9 sách hay về Champa, một vương quốc cổ ở Đông Nam Á

9 cuốn sách hay về Champa này giới thiệu cho độc giả về Champa, bao gồm văn hóa, lịch sử và tầm ảnh hưởng đối với thế giới.

Nghìn Năm Gốm Cổ Champa

Nghìn Năm Gốm Cổ Champa

Văn minh Champa để lại những di sản quý cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên mảnh đất miền Trung Việt Nam hiện nay, sự hiện hữu của các di tích văn hóa Champa vẫn còn rõ nét và ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu đồ gốm Champa – một loại hình di vật “gốc”, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập và phục dựng diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Champa trong lịch sử đang ngày càng được chú trọng.

Khi nói tới gốm Champa, đa phần người nghiên cứu và công chúng thường nghĩ đến gốm Gò Sành thế kỷ XIV, XV (Bình Định) và gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Trong khi đó còn một khối lượng lớn đồ gốm tìm được trong các địa điểm khảo cổ học Champa thế kỷ I-X vẫn chưa được nghiên cứu và công bố một cách đầy đủ, khoa học và hệ thống.

Cuốn sách Nghìn năm gốm cổ Champa sẽ hệ thống hóa và cung cấp nguồn tư liệu cập nhật về gốm Champa trong suốt 1.000 năm lịch sử (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), góp phần bổ’ sung nhận thức mới về đồ gốm Champa và nghề sản xuất gốm truyền thống của cư dân vương quốc Champa. Bên cạnh đó nội dung cuốn sách còn đi sâu phân tích ảnh hưởng của các mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu văn hóa đối với sản xuất và buôn bán đồ gốm Champa trong 10 thế kỷ, đồng thời nghiên cứu đồ gốm Champa trong bối cảnh rộng hơn (trong nước và khu vực) nhằm làm rõ nguồn gốc, vị trí, vai trò của đồ gốm Champa.

Đối Thoại Với Nền Văn Hóa Cổ Champa

Đối Thoại Với Nền Văn Hóa Cổ Champa

Văn hóa Champa là một nền văn hóa đồ sộ, riêng biệt, có bản sắc riêng, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho văn hóa dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử và đến nay vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Kế thừa từ cội nguồn văn hóa tộc người cũng như tiếp thu, hội nhập từ nền văn minh Ấn Độ, người Chăm đã xây dựng và phát triển một nền văn hóa rực rỡ chạy dài từ phía Nam Đèo Ngang (Quảng Bình) đến bờ Bắc sông Đồng Nai ( tỉnh Bình Thuận), lan tỏa đến vùng cao nguyên hùng vĩ và hệ thống các đảo ven biển miền Trung.

Nội dung cuốn cách gồm 4 chương:

  • Chương 1: Đối thoại với chủ nhân nền văn hóa Champa – Người Chăm
  • Chương 2: Đối thoại với lịch sử Champa
  • Chương 3: Đối với tín ngưỡng và tôn giáo Champa
  • Chương 4: Đối thoại với di sản vật chất Champa

Mỹ Sơn Vùng Đất Thiêng Vương Quốc Cổ Champa

Mỹ Sơn Vùng Đất Thiêng Vương Quốc Cổ Champa

Với những giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, cùng những giá trị lịch sử văn hóa điển hình của dân tộc Chăm trong lịch sử, năm 1999, Khu di tích Mỹ Sơn được Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận, vinh danh là di sản văn hóa thế giới..

Mê Tông Chi Quốc

Mê Tông Chi Quốc

“Mê tông chi quốc” là bộ tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm dài kỳ gồm 4 tập, kể về những chuyến đi đầy mạo hiểm của một đoàn thám hiểm gồm những kẻ trộm mộ chuyên nghiệp, những chiến sĩ chạy trốn sự truy đuổi của kẻ thù và những nhà khảo cổ dạn dày kinh nghiệm, họ bắt đầu hành trình với những nhiệm vụ khác nhau nhưng lại gặp nhau giữa rừng hoang núi thẳm và cùng chiến đấu để chống lại hiểm nguy, giành giật sự sống.

Chuyến đi của họ là hành trình sinh tử đầy ly kỳ và mạo hiểm, vượt thời gian, vượt không gian với những khám phá kinh hoàng về một vương triều cổ đại, một đất nước bị lãng quên dưới lòng đất và những điều bí ẩn chưa ai từng biết đến.

