15 sách hay về chính trị quan trọng cho mọi độc giả

15 cuốn sách hay về chính trị mang đến cho người đọc những kiến ​​thức chuyên sâu về chính trị, từ bản chất của nhà nước đến quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Việc phế truất một nhà cai trị bất công có đúng không? Dân chủ là hình thức hiệu quả nhất của chính phủ? Chiến tranh có bao giờ chính đáng? Trong suốt lịch sử, nhân loại đã cân nhắc những vấn đề này và những vấn đề lớn khác về cách quản lý con người tốt nhất, và những nhà tư tưởng vĩ đại đã đưa ra những giải pháp tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới ngày nay.

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp các bài viết ngắn gọn làm sáng tỏ những vấn đề khó hiểu nhất về chính trị, cũng như các minh họa từng bước giúp làm sáng tỏ các lý thuyết phức tạp, được viết bằng giọng điệu đơn giản và dễ hiểu.

Địa Chính Trị Của Loài Muỗi – Khái Lược Về Toàn Cầu Hóa

Địa Chính Trị Của Loài Muỗi – Khái Lược Về Toàn Cầu Hóa

Từ 250 triệu năm trước, muỗi đã có mặt trên Trái đất, vậy nhưng chúng chẳng nán lại lâu la gì: vòng đời trung bình của một con muỗi là 30 ngày. Rất đông đúc (3564 loài), có mặt trên khắp các châu lục, chúng giết người vô tội vạ (750 000 người mỗi năm)! Khi chúng vo ve bên tai ta thì không phải chỉ là để quấy rầy giấc khuya của ta, mà còn là để kể cho chúng ta một câu chuyện : câu chuyện về những đường biên giới bị xóa nhòa, về những đột biến không ngừng, về những cuộc chiến đấu để sinh tồn. Và đặc biệt là câu chuyện tay ba giữa muỗi, ký sinh trùng và con mồi (chính là chúng ta).

Erik Orsenna kể câu chuyện về loài muỗi trong bối cảnh toàn cầu hóa một cách vui nhộn và cực kỳ kỹ lưỡng, khiến độc giả vừa sợ hãi về những căn bệnh do loài vật nhỏ bé này lây lan, vừa ngưỡng mộ khả năng thích nghi thông minh phi thường của chúng để sinh tồn.

Chính Trị – Nghề Nghiệp Và Sứ Mệnh

Chính Trị – Nghề Nghiệp Và Sứ Mệnh

Max Weber – Tư tưởng gia người Đức, có vai vai trò nổi bật trong quá trình phát triển môn xã hội học hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Weber nhấn mạnh chính trị có nghĩa là “lãnh đạo hoặc gây ảnh hưởng lên phương thức lãnh đạo nhà nước”. Định nghĩa rộng như thế lại đưa ông đến một câu hỏi trung tâm khác: Nhà nước là gì? Weber định nghĩa nhà nước là “cộng đồng người khẳng định (một cách thành công) độc quyền sử dụng bạo lực thể chất một cách hợp pháp trong một khu vực lãnh thổ nhất định”. Như vậy, có thể định nghĩa chính trị “đấu tranh để chia sẻ quyền lực hoặc để gây ảnh hưởng lên quá trình phân bố quyền lực giữa các nước hoặc giữa các nhóm người trong một nước”. Do đó, “người làm chính trị tìm cách giành quyền lực để làm phương tiện nhằm phục vụ các mục đích khác, có thể là mục đích lý tưởng hay ích kỷ, hoặc giành “quyền lực chỉ vì quyền lực”.

Trong những năm cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỷ XX, Max Weber, một nhà xã hội học và học giả được mọi người kính trọng, đã được Đại học Munich mời nói chuyện hai lần. Bài đầu tiên là Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 11 năm 1917) và sau đó là Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 1 năm 1919). Trước sự kiện là nước Đức vừa bị đại bại trong Thế chiến I và đang có những rắc rối về chính trị trong giai đoạn thành lập nước Cộng hòa Weimar, nhiều người, trong đó có Weber như ông thừa nhận trong phần mở đầu bài nói, là ông “sẽ trình bày quan điểm của mình về những vấn đề thời sự hiện nay”. Nhiều người kỳ vọng như thế vì lúc đó Max Weber đang là học giả được kính trọng nhất ở Đức. Nhưng Weber đã nói tới những câu hỏi triết học rộng lớn hơn: Chính trị là gì và đặc điểm chung của những người coi chính trị là nghề nghiệp và sứ mệnh.

