27 sách văn học Việt Nam hay làm phong phú thêm tâm hồn bạn

27 cuốn sách văn học Việt Nam hay sẽ cho bạn trải nghiệm sự bí ẩn của tình cảm con người, sự thanh tẩy của tâm hồn và vẻ đẹp của cuộc sống.

Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học nổi tiếng dành cho thiếu nhi Việt Nam được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Tô Hoài tạo ra một thế giới côn trùng rực rỡ với các loài Dế, Xén tóc, Cóc, Châu chấu, Kiến… Dế Mèn, nhân vật chính của tác phẩm, dũng cảm, nhân ái, chính trực nhưng cũng có lúc kiêu căng, ngạo mạn, nhiều điều ngang ngược.

Cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang khoảng 40 ngôn ngữ khác nhau.

Số Đỏ

Số Đỏ

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt Nam đương thơi đang chạy theo lối sống “văn minh rởm’ hết sức lố lăng đồi bại.

Tác giả đã kích cay độc các phong trào ” Âu hoá”, “thể thao”, ” giải phóng nữ quyền” đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh “văn minh”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội” mà thực chất chỉ là ăn chơi, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nề nếp đạo đức truyền thống.

Ngôn ngữ nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, mỉa mai, chát. Cũng là thứ ngôn ngữ hướng đến sự phô bày, lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội nhưng dữ dội hơn so với các cây bút hiện thực khác.

Chí Phèo

Chí Phèo

Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao, đồng thời là một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.

Truyện ngắn Chí Phèo, nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong Tập Luống cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên là Chí Phèo.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.

Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

Truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là sáng tác mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ.

Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm các bậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Không chỉ thích hợp với người đọc trẻ, cuốn sách còn có thể hấp dẫn và thực sự có ích cho người lớn trong quan hệ với con mình.

Truyện Kiều

Truyện Kiều

Truyện Kiều là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học dân tộc ở mọi thời đại, kết tinh nhiều giá trị vĩnh cửu. Truyện được sáng tác bởi Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đời Thanh ở Trung Quốc để sáng tạo ra Truyện Kiều. Truyện gồm 3254 câu thơ lục bát, là kiệt tác số một của nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Truyện có giá trị nội dung hết sức sâu sắc. Đó là giá trị tố cáo hiện thực, lêu án xã hội phong kiến thối nát, những thế lực hắc ám tàn bạo, dã man đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc con người như bọn quan lại tham ô thối nát, bọn buôn thịt bán người, bọn ma cô lưu manh tàn ác; lên án mặt trái của đồng tiền hôi tanh..

Bỉ Vỏ

Bỉ Vỏ

Tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng được viết trong những năm 1935 – 1936, xuất bản lần đầu năm 1938 là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán.

Nhân vật chính là Tám Bính – một cô gái chất phác của làng quê, bị lừa gạt trong tình yêu rồi bị tập quán hủ lậu xua đuổi, lên thành phố bị xô đẩy vào con đường tội lỗi. Từ chỗ phải làm nghề bán hoa Tám Bính đã trở thành kẻ cắp lành nghề – cuối cùng cả hai vợ chồng đều bị bắt giữa lúc Tám Bính hay tin đứa con duy nhất bị lưu lạc từ lâu vừa bị giết do chính tay người chồng sau của mình.

Bỉ Vỏ đã nêu được phần nào những mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị áp bức, là một lời tố cáo đanh thép chế độ xã hội cũ.

Vợ Nhặt

Vợ Nhặt

Vợ nhặt là truyện ngắn của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945, được in trong tập Con chó xấu xí (1962).

Tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công. Tác phẩm đang viết dang dở thì bị mất bản thảo, nhà văn sau đó đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, giá trị của Vợ nhặt là tố cáo tội ác của thực dân, phản ánh cuộc sống thê thảm của nhân dân trong nạn đói. Qua đó, Kim Lân đã bộc lộ sự cảm thông với nỗi khổ của những người dân nghèo, phát hiện ra vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách họ.

Đất Rừng Phương Nam

Đất Rừng Phương Nam

Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

Hà Nội 36 Phố Phường

Hà Nội 36 Phố Phường

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.

Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.