Tháp Cổ Champa

Tháp Cổ Champa

Sau hàng mấy trăm năm bị chìm trong quên lãng, từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, các ngôi đền tháp cổ Champa mới bắt đầu được các chuyên gia người Pháp thống kê, khảo tả và nghiên cứu một cách khoa học và hệ thống.

Sau những người mở đầu mà tiêu biểu là kiến trúc sư H. Parmentier, từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay, nhiều thế hệ các nhà khoa học tiếp theo của Pháp, của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới đã giải mã dần dần những bí ẩn của những ngôi đền tháp cổ Champa mà người Chăm cũng như người Việt, do không giải thích và hiểu được, đã thêu dệt thành những sự tích và truyền thuyết dân gian ly kỳ.

Kiến Trúc Champa Trong Lịch Sử

Kiến Trúc Champa Trong Lịch Sử

Kiến trúc đền tháp Champa là một loại hình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, một di sản chứa nhiều giá trị để góp phần tìm hiểu nền văn hóa Champa trong lịch sử. Sự kỳ vĩ, vẻ đẹp thanh tú, hài hòa của hình khối, sự nuột nà, tinh tế trong điêu khắc trên mỗi công trình là sức hút hấp dẫn nhiều thế hệ học giả hơn một thế kỷ nay quan tâm nghiên cứu.

Kế thừa những kết quả nghiên cứu trong các công trình đã công bố về kiến trúc Champa, hai nhà khảo cổ học Lê Đình Phụng và Phạm Văn Triệu ra mắt bạn đọc cuốn sách Kiến trúc Champa trong lịch sử – Architecture of Champa in History.

Với công trình này, trải qua nhiều năm nghiên cứu, các tác giả đã dành công sức chỉnh lý nhiều nhận thức về kiến trúc đền tháp Champa trong các công trình đã công bố, đồng thời, bổ sung nhiều tư liệu mới, cập nhật các kết quả khai quật và nghiên cứu trong những năm gần đây. Chuyên khảo Kiến trúc Champa trong lịch sử cũng cung cấp nhiều nhận thức mới về các di sản kiến trúc đặc biệt này.

Lưu Dấu Chăm-Pa: Cố Đô Simhapura – Trà Kiệu (Thế Kỷ I-XI)

Lưu Dấu Chăm-Pa: Cố Đô Simhapura – Trà Kiệu (Thế Kỷ I-XI)

Trong lòng đất của Kinh thành Sư tử – Simhapura, Trà Kiệu thuộc vương quốc cổ Chiêm Thành/Chăm-pa vẫn còn ẩn giấu nhiều bí ẩn lịch sử, mặc dầu những cuộc khai quật khảo cổ học tại đây từ những năm 1927-1928 và trong những thập niên qua đã hiện lộ nhiều kết quả thú vị.

Trong những năm 1980, cư dân Trà Kiệu đã tình cờ tìm thấy nhiều cổ vật trong kinh thành này; họ ưu ái dành tặng Cha quản xứ An-tôn Nguyễn Trường Thăng những gạch, ngói, tượng đá thu thập được trong khu vực quanh chân đồi Bửu Châu. Cũng tại khu vực này vào thập niên 1990, các cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành bởi những nhà khảo cổ học uy tín của các đại học University College London (Anh Quốc) và Waseda University (Nhật Bản). Kể từ đó, kinh đô một thời của vương quốc cổ Chăm-pa được đón nhận sự quan tâm rộng rãi bởi cộng đồng học giả quốc tế qua nhiều chuyên khảo về khảo cổ học, lịch sử và nghệ thuật được công bố trên các tạp chí khoa học.

Sưu tập của Linh mục An-tôn Nguyễn Trường Thăng tuy không nhiều và dĩ nhiên không có xuất xứ từ những cuộc khai quật khảo cổ học nhưng rất phong phú về thể loại và chất liệu; do đó chúng có thể được dùng để nghiên cứu đối sánh với những hiện vật phát lộ trong các cuộc khai quật chính quy nhằm góp phần tìm hiểu quá khứ sinh động của kinh thành Trà Kiệu.

Trong sưu tập này, những tác phẩm đáng quan tâm được kể đến là: Phần trên của một bức phù điêu thể hiện thẩn Shiva, phía sau có văn khắc bằng tiếng Chăm cổ, phát hiện tại thung lũng Chiêm Sơn Tây; phần dưới của nó được sưu tẩm từ thời Pháp thuộc, hiện nay được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng; bức văn khắc này có niên đại vào giữa thế kỷ XV, cung cấp nhiều thông tin quan trọng vào giai đoạn cuối của vương quốc Chiêm Thành/Chăm-pa tại vùng Quảng Nam. Ngoài ra còn phải kể đến một hiện vật độc đáo khác, đó là đồng tiền vàng Dinar đúc vào đầu thế kỷ X, cho đến nay đó là đồng tiền Ả Rập duy nhất được tìm thấy tại Việt Nam.