Chính Trị Luận

Chính Trị Luận

Tác phẩm nổi tiếng viết về các khái niệm mà từ đó định hình các quốc gia và chính phủ. Mặc dù, Aristotle cổ vũ mạnh mẽ cho chế độ nô lệ lạc hậu, quan điểm của ông về Hiến pháp và cách điều hành chính phủ lại rất kinh điển. Dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại

Tác phẩm này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Chính trị luận nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.

Aristotle là biểu tượng của trí tuệ tư duy triết học. Mặc dù nội dung rất sâu sắc nhưng cách trình bày của ông lại rất dễ hiểu. Ông viết những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với độ chính xác siêu phàm. Học thuyết của ông có ảnh hưởng lớn đến những lĩnh vực hiện đại như : khoa học, chủ nghĩa duy thực và logic học

Theo Aristotle, là một người tốt không thôi chưa đủ. Nếu người dân tốt mà không tích cực tham gia vào đời sống chính trị của chế độ thì chế độ đó có cơ nguy trở thành thoái hóa và trở thành một chế độ xấu. – Dịch giả Nông Duy Trường

Chính Trị Thế Giới Sau Năm 1945

Chính Trị Thế Giới Sau Năm 1945

Đây là bức tranh toàn cảnh tình hình chính trị thế giới từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc, được xem như bản tường trình về lịch sử hiện đại sau cuộc chiến một cách toàn diện và minh bạch nhất của Peter Calvocoressi, một khuôn mặt độc đáo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế với nhiều công trình biên soạn có giá trị về chính trị, kinh tế rất nổi tiếng.

Thế chiến thứ hai như là cuộc đụng độ tư tưởng, kết thúc bằng thất bại của chủ nghĩa phát xít, mở đường cho mối xung đột trầm trọng giữa nền dân chủ phương Tây và chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng xét cho cùng, đây là cuộc chiến xuất phát từ tham vọng của các siêu cường quốc, mà thất bại của Đức và Nhật đã đẩy Hoa Kỳ và Liên Xô lên vị trí quyền lực hàng đầu, để rồi hai nước bị chia rẽ sâu sắc về triết lý chính trị và kinh tế đâm ra dè chừng, e sợ lẫn nhau. Chính nỗi nhiều sợ này là thủ phạm thực sự của Chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa sau thế kỷ 20, thể hiện mâu thuẩn đối kháng sâu sắc trên bình diện tư tưởng mang tính toàn cầu.

Bên cạnh sự phân tích tinh tế, sâu sắc và đánh giá công bằng, khách quan “sản phẩm của quá khứ” kéo dài suốt 50 năm, tác giả đã cảnh báo tác dụng nguy hại của vũ khí hạt nhân đã phá vỡ mọi cơ sở lý luận dẫn tới chiến tranh tàn khốc để nhân loại đừng bước theo lối mòn mà cuối đường chỉ là sự huỷ diệt.

Nội dung sách gồm các phần:

  • Phần 1. Quyền lực và trật tự thế giới
  • Phần 2. Châu Âu
  • Phần 3. Trung Đông
  • Phần 4. Châu Á
  • Phần 5. Châu Phi
  • Phần 6. Châu Mỹ

Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ

Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ

“Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ” (tên tiếng anh: “Parties Politics in America”) là cuốn giáo trình kinh điển về các đảng chính trị, được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường đại học của Mỹ.

Cuốn sách này liên tục được cập nhật nhưng mục đích thì không đổi. Hiện nay cuốn sách đã được tái bản 17 lần, phiên bản tiếng Việt này dựa trên ấn bản thứ 16.

Frank J. Sorauf, một người tiên phong trong khoa học chính trị hiện đại, đã khởi xướng tác phẩm vào năm 1968, và Paul Allen Beck đưa cuốn sách tới công chúng vào thập niên 1980, 1990, với sự hiểu biết sâu rộng và góc nhìn mang tính chất so sánh ghi dấu các nghiên cứu của ông về đảng phái và hành vi bầu cử. Marjorie Randon Hershey là người đã cập nhật cho cuốn sách này từ ấn bản thứ 9 – từ năm 2001 đến nay.

