8 sách hay về ẩm thực Hà Nội rất tinh tế và đặc sắc

8 cuốn sách hay về ẩm thực Hà Nội mang đến cho bạn những bí quyết, kỹ thuật và công thức quý báu giúp bạn chế biến những món ăn ngon cảm hứng từ Hà Nội.

Hà Nội Tản Văn – Hàng Rong Phố Cổ

Hà Nội Tản Văn – Hàng Rong Phố Cổ

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền ẩm thực đường phố đó, người Hà Nội “Bước chân ra đến vỉa hè là đã có nhiều sự lựa chọn những món ăn ngon”. Có lẽ mà vì thế khẩu vị của người Tràng An cũng nhiều khắt khe và lắm phần khó tính.

Hà Nội có những gánh hàng rong ngon nổi tiếng được giới sành ăn truyền tai nhau. Họ sẵn sàng lặn lội đường sá xa xôi, chờ đợi, xếp hàng để được đứng ngồi lố nhố mà xì xụp chan hút, thưởng thức một món ăn ngon. Và cái sự sành ăn đó của người Hà Nội đã được các danh nhân văn sĩ đất Thăng Long thể hiện trong Hà Nội tản văn – Hàng Rong Phố Cổ.

Món Ăn Hà Nội Xưa

Món Ăn Hà Nội Xưa

Cuốn sách tổng hợp từ những món ăn cơ bản hàng ngày đến những món ăn dịp lễ hội mà vẫn giữ được sự tinh tế và đẹp đẽ như một sự bảo tồn truyền thống và văn hóa đẹp đẽ của con người Tràng An.

Hà Nội 36 Phố Phường

Hà Nội 36 Phố Phường

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.

Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.

THẠCH LAM

Miếng Ngon Hà Nội

Miếng Ngon Hà Nội

Miếng Ngon Hà Nội là tác phẩm bút ký xuất sắc của nhà văn Vũ Bằng, một nhà văn người Hà Nội gốc và rất sành về các món ăn Hà Nội. Tác phẩm được viết tại Hà Nội vào mùa thu 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959. Cuốn truyện tập trung giới thiệu các món ăn đặc sản của Hà Nội cũng như cảm nhận, tâm tình và kỷ niệm của tác giả với Hà Nội thông qua các món ăn.

Mỗi món ăn là một thiên bút ký, 15 món trong sách Miếng Ngon Hà Nội được nhà văn mô tả chăm chút, kỹ lưỡng, đều là các món “quốc hồn, quốc túy” mà bao thế hệ người Hà Nội đều mê, đều thèm: đầu bảng là phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá! Tất cả đã làm nên diện mạo ẩm thực Hà Nội, làm nên hương vị cuộc sống truyền đời.

Độc Đáo Ẩm Thực Thăng Long – Hà Nội

Độc Đáo Ẩm Thực Thăng Long – Hà Nội

Từ ngàn năm qua, Thăng Long – Hà Nội từng là đất kinh kỳ thành thị đan xen giữa thị dân và nông dân của nước Đại Việt. Đồng thời, đây còn là thành thị thủ phủ của cả miền Bắc thời nhà Nguyễn cũng như thời Pháp xâm lược, rồi trở thành thủ đô như hiện nay.

Những điều kiện lịch sử ấy cùng với vị trí địa lý trung tâm, đầu mối giao thông đường sông, đường bộ của cả châu thổ sông Hồng khiến cho Thăng Long – Hà Nội có vị trí đặc biệt so với các vùng khác, đặc biệt đây còn là nơi hội tụ tinh hoa tứ xứ, vừa đi tiên phong, vừa tiêu biểu cho bản sắc ẩm thực miền châu thổ sông Hồng, cũng như nước Đại Việt. Ẩm thực nơi đây khác biệt với ẩm thực nước ngoài nhất là đối với ẩm thực phương Bắc, Trung Quốc. Cùng với văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội là thành trì bảo vệ bản sắc dân tộc, đề kháng có hiệu quả mọi âm mưu đồng hóa và giúp Việt Nam tồn tại sau hàng ngàn năm Bắc thuộc và gần trăm năm Pháp thuộc!Cho đến thời Pháp thuộc, người Hà Nội vẫn phân biệt rất rõ ràng cơm Ta với cơm Tàu, cơm Tây; bánh (Việt) với bánh Khách (Tàu), bánh Tây; trà (Việt) với trà Tàu… và có hẳn phố Khách (Tàu), phố Tây… Không hề lẫn lộn như vùng miền khác!