Mong rằng quyển sách nhỏ được chính Linh mục An-tôn Nguyễn Trường Thăng biên soạn để giới thiệu bộ sưu tập giá trị của ông sẽ cung cấp thêm những thông tin cơ bản nhằm thu hút các giới thưởng ngoạn tìm đến chiêm ngưỡng và nghiên cứu thêm theo như tâm nguyện của ông.

Trần Kỳ Phương

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Chăm-pa

Khảo Cổ Học Champa Khai Quật Và Phát Hiện

Khảo Cổ Học Champa Khai Quật Và Phát Hiện

Cuốn sách Khảo cổ học Champa khai quật và phát hiện của Tiến sĩ Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học vừa được xuất bản năm 2017, là người đã nghiên cứu về Khảo cổ học Champa rất lâu năm. Trích lời tác giả: Văn hóa Champa là một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là nền văn hóa lớn, có bề dày hình thành và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử trên dải đất miền Trung. Trong quá trình tồn tại và phát triển, văn hóa Champa để lại di sản trên nhiều lĩnh vực vật thể và phi vật thể còn hiện diện cho đến ngày nay, trong đó những di sản vật thể chiếm vị trí quan trọng. Sự có mặt của các loại hình kiến trúc tháp, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, dấu vết những tòa thành cổ, những cảng thị cùng sự hiện diện của các lò gốm, những sản phẩm thủ công đã tạo nên diện mạo văn hóa champa vô cùng phong phú trong lịch sử.

Những cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành trong nhiều giai đoạn, nhiều cơ quan, nhiều thế hệ học giả, thực hiện trên nhiều lĩnh vực, mục đích khác nhau, tác giả cố “nhặt nhạnh” chắt lọc từ các báo cáo khoa học, những thông báo trong Những phát hiện mới về khảo cổ học hằng năm từ nhiều cơ quan, nhiều nhà nghiên cứu để tạo nên cuốn sách này.

Nội dung cuốn sách gồm 4 chương: 1/ Sơ lược về lịch sử và văn hóa Champa; 2/ Những cuộc khai quật và phát hiện khảo cổ học champa trước năm 1975 bao gồm các cuộc khai quật trên địa bàn bắc đèo Hải Vân và nam đèo Hải Vân; 3/ Những cuộc khai quật và phát hiện khảo cổ học Champa sau năm 1975; 4/ Những đóng góp của khảo cổ học vào nghiên cứu lịch sử văn hóa Champa.

Mật Mã Champa

Mật Mã Champa

Mật mã Champa là một cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên viết về mật mã, lịch sử và tôn giáo của nền văn minh Champa cổ xưa đầy huyền bí trên dải đất miền trung Việt Nam. Những đền tháp uy nghi có từ hàng thế kỷ trước, những pho tượng Bà-la-môn giáo nhuốm màu thời gian cùng hàng trăm tấm bia kí phai mờ đang ẩn chứa vô số bí ẩn mà hậu thế chưa thể giải mã. Sau nhiều năm trùng tu thánh địa Mỹ Sơn, một kiến trúc sư đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng Phạn ngữ khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế thần bí.

Điều làm ông bất ngờ và sợ hãi là những bí ẩn kho báu Champa và lễ hiến tế người gắn liền với một hội kín tà giáo có từ thời trung cổ. Lúc ông quyết định thám hiểm vào sào huyệt của hội kín thì bị sát hại đúng theo cách mà ông từng biết qua bia kí.

Rất may, trước khi chết ông đã kịp để lại một mật mã.

Ngay lập tức, một kiến trúc sư trẻ đã vào cuộc. Anh bắt đầu giải chuỗi mật mã mà nhà khảo cổ kì cựu này để lại rồi rơi vào một cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Cuối cùng, anh đã sập bẫy rồi bị đưa lên đài cúng tế đúng như nghi thức man rợ cổ xưa.

Sau nhiều diễn biến kịch tính tại hang ổ của hội kín, bí ẩn về hội tà giáo Naga và kho báu của vương triều Champa lần lượt được đưa ra ánh sáng sau hàng thế kỉ chìm trong bí ẩn.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button