10 sách hay về ASEAN giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệp hội này

10 cuốn sách hay về ASEAN giới thiệu đến người đọc khu vực Đông Nam Á, bao gồm lịch sử, văn hóa, phong tục, truyền thống, con người, kinh tế và địa lý.

Nghiên Cứu So Sánh Hiến Pháp Các Quốc Gia Asean

Nghiên Cứu So Sánh Hiến Pháp Các Quốc Gia Asean

TS Tô Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội biên soạn cuốn Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN, góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn về hiến pháp các nước ASEAN, đặc biệt là cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cách thức giải quyết, quản lý những vấn đề cơ bản về hiến pháp ở các nước thành viên ASEAN, từ đó cho phép chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm của các nước ASEAN trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta.

Nội dung cuốn sách gồm tám chương:

  • Chương I: Khái quát về đất nước và hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp hiện hành các quốc gia ASEAN;
  • Chương II: Hình thức, cấu trúc nội dung, tính hiệu lực và thủ tục sửa đổi, bổ sung Hiến pháp các quốc gia ASEAN;
  • Chương III: Lời nói đầu và các chế độ nhà nước trong Hiến pháp các quốc gia ASEAN;
  • Chương IV: Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản trong Hiến pháp các quốc gia ASEAN;
  • Chương V: Chính thể và sự thể hiện nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước các quốc gia ASEAN;
  • Chương VI: Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Hiến pháp các quốc gia ASEAN;
  • Chương VII: Các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp các quốc gia ASEAN;
  • Chương VIII: Một số nhận xét chung về Hiến pháp các quốc gia ASEAN và những kinh nghiệm có thể tham khảo đối với Việt Nam.

Tư Duy Asean – Thay Đổi Tư Duy Marketing Hướng Tới Cộng Đồng ASEAN 2015

Tư Duy Asean – Thay Đổi Tư Duy Marketing Hướng Tới Cộng Đồng ASEAN 2015

Một hiện tượng thú vị xảy ra ở Đông Nam Á: BreadTalk, thương hiệu bánh nướng ở Singapore, đang mở thêm cửa hàng ở Jakarta, Malaysia và Philippine. Phở 24, chuỗi nhà hàng phở Việt Nam, đang hiện diện tại Indonesia. AirAsia, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, hiện có chi nhánh tại Thái Lan và Indonesia.

Những điều đó cho thấy quá trình khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này giờ đây trở thành một xu hướng còn quan trọng hơn cả quá trình toàn cầu hóa. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không còn đơn thuần là một hiệp hội của các nước láng giềng, mà đang trở thành một thị trường hợp nhất với tiềm năng to lớn.

Và câu hỏi được đặt ra: Làm cách nào có thể thu hút được thị trường ASEAN? – Đây chính là vấn đề sẽ được giải đáp trong cuốn sách này.

Tư duy ASEAN! sẽ giúp giới kinh doanh và các chuyên gia marketing hiểu rõ những động lực thay đổi cùng tác động của quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đối với thị trường tương lai. Cuốn sách nêu bật những cơ hội tại ASEAN hiện nay và chia sẻ các mô hình công ty sáng tạo, dám nghĩ dám làm – những công ty đã tự mình đạt được thành công trong khu vực này.

Xúc Tiến Hội Nhập Kinh Tế Cộng Đồng ASEAN

Xúc Tiến Hội Nhập Kinh Tế Cộng Đồng ASEAN

Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị – An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Năm 2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập với mục tiêu trở thành:

  • Một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề;
  • Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao;
  • Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI);
  • Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, đất nước chúng ta đã từng bước, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Hỏi Đáp Về Cộng Đồng Kinh Tế Asean

Hỏi Đáp Về Cộng Đồng Kinh Tế Asean

Sự ra đời của AEC là một mốc đánh dấu sự hội nhập ngày càng sâu của các nước ASEAN trong lĩnh vực kinh tế. AEC có mục tiêu tạo nên một thị trường, cơ sở sản xuất thống nhất, tạo điều kiện cho các nước ASEAN phát huy được lợi thế so sánh, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả trong khu vực.

Các nội dung hội nhập trong AEC hứa hẹn tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, bớt rào cản hơn cho bản thân các doanh nghiệp trong AEC và cả các nhà đầu tư từ bên ngoài AEC. Với ý nghĩa như vậy, AEC sẽ tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển của các nước ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tìm các hướng đi mới, việc tận dụng những động lực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, cuốn sách Hỏi đáp về Cộng đồng Kinh tế ASEAN của nhóm tác giả Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội biên soạn nhằm mục đích cung cấp những vấn đề chung về AEC, sự tham gia của Việt Nam cũng như những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập này.