THẠCH LAM

Chùa Đàn

Chùa Đàn

Chùa Đàn được viết vào năm 1945, tuy nhiên, sau khi Việt Minh giành được chính quyền tại Hà Nội, Nguyễn Tuân đã mau chóng giác ngộ Cách mạng và viết thêm phần đầu mang tên Dựng và phần kết mang tên Mưỡu cuối cho tác phẩm xuất bản năm 1946. Phần gốc của Chùa Đàn được đặt ở vị trí thứ hai với tên gọi Tâm sự của nước độc.

Vẫn là phong cách duy mỹ thường thấy ở Nguyễn Tuân, ngòi bút của ông trong tác phẩm này hướng đến việc đi tìm cái đẹp, nhưng không còn là cái đẹp hoài vọng, phảng phất u buồn về một thời xa vắng, về những thú chơi trong Vang bóng một thời. Cái đẹp của Chùa Đàn kỳ quái, bi thương và đau đớn hơn rất nhiều khi con người ta sẵn sàng hy sinh thân mình để dùng nghệ thuật mà tái sinh cho một người khác.

Trúng Số Độc Đắc

Trúng Số Độc Đắc

Tiểu thuyết “Trúng số độc đắc” là tác phẩm lớn của Vũ Trọng Phụng cũng như của cả nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với nghệ thuật trần thuật đặc sắc đầy khả năng biến hóa, với ngôn ngữ và giọng điệu hài hước, trào phúng, ông đã dựng lên hàng loạt nhân vật “đồ vật hóa”, nhân vật “kịch”, nhân vật trào phúng, chân dung biếm họa có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Vũ Trọng Phụng mượn nhân vật Phúc để kể về nhân tình thế thái, về thói đời, lòng người đổi trắng thay đen. Và cả chính Phúc, được dịp may đổi đời, rồi có cơ hội chứng kiến, hiểu và cười lòng người, cũng không tránh khỏi việc bản thân thay đổi theo hoàn cảnh, thời thế.

Tuổi Thơ Dữ Dội

Tuổi Thơ Dữ Dội

Tuổi thơ dữ dội – cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…

Ăn Mày Dĩ Vãng

Ăn Mày Dĩ Vãng

Ăn mày dĩ vãng có thể nói là một cuốn tiểu thuyết hót nhất, được bạn đọc tìm đến nhiều nhất, có tuổi thọ và sức sống mãnh liệt nhất và cũng mang đậm cá tính sáng tạo nhất, Chu Lai nhất của ông mà có nhà phê bình gọi nó là phong cách Rốc Ráp…

Câu chuyện xoay quanh người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn từ thời chiến tranh Việt Nam trở về với đời thường trong hiện tại, đã làm một cuộc hành trình lần ngược quá khứ nhằm tìm lại người yêu đồng thời cũng là đồng chí của mình.

Một ngày như mọi ngày trong thời hậu chiến, Hai Hùng tình cờ gặp một người đàn bà với tất cả phong thái, dáng nét của người yêu cũ Ba Sương từ thời chiến tranh của anh. Người con gái bị coi là đã chết mà chính Hai Hùng là người tiến hành cướp xác và chôn cất, ngờ đâu giờ vẫn còn hiện hữu giữa nhân gian với một cái tên khác, Tư Lan, và đang rất thành đạt trên cương vị một nữ giám đốc Sở lâm nghiệp đầy quyền uy..

Những Ngày Thơ Ấu

Những Ngày Thơ Ấu

Những ngày thơ ấu có thể coi là một tác phẩm xuất sắc. Đây là tập hồi ký về tuổi thơ ghi lại những “rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”.

Cuốn sách bao gồm những phần chính sau:

  • Tiếng kèn
  • Chúa thương xót chúng con
  • Truỵ lạc
  • Trong lòng mẹ
  • Đêm noel
  • Trong đêm đông
  • Đồng xu cái
  • Sa ngã
  • Một bước ngắn.

Sống Mòn

Sống Mòn

Nam Cao bắt đầu viết từ năm 1936. Ngoài truyện, ông còn làm thơ, soạn kịch. Nhưng từ năm 1941, với truyện ngắn “Chí Phèo”, ông mới thể hiện rõ tài năng độc đáo và xác lập một vị trí nổi bật trên văn đàn.

Sống mòn hoàn thành vào năm 1944, xuất bản ban đầu với tên gọi “Chết mòn” năm 1956. Trong tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng – hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bóp nghẹt sự sống.

Cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người. Chỉ với giọng văn điềm đạm, cốt truyện đơn giản, thế nhưng, Sống mòn đã hội tụ đầy đủ tất cả sự điêu luyện, tinh tế của một ngòi bút truyện ngắn bậc thầy.

Tắt Đèn

Tắt Đèn

Tắt Đèn là một tác phẩm quen thuộc với các bạn đọc Việt Nam, và được xem là một trong những thiên “kinh điển” của nền văn chương thế kỉ XX.

Bằng ngòi bút hiện thực đặc sắc, Ngô Tất Tố đã xây dựng nên câu chuyện về gia đình Chị Dậu, đại diện cho tầng lớp bần cùng dưới nạn sưu thuế ở nông thôn thời bấy giờ.  Từng dòng chữ trong tác phẩm, đặc biệt cảnh chị Dậu bán con đã khiến người đọc bao thế hệ không thể kìm nước mắt.

Qua tác phẩm của mình, nhà văn đã phản ánh được hiện trạng xã hội một cách sâu sắc, tình cảnh khốn đốn của người dân dưới chế độ xã hội cũ và cũng thấy được sự phản kháng của đạo lý, chính nghĩa. Bởi vậy, tiểu thuyết Tắt đèn, được đánh giá là thành công nhất, có giá trị nhất của nhà văn Ngô Tất Tố, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn hiện thực của văn chương nước ta giai đoạn 1930-1945.

Mười Hai Bến Nước

Mười Hai Bến Nước

Thơ Nguyễn Bính đi vào lòng người bởi cái hồn mộc mạc mang hương đồng gió nội. Với Nguyễn Bính, chân quê chính là cái gốc, là bản sắc văn hóa dân tộc, là nét đẹp nhân bản của con người Việt Nam. Những bức tranh quê chân thực, mộc mạc được tái hiện trong ông một cách tự nhiên, dung dị.

“Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò,

Đò đầy gió lớn sóng sông to.

Mười hai bến nước xa lăng lắc,

Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ.

Tôi biết tình tôi đã lỡ rồi

Tình ta đành chỉ thế này thôi

Thương tôi, mình hiểu cho tôi nhé

Mà chỉ riêng mình mới hiểu tôi.”

Cánh Đồng Bất Tận

Cánh Đồng Bất Tận

Cánh Đồng Bất Tận là câu chuyện về những mảnh đời bên dòng Mê Kông, đánh dấu sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc của Nguyễn Ngọc Tư với người nông dân. 

Đây là tác phẩm gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim…

“Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quách giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa ( và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ ( với người quen cũ ).Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi…”

Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Truyện phản ánh một góc của xã hội Việt Nam sau chiến tranh, một xã hội kiệt quệ về kinh tế, đời sống tinh thần bị thắt ngặt bởi những cơ chế và định kiến lỗi thời. Những biến cố trải dài theo dòng kể của truyện vừa phơi bày thực trạng ấy, vừa bao hàm trong nó sự cố gắng quẫy đạp của từng cá thể cũng như của toàn xã hội nhằm phá bỏ cái cơ chế lạc hậu ấy.

Con Hoang – Lê Hồng Nguyên

Con Hoang – Lê Hồng Nguyên

“Con hoang” là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Lê Hồng Nguyên.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Con hoang” chính là những kiếp người bị giăng mắc trong những định kiến truyền đời đầy những phi lí, bất công, tàn nhẫn. Khép lại 202 trang sách vui buồn cùng với các nhân vật, sẽ vương vấn lại trong ta cảm giác vừa khép lại một bài ca buồn, nỗi đau xé lòng, tiếng than da diết của người phụ nữ sau lũy tre làng với ham ước được sống, nhu cầu được yêu thương, quyền bình đẳng với chính mình.

Mỗi số phận trong cuốn tiểu thuyết là sự giày vò với những khát vọng ấy, là ham muốn giải tỏa bản năng của mình đang bị chôn kín, bị đày ải trong bức tường vô hình mà đáng sợ của cái gọi là định kiến, là dư luận xã hội. Văn chương Lê Hồng Nguyên đẹp, buồn, nhưng chứa chan nỗi yêu thương da diết của một ngòi bút nữ. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của chị cũng rất đẹp, sống động, và chắc chắn phải khởi thủy từ một tâm hồn lãng mạn tha thiết với cuộc đời chị mới có thể dành cho thiên nhiên những áng văn mềm mại và có sức gợi cảm như vậy.