Mục đích của họ qua mỗi ấn bản mới là cung cấp cho người học những kiến thức hấp dẫn, rõ ràng nhất và toàn diện nhất về đảng phái chính trị và tính đảng, mà chính đó là chìa khóa để hiểu về hoạt động bầu cử, công luận, xây dựng chính sách và lãnh đạo. Các tác giả đã thành công tới mức tác phẩm “Chính trị Đảng phái tại Hoa Kỳ” từ lâu được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho các giáo trình về đảng phái chính trị.”

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Cuốn sách nhỏ của Niccolò Machiavelli đã hội tự những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

Người ta sẽ luôn đọc Quân vương chừng nào con người vẫn chưa thôi trò chơi nguy hiểm nhưng hấp dẫn có cái tên “chính trị”.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm ra chân dung một vị quân vương hình mẫu : keo kiệt hay rộng lượng, độc ác hay nhân từ, thất hứa hay giữ lời nếu lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình, phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét, phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Cuốn sách bàn về khoa học chính trị của nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà quân sự người Ý – Niccolò Machiavelli. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1513 nhưng mãi đến năm 1532, ấn bản đầu tiên mới được chính thức xuất bản dưới sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII.

1984

1984

Một chín tám tư (tựa tiếng Anh là Nineteen Eighty-Four; thường được viết là 1984) là một tiểu thuyết về xã hội giả tưởng thể loại dystopia (dạng sầu bi) của nhà văn Anh George Orwell, xuất bản năm 1949. Quyển sách kể về câu chuyện của Winston Smith và sự biến chất của anh gây nên bởi chế độ chuyên chế mà anh sống.

Cùng với Brave New World của Aldous Huxley, đây là một trong những xã hội giả tưởng dystopia nổi tiếng nhất và thường được trích dẫn nhất trong văn học

Cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang 62 thứ tiếng và đã để lại một ấn tượng sâu xa về chính bản thân tiếng Anh nó. Một chín tám tư, thuật ngữ cũng như tác giả của nó đã trở thành ngạn ngữ khi người ta thảo luận về những vấn đề an ninh nhà nước và sự riêng tư cá nhân. Thuật ngữ Orwellian cũng được sử dụng rộng rãi khi mô tả những hành động hoặc tổ chức gợi lại xã hội chuyên chế được dựng lên trong cuốn tiểu thuyết.

Một chín tám tư đã từng có lúc được xem như một sự nguy hiểm về mặt chính trị và cho cách mạng và vì vậy bị cấm bởi nhiều thư viện ở nhiều quốc gia khác nhau, chứ không riêng gì những chính thể chuyên chế.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:

  • Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
  • Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
  • Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
  • Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.

Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật

Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật

Bàn về tinh thần pháp luật là tuyệt tác triết học của Montesquieu, là một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch sử luật học. Mục đích cuốn sách, như chính tác giả đã nêu, là: Trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một nước; trình bày những quan hệ giữa các luật lệ với nhau. Ông đã phải mất gần 20 năm cho tác phẩm này.

Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu cùng với Bàn về Khế ước xã hội của Rousseau được coi là bộ đôi tác phẩm “xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789”. Những giá trị kinh điển của hai tác phẩm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được coi như những “tinh hoa tư tưởng của nhân loại”.

Montesquieu (1689-1755), nhà tư tưởng chính trị, nhà triết học Khai sáng người Pháp. Ông được biết đến với các tác phẩm hướng tới tinh thần đấu tranh, xây dựng một xã hội không còn áp bức, bất công; một xã hội đem lại tự do, hòa bình cho toàn nhân loại. Tên tuổi Montesquieu đặc biệt gắn liền với Bàn về tinh thần pháp luật, một ngọn đuốc trong khoa học xã hội, một lần được thắp lên thì sẽ không bao giờ tắt.

33 Chiến Lược Của Chiến Tranh

33 Chiến Lược Của Chiến Tranh

Bao quát nhiều nền văn minh thế giới, tóm lược lịch sử hàng ngàn năm xung đột, tập hợp những nguyên tắc quân sự hiệu quả và thiên tài bậc nhất, 33 Chiến lược chiến tranh là bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết giúp bạn sống sót trong cuộc chiến xã hội diễn ra hằng ngày.

Các chiến lược tấn công giúp bạn luôn dẫn thế thượng phong và thương lượng từ điểm mạnh của mình, chiến lược phòng thủ giúp bạn phản ứng với các tình huống nguy hiểm và tránh những cuộc chiến không thể chiến thắng. Dù ở chiến trường hay trong văn phòng, những chiến binh vĩ đại đều là những người khôn khéo, thức thời, biết cách giữ cân bằng, điềm tĩnh và am hiểu lý lẽ.