Đa Dạng Tôn Giáo Với Tiến Trình Xây Dựng Cộng Đồng Văn Hóa – Xã Hội Asean

Đa Dạng Tôn Giáo Với Tiến Trình Xây Dựng Cộng Đồng Văn Hóa – Xã Hội Asean

Đông Nam Á từ lâu đã được coi là một trong những khu vực có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử khu vực và thế giới, là “ngã tư đường”, cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với khu vực Tây Á,… nên không phải ngẫu nhiên mà mối liên hệ của khu vực này với thế giới được xác lập. Trải qua hàng trăm năm, cư dân nơi này còn trải qua quá trình tiếp biến, xây dựng nền văn hóa riêng, độc đáo của mỗi quốc gia những cùng tồn tại hài hòa, tạo nên tính đa dạng, phong phú của nền văn hóa khu vực và đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại những giá trị tinh thần độc đáo.

Theo đó, bức tranh tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á rất đa dạng, nhiều vẻ, bởi trong quá trình phát triển, ở đây đã hội tụ đủ các hệ ý thức, tư tưởng từ cả phương Đông như: Trung Quốc, Ấn Độ, Arập,… và phương Tây như: Tây Ban Nha, Hà Lan,… Vì thế, việc xây dựng chính sách để bảo đảm cho các nhóm cộng đồng tôn giáo chung sống hòa hợp trong mỗi quốc gia và ở phạm vi lớn hơn – khu vực là một vấn đề không hề đơn giản, nhất là khi sự hình thành của Cộng đồng ASEAN ( ASEAN Community – AC), mà cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN ( ASEAN Socio – Cultural Community – ASCC) là một trong ba trụ cột chính, đã đưa ra mục tiêu xây dựng ASEAN thành một cộng đồng vì con người, nơi mà các dân tộc Đông Nam Á trên chặng đường mới của mình sẽ gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển cùng nhau dưới một mái nhà.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của tôn giáo trong quá trình hình thành Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Đa dạng tôn giáo với tiến trình xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC). Cuốn sách phân tích những tác động có yếu tố tôn giáo đến quá trình xây dựng và hoàn thiện Cộng đồng này.

ASEAN Diệu Kỳ – Vì Một Cộng Đồng ASEAN Phát Triển Bền Vững Và Thịnh Vượng

ASEAN Diệu Kỳ – Vì Một Cộng Đồng ASEAN Phát Triển Bền Vững Và Thịnh Vượng

ASEAN là một điều kỳ diệu sống động và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Tại sao? Không một tổ chức khu vực nào khác đã làm được nhiều như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc cải thiện điều kiện sống của một bộ phận đáng kể nhân loại. Hơn 600 triệu người sống trong khu vực có bước tiến đáng kể trong 50 năm qua, kể từ khi Hiệp hội được thành lập.

ASEAN đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một khu vực từng gặp nhiều vấn đề, tạo ra sự hài hòa giữa các nền văn minh ở khu vực vốn đa dạng nhất hành tinh, mang lại niềm hy vọng cho người dân sống tại khu vực. ASEAN có thể cũng đóng vai trò như một chất xúc tác quan trọng cho sự trỗi dậy một cách hòa bình của Trung Quốc. ASEAN vì thế xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình hơn bất kỳ cá nhân và tổ chức nào hiện nay.

Điều đó có nghĩa ASEAN là một tổ chức khu vực hoàn hảo? Hoàn toàn không. Nó không hề hoàn hảo chút nào. Đó là lý do tại sao thế giới không hiểu nổi câu chuyện ASEAN. Có rất nhiều sai sót đã được ghi nhận, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông của Âu Mỹ. Bất kỳ độc giả nào nghi ngờ điều này có thể thực hiện một cuộc tìm kiếm trực tuyến với từ khóa ASEAN. Người đó có thể sẽ bị nhấn chìm bởi hàng loạt những bài viết nói về rất nhiều điểm không hoàn hảo của ASEAN.

Những câu chuyện này không hề sai. ASEAN không phát triển theo một đường thẳng mà thường chuyển động giống như một con cua: bước hai bước lên phía trước, một bước lùi xuống phía sau và một bước ngang sang bên cạnh. Quan sát trong một giai đoạn ngắn, quá trình này rất khó nhận ra..

Hợp Tác Khu Vực Châu Á: Nhân Tố Asean Và Ấn Độ

Hợp Tác Khu Vực Châu Á: Nhân Tố Asean Và Ấn Độ

Trên tay bạn là cuốn sách Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ của Đại sứ, TS. Tôn Sinh Thành. Ngay từ tên gọi của cuốn sách đã gợi lên nhiều điều suy ngẫm trên cả bình diện lý luận và thực tiễn. Giả dụ như vấn đề “khu vực” hay “khu vực châu Á”, “khu vực ASEAN”… cầm được nhận thức rõ hơn.

