tinh Hoa

Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại – Ấn Độ – và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông.

Trải qua nhiều thế kỷ, với những biến động, thăng trầm, dù bị chia rẽ thành nhiều tông phái với nhiều lập trường giáo lý khác nhau nhưng Phật giáo vẫn giữ vững tinh thần chủ đạo của mình: từ bi, hỷ xả, khoan dung, đại lượng. Có lẽ vì thế mà Phật giáo luôn có chỗ đứng trong cộng đồng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau (kết hợp với tín ngưỡng dân gian, hoặc với Nho giáo và Đạo giáo.v.v).

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu Phật học không chỉ giới hạn trong phạm vi các trường Đại học, các hội đoàn chuyên môn, mà đã lan ra đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhiều cuốn sách về Phật học đã ra đời, với nhiều trình độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật giáo. Phật học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một cuốn sách dành cho những người bước đầu tìm hiểu Phật giáo. Có thể coi đây là một cuốn sách đại cương triết học Phật giáo hoặc nhập môn Phật học đều được.

Trang Tử Tinh Hoa

Trang Tử Tinh Hoa

Trang Tử Tinh Hoa trình bày những hệ thống tư tưởng cốt lõi của triết lý Đạo học Đông phương. Ngòi bút của dịch giả Nguyễn Duy Cần càng làm sáng rõ hơn những ý nghĩa thâm sâu vi diệu mà Trang Tử muốn truyền đến người đọc.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button