Giông Tố

Giông Tố

Trong Giông tố, “vũ trụ đen tối” của lòng người dường như đặc quánh lại trên cái nền cảu xã hội thực dân phong kiến vô nhân tính đương thời. Đồng thời, trong giông tố, cũng lóe lên những tia chớp hi vọng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: những thế lực hắc ám như Nghị Hách sẽ không còn tồn tại nữa.

Nhà phê bình Xuân Sa nhận xét: “Trong cái xã hội đài các phong lưu, ta chỉ thấy cái ích kỉ nhỏ nhen, cái bất lương tàn nhẫn, may thay lại có một người, một người muốn phá hoại cái xã hội điên đảo ấy để kiến thiết một xã hội khác hợp với nhân đạo…”

Vang Bóng Một Thời

Vang Bóng Một Thời

Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang.

Tiếng Thu

Tiếng Thu

Lưu Trọng Lư được xem là một trong những “chủ tướng” của phong trào Thơ mới. Ngay từ buổi đầu, ông đã cổ động tích cực cho Thơ mới trên thi đàn và đến với thơ bằng tất cả tâm hồn sầu mộng của mình.

Bài thơ Tiếng thu được nhà phê bình Hoài Thanh chọn đăng trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam.

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong một bài viết về Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng thu, cho rằng “nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó là Tiếng thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại”.

Nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học khác cùng quan điểm khi cho rằng đây là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Lê Phong

Lê Phong

“Đọc truyện trinh thám của Thế Lữ có thể thấy tuy mức độ đậm nhạt khác nhau trong từng tác phẩm nhưng chi tiết này, chi tiết khác đều gợi liên tưởng mạnh mẽ đến những truyện tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi Edgar Poe…

Mở đầu và chứng cứ cũng như cách phá án đều phảng phất các truyện nêu trên của Poe. Mọi bí mật đều được phanh phui nhờ vào tài quan sát, phán đoán tâm lý nhân vật và những giả thuyết lập luận chặt chẽ logic của nhà thám tử nghiệp dư chứ không phải những thanh tra nhà nước, cảnh sát trưởng chuyên nghiệp. Cuối cùng hung thủ phải lộ mặt đúng như tiên đoán của Dupin, hay Lê Phong. Ở phần kết thúc truyện, việc tập họp đông đủ mọi người để công bố tên hung thủ tương tự như trong Mi cũng là một con người.”

(Hoàng Kim Oanh)

Tố Tâm

Tố Tâm

Tiểu thuyết Tố Tâm được viết 1922, in lần đầu 1925. Nội dung cốt truyện kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà phải chia ly. Tố Tâm ra đời “lập tức gây xôn xao, sôi nổi dư luận một thời”. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần, đưa tên tuổi Song An – Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn nổi bật lúc bấy giờ.

“Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” – (Vũ Bằng)

“Em bao giờ cũng là gái duy nhất, đã đem lòng yêu anh thì bao giờ em cũng yêu anh, em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa. Từ khi em bắt lòng em không được tưởng đến cuộc trăm năm với anh, em vẫn yêu anh mà đinh ninh giữ lấy một mối tình vô vọng cho suốt cả đời…”

Vàng Và Máu

Vàng Và Máu

“Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu.

Nhà văn đó ngay nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.

Thực vậy, tác giả những truyện VÀNG VÀ MÁU và MỘT ĐÊM GIĂNG đã tỏ ra có bộ óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm hay huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.

Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và Máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình. Và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và Máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ.

Truyện chỉ là một truyện để vàng của người Tàu, xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và Máu gần sự thực biết bao. Trong truyện không sự gì xảy ra mà không hợp lẽ, không một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắn vững vàng.

Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cảnh vĩ đại, thâm u. Là vì những cảnh tả trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu – tôi muốn nói tỉnh Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ.”

(Khái Hưng)

VÀNG và MÁU tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn Thế Lữ. Tập truyện có lối kể gần gũi, mộc mạc nhưng đầy thi vị, phóng khoáng và vô cùng tinh tế. Những chuyện kinh dị, bí ẩn trong VÀNG và MÁU khiến người đọc rùng mình như đang đứng trong một thế giới thần tiên, ma quỷ, nhưng phút chốc lại quay về thực tại hiện hữu để sống với những suy tư sâu sắc của nhà văn về xã hội đương thời.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button