Trong bối cảnh ngày nay, toàn cầu hóa và khu vực hóa đã trở thành một xu thế phát triển khách quan và diễn ra ngày càng sôi động, phức tạp, đặt ra không ít vấn đề về mặt học thuật, cần có sự trao đổi để thống nhất về nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Châu Á Chuyển Mình

Châu Á Chuyển Mình

Châu Á là một châu lục chưa bao giờ chịu khuất phục. Không có một châu Á đơn nhất về mặt giá trị, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ hay quan trọng nhất, về chính trị. Sau Thế chiến II, việc phi thuộc địa hóa, dân chủ hóa và toàn cầu hóa thương mại tự do ảnh hưởng không đồng đều đến các quốc gia châu Á. Công nghiệp hóa và đô thị hóa phát triển nhanh chóng, đi đầu là Nhật Bản. Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đang theo kịp ở các tốc độ và đạt được mức độ thành công khác nhau.

Song, xu hướng chung đã rõ ràng. Trong khi phương Tây lao vào phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 2008, vượt qua các đại dương, một Thế kỷ Châu Á đang dần khởi sắc.

Một điều rõ ràng nữa là các quốc gia châu Á phải thích ứng với những thực tế mới. Khi công thức tăng trưởng của Nhật Bản là xuất khẩu sang phương Tây hiện đang bị thách thức, họ phải tìm kiếm những cỗ máy tăng trưởng mới bao gồm mở rộng mậu dịch và đầu tư trong khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối con người. Và họ phải làm điều đó trong một môi trường xã hội và chính trị phức tạp hơn. Khi các quốc gia trở nên thịnh vượng hơn, chính phủ phải đối mặt với áp lực khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng khiến nhu cầu về truyền thông xã hội và thông tin di động của họ tăng theo..

Vòng Quanh Các Nước Đông Nam Á – Nên Và Không Nên

Vòng Quanh Các Nước Đông Nam Á – Nên Và Không Nên

ASEAN là tên viết tắt của Association of Southeast Asian Nations, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Đây là tổ chức bao gồm mười nước thành viên: Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Myanmar và Việt Nam. Hiệp hội được chính thức thành lập vào năm 1967 với mục đích tăng cường tình đoàn kết giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy hoạt động trao đổi kinh tết và hợp tác đẻ ổn định chính trị, an ninh.

Mười nước thành viên ASEAN là mười quốc gia với địa li, lịch sử và văn hóa đa dạng, ẩn chứa nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết. Hãy cùng khám phá những đất nước này dưới nhiều lăng kính khác nhau của bộ sách “Vòng quay các nước Đông Nam Á” nhé!

Nên và không nên – Khi bước chân lên một đất nước mới, việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về văn hóa phong tục là tối quan trọng. Nó giúp bạn cư xử đúng mực với người bản xứ, tránh cho mình và người khác những bối rối không đáng có. Cuốn sách này sẽ cho bạn một cái nhìn sơ lược về những điều nên và không nên làm ở các nước ASEAN.

Sử Dụng Các Công Cụ Phòng Vệ Thương Mại Trong Bối Cảnh Việt Nam Thực Thi Các Fta Và Cộng Đồng Kinh Tế Asean

Sử Dụng Các Công Cụ Phòng Vệ Thương Mại Trong Bối Cảnh Việt Nam Thực Thi Các Fta Và Cộng Đồng Kinh Tế Asean

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt với việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với nhiều đối tác thương mại lớn và tuyên bố hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Với các FTA và AEC này, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi phải mở rộng cánh cửa cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt thông qua việc cắt giảm, loại bỏ thuế quan, đặc biệt từ sau năm 2015. Trên thực tế, ngay cả với những cam kết mở cửa đã có, cánh cửa vào thị trường Việt Nam đã được mở ra khá rộng cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Cùng với đó cũng xuất hiện những dấu hiệu của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Không ít hàng hóa nhập khẩu đã được bán với giá thấp kỷ lục, thậm chí được cho là giá “hủy diệt”. Những hiện tượng này đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Việt Nam và trong lâu dài có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển của các ngành sản xuất trong nước. Trong khi các nước khác trên thế giới từ lâu đã biết tới các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) – chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và sử dụng hiệu quả để bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, thì ở Việt Nam các công cụ này dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ (với chỉ 5 vụ tính tới tháng 12/2015).

Cuốn sách Sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTA và cộng đồng kinh tế ASEAN được biên soạn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các biện pháp PVTM ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để triển khai trên thực tế những hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tận dụng hiệu quả các công cụ hợp pháp này trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng trong thời gian tới.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button