Là một cuốn sách không thể thiếu, 33 Chiến lược chiến tranh trang bị cho bạn tất cả những gì bạn cần để vượt qua thất bại và chiến thắng. Đây thực sự là một cuốn Binh pháp hiện đại.

Cộng Hòa

Cộng Hòa

Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị.

Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm.

Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.

Ngày Cuối Trong Đời Socrates

Ngày Cuối Trong Đời Socrates

Cuốn sách là một loạt bốn cuộc đối thoại của Socrates khi ông bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tội hủ hóa thanh niên và coi thường thần linh của Thành quốc. Ông đã tự biện giải cho chính mình để chống lại những kẻ âm mưu đẩy ông vào khốn cùng, đưa ra những chân lý cũng như những lời phản biện sâu sắc. Tuy bị kết án tử hình, được bạn bè và quý nhân giúp vượt ngục nhưng với tinh thần cao quý và giữ gìn danh dự trong sạch hơn người, Socrates đã từ chốt vì theo ông “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết.”

Ông chủ trương khi sống thì sống sao cho phải đạo làm người, khi chết cũng chết như thế, không có gì bận lòng, thể xác cát bụi trở về với cát bụi, linh hồn bất diệt phiêu du trong cõi bao la. – Đỗ Khánh Hoan

Hồi Ký Chính Trị

Hồi Ký Chính Trị

Phương Tây gọi ông là kẻ cứng đầu, phân biệt chủng tộc, bài do thái và ngạo mạn. Ngược lại, các nước đang phát triển lại vinh danh nguyên Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Mohamad là một lãnh tụ nhìn xa trông rộng, một nhà lãnh đạo hiếm thấy, người đã đem lại cho nhân dân các nước thế giới thứ ba lý do để tự hào về dân tộc mình. Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng không thể chối bỏ sự thật rằng ông đã đem lại dũng khí cho những nước ít được chú ý đến nhất, chỉ cho họ con đường đến tương lai tương sáng hơn.

Trong sự nghiệp chính trị của ông không phải là không có những tranh cãi. Trong 22 năm lãnh đạo đất nước, tên tuổi ông gắn liền với hai cụm từ: Độc tài và Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Rất ít nhà lãnh đạo có khả năng chuyển đổi một đất nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp – càng ít người có khả năng thành đạt được thành tựu này chỉ trong vòng hai thập kỷ ngắn ngủi.

Trong cuốn sách này, với sự chính xác của một nhà giải phẫu, Dr Mahathir đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử phát triển dân tộc và vai trò của ông trong công cuộc định hình một nước Malaysia hiện đại.

Trật Tự Thế Giới Mới Thứ Hai – Những Vấn Đề Địa – Chính Trị Nan Giải

Trật Tự Thế Giới Mới Thứ Hai – Những Vấn Đề Địa – Chính Trị Nan Giải

Cuốn sách Trật Tự Thế Giới Mới Thứ Hai – Những Vấn Đề Địa – Chính Trị Nan Giải đề cập đến chủ đề nóng hổi: quá trình địa – chính trị phân chia lại thế giới dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với ngòi bút sắc sảo, tác giả đã tập trung phân tích sự đối đầu giữa các quốc gia, luận giải sự biến mất một cách căn bản trên thực tiễn các khối chính trị trên thế giới, đưa ra những dự đoán về một kỉ nguyên mới của thế giới được đánh dấu bằng một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên nhiều mức độ khác nhau.

Tác giả cũng cố gắng luận giải đối với hàng loạt câu hỏi: Ai là người có lợi nếu xảy ra thảm họa kinh tế toàn cầu? Ai sẽ tháo gỡ những bế tắc về chính trị và kinh tế thế kỉ XXI? Sự sụp đổ của giới cầm quyền chính trị thế giới dẫn đến điều gì? Thế giới đi về đâu? Có diễn ra trật tự thế giới mới không? Ai sẽ là người thiết lập nên trật tự thế giới mới?…

Cuốn sách đặc biệt hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, học giả, các chính trị gia, giảng viên, sinh viên chuyên ngành lịch sử, quan hệ quốc tế và những ai quan tâm đến vấn đề này.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button