Người Thăng Long – Hà Nội có nền ẩm thực với hương vị riêng đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện rõ trong việc dùng nước mắm và những hương vị tự nhiên như gừng, tỏi, hành, nghệ, rau thơm… để làm gia vị. Không như người Tàu hay dùng nước tương, tàu vị yểu để tra nồi hay chấm, khẩu vị thiên về chua ngọt hay thích xào nhiều dầu mỡ, thức ăn ướp ngũ vị hương hoặc thêm chất bột sền sệt…

A Đây Rồi Hà Nội 7 Món

A Đây Rồi Hà Nội 7 Món

“A đây rồi Hà Nội 7 món” là tuyển tập những bài viết của nhà văn Trần Chiến về Hà Nội trong ngót 30 năm qua với biết bao đổi thay.

Cuốn sách có thể khiến nhiều người đang sống ở Hà Nội giật mình nhìn lại bản thân và Hà Nội mà mình đang sống. Tác giả đã vẽ lại Hà Nội dưới nhiều màu sắc, góc nhìn. Ở đó, có một Hà Nội đáng thương – một Hà Nội nhốn nháo, ồn ào, đông đúc. Trần Chiến vẽ nên “sương phố, mặt người” Hà Nội bằng một giọng văn điềm đạm quen thuộc. Có lẽ, chính vì phong cách sống từ tốn, chậm rãi giữa một Hà Nội nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn có cái nhìn sâu sắc, chiêm nghiệm nhưng cũng đầy hóm hỉnh về Hà Nội.

Nhưng trên hết, là một tấm lòng với Hà Nội. Chính ở điểm này, thông qua các tác phẩm về Hà Nội, nhà văn Trần Chiến đã được trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, năm 2015. Nhà văn Trần Chiến là con trai của nhà sử học nổi tiếng Trần Huy Liệu, cháu ngoại của học giả Nguyễn Văn Ngọc. Ông là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương của cha. Tập truyện ngắn Con bụi và tập tiểu thuyết Đèn vàng của ông đã hai lần giành giải thưởng của hội Văn học nghệ thuật và hội Nhà văn. Tiểu thuyết Bốn chín chưa qua được giải thưởng Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Thú Ăn Chơi Người Hà Nội

Thú Ăn Chơi Người Hà Nội (Tập 1)

Lại nhớ những gánh phở xưa, đỗ ở cuối phố mà đầu phố đã ngửi thấy mùi nước dùng thơm lựng. Chỉ khi nhìn thấy những tia lửa vàng tóe ra không gian mới hay ông hàng phở đang thổi to bếp lửa bằng một cái ống phổi.

Những hàng phở gánh đó còn có một dụng cụ đặc biệt. Chỉ là một ống tre, một đầu có mấu kín, đầu kia nút kín bằng lá chuối khô. Thân ống có một lỗ nhỏ, nó như cái lỗ của tẩu thuốc hoặc điếu cày nhưng nhỏ hơn nhiều. Đó là ống hạt tiêu. Bưng bát phở cho khách, ông hàng phở tháo cái nút nhỏ như đầu đũa bằng tre, rắc rắc vòng tròn trên mặt bát, mùi thơm đã lựng lên quyến rũ khách hàng…

Hà Nội – Quán Xá Phố Phường

Hà Nội – Quán Xá Phố Phường

Cuốn sách là tập tản vẳn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Chia thành 2 phần chính là phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang, không diêm dúa, đẽo gọt mà cố gắng mô tả, cung cấp thông tin vừa đủ để độc giả hình dung được khung cảnh và nhân vật, sự kiện đôi khi đã mờ khuất trong xa vắng đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vịtrong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,

Một nét khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi của Uông Triều giữa muôn bức họa đã ra đời trước đó nhưng cũng không làm vơi đi nguồn cảm hứng nơi anh. Viết về Hà Nội, đọc về Hà Nội biết bao nhiêu cho chán. Từng bước, từng bước anh dẫn dắt người ta đến cầu Long Biên “là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động” và chỉ cần “nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố”; giới thiệu một “người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng vàkhông xa là “hàng đậu phú mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”; bắt tay làm quen “một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau” ở phía sau chùa Lá

Những thâu nhận ít nhiều sâu lắng đó, và hẳn cũng là thế mạnh của người viết đã khéo léo đẩy đưa làm cho ta khó lòng mà dừng bước nếu chưa đi đến trang cuối của cuốn sách. Những câu trích trong tác phẩm: – Hồ Tây vọng lên trong tâm tưởng người Hà Nội như một nơi lưu giữ những kỉ niệm. Tôi đã từng đi xe cả một ngày quanh hồ chỉ để ngắm nhìn, quan sát cảnh vật. Một khoảng lặng mênh mang, thơ mộng và đằm sâu văn hóa. Hồ Tây là thiên nhiên hoa cỏ, là cá tôm chim trời, là cuộc sống muôn màu trong lòng thành phố có nghìn năm tuổ – Hà Nội phố nhiều, ngõ nhiều..

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button