11 sách hay về Đà Lạt yên bình và xinh đẹp

11 cuốn sách hay về Đà Lạt chứa đựng những thông tin về lịch sử, văn hóa, du lịch, cảnh sắc và con người của thành phố này.

Miền Sương Khói – Giai phẩm về Đà Lạt

Miền Sương Khói – Giai phẩm về Đà Lạt

Đà Lạt là một thành phố đáng chú ý có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với những tâm hồn đa tình.

Đà Lạt trong mỗi cá nhân – đó là chủ đề của văn bản trong cuốn sách này. Đây là tập hợp những tư liệu, tình cảm về không gian sống, về ký ức đô thị của cư dân Đà Lạt và đông đảo du khách yêu thích Đà Lạt.

Phần Truyện ngắn tập hợp 4 truyện hay lấy Đà Lạt làm bối cảnh. Có truyện được viết từ trước 1975 và rất nổi tiếng (như Nhà có hoa Mimosa vàng của Hoàng Ngọc Tuấn), cũng có truyện mới (như Một vệt mây qua của Hạ Tuyên). Một cuộc gặp gỡ ở lối văn chương tao nhã, nhẹ nhàng và gợi cảm giác xa vắng rất đặc thù về không gian – tâm cảnh.

Phần Biên khảo là tập hợp loạt bài lược khảo Đà Lạt, đứa con của tham vọng, lật lại lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của đô thị này qua thời gian. Bên cạnh đó, Phanbook cũng tập hợp những ghi chép làm tái hiện một Đà Lạt vàng son trong quá khứ từ khi Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này cho đến năm 1974 trong bài Đà Lạt xưa qua cái nhìn lữ khách.

Các tác giả có mặt trong giai phẩm về Đà Lạt lần này: Alexandre Yersin, P. Munier, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Uyên Phương, Vi Khuê, Nguyễn Hàng Tình, Phan Dũng, Đoàn Thạch Biền, Nghi Thủy, Nguyễn Vĩnh Nguyên… Miền Sương Khói, vì thế còn là sương khói của tâm tưởng: giấc mộng đẹp, ký ức, thời gian, cũng có thể là sự lãng quên. Phải chăng Đà Lạt được dệt nên từ tất cả những điều ấy?

Giai phẩm về Đà Lạt để đọc trong mùa đông. Và đọc quanh năm. Khi tâm hồn ta khát thèm cái lạnh xuyên không, xuyên thời của Đà Lạt.

Cảnh Sắc Đà Lạt Xứ Ngàn Hoa – Tranh Và Ký Họa

Cảnh Sắc Đà Lạt Xứ Ngàn Hoa – Tranh Và Ký Họa (Bìa Cứng) (Sách Màu)

Cảnh Sắc Đà Lạt Xứ Ngàn Hoa chỉ là một cảm nhận nhỏ được thể hiện qua tranh vẽ của một du khách từ lần đi dọc con đường hoa đẹp như tranh vẽ và không biết sao cảm thấy lưu luyến, lưu luyến thành phố diệu kỳ này.

Qua hơn trăm bức tranh màu nước phức tạp, Đà Lạt như lung linh trong sương với những con dốc hoang sơ, một vài hình ảnh người dân phố núi về cuộc sống thường ngày, và muôn loài hoa cỏ thơm lạ… Vẻ đẹp của một Thành phố thơ mộng không chỉ là cách để họa sĩ Phạm Công Tâm thể hiện tình yêu mà còn là mong ước chân thành gìn giữ những giá trị lịch sử và nỗi xót xa trước cảnh quang cảnh bị tàn phá.

Với Đà Lạt Ai Cũng Là Lữ Khách

Với Đà Lạt Ai Cũng Là Lữ Khách

Tập tản văn gồm 23 tản văn là những hoài niệm và cảm nhận về Đà Lạt. Đà Lạt là sương mù, là rong rêu, là những phận người lặng lẽ nhưng không kém phần mãnh liệt. Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm hồn tác giả như một ám ảnh không thể trục xuất ra khỏi đầu và ra khỏi trái tim.

“Có những ngày như thế, đồng tử thèm bức xạ, thèm mù sương, thèm cái quạnh quẽ của cảnh sắc. Cơn thèm muốn quắt quay của tên nghiện thâm niên buông thả cuộc đời, có lẽ cũng chỉ đến mức như vậy.

Bắt đầu từ việc ánh nhìn đờ đẫn mỏi mệt vươn ra, dõi tìm trong ngõ ngách đời sống một chút bàng bạc, một chút sương khói hẫng hiu hư vô và tự lừa mị rằng đó là sương khói thật, đó là khung cảnh núi đồi thật, để chỉ cần khép mắt lại thôi, là Đà Lạt ùa về, ngập tràn khắp nẻo mộng”.

Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

Một Đà Lạt thời vàng son trong đời sống văn hóa đã từng được Nguyễn Vĩnh Nguyên tái hiện qua cuốn du khảo Đà Lạt, một thời hương xa.

Lần này, là một cách tiếp cận khác, hành trình khác. Phần chìm, phần bị phủ đậy cùng những bí mật sâu kín trong một giai đoạn lịch sử Đà Lạt (1950 – 1975) được tác giả cho đồng hiện bằng một lối viết biên khảo chỉn chu và cuốn hút.

Hai năm trôi qua, người viết cuốn sách này đã lật dở hàng ngàn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để chỉ làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì chìm dưới sương mù..

Đà Lạt Năm Xưa (Lược Khảo)

Đà Lạt Năm Xưa (Lược Khảo)

Nhìn từ phương diện lịch sử quy hoạch các đô thị Việt Nam, thì Đà Lạt là một hiện tượng đô thị đặc biệt. Đó là một đô thị mang hình mẫu châu Âu trong lòng Việt Nam. Điều này thể hiện qua thiết kế hệ thống giao thông, hình thái kiến trúc, phân khu chức năng, triết lý bảo tồn cảnh trí tự nhiên và cuối cùng là lối sống cư dân… Đến nay, vẫn còn nhiều khoảng trống để xây dựng một chân dung hoàn chỉnh của Đà Lạt.

Cuốn sách Đà Lạt năm xưa của Nguyễn Hữu Tranh, một người Đà Lạt viết về thành phố của mình, bằng sự biên khảo tỉ mỉ, cẩn trọng, đã kết nối các tài liệu hơn một thế kỷ qua để như một nhà xây dựng, tạo nên một khuôn hình tương đối rõ nét về giai đoạn hình thành và phát triển của Đà Lạt từ cuối TK 19 và nửa đầu TK 20. Sự gọn gàng, mạch lạc của cấu trúc cuốn sách trước hết là nhờ sự chọn lựa các tài liệu hấp dẫn, từ dạng hồi ký của các nhà khoa học, chính khách Pháp như Gabrielle M. Vassal, Étienne Tardif hay bác sĩ Alexandre Yersin…, đến các bài vở trên các tờ báo Pháp thời Đông Dương đề cập đến các vấn đề đầu tư xây dựng Đà Lạt và nhất là các bản đồ, công trình dân tộc học, đồ án quy hoạch thành phố…

Cuốn sách được thực hiện từ đầu thập niên 1990, khi bóng hình Đà Lạt cũ còn tương đối đậm nét và bối cảnh lưu trữ cũng như truy cập dữ liệu đòi hỏi nhiều nỗ lực và kỹ năng xử lý tài liệu, qua hai thập niên đã chứng tỏ giá trị của nó.

Đà Lạt Một Thời Hương Xa (Du Khảo Văn Hóa Đà Lạt 1954 – 1975)

Đà Lạt Một Thời Hương Xa (Du Khảo Văn Hóa Đà Lạt 1954 – 1975)

Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng. Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát – một quá khứ gần – nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…

Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phongvừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.

Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.

Đà Lạt Và Những Bí Ẩn Nam Tây Nguyên

Đà Lạt Và Những Bí Ẩn Nam Tây Nguyên

Bằng những chuyến điền dã đầy hứng khởi, sự giúp đỡ nhiệt thành của các nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa, của cộng đồng, những con người tham gia cụ thể ở thực địa cùng với sự nỗ lực tự thân, niềm đam mê không ngưng nghỉ, làm việc nghiêm túc, kết hợp với nguồn tư liệu phong phú quý hiếm từ công việc đã giúp Đoàn Bích Ngọ hình thành nên những bài viết gợi mở, súc tích, mang đến cho người đọc một nguồn cảm hứng thú vị khi tìm hiểu về thành phố Đà Lạt đầy huyền ảo, mộng mơ, thi vị và một vùng đất Nam Tây Nguyên đầy bí ẩn, ma mị nhưng quyến rũ.

Đà Lạt, Những Cuộc Gặp Gỡ – Con Người Và Đô Thị Đà Lạt 1899 – 1975 – Biên Khảo

Đà Lạt, Những Cuộc Gặp Gỡ – Con Người Và Đô Thị Đà Lạt 1899 – 1975 – Biên Khảo

Đây là cuốn sách thứ năm, là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt. Cuốn sách này kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa.

Cuộc gặp của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học… Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ..

Đà Lạt – Bản Đồ Sáng Lập Thành Phố

Đà Lạt – Bản Đồ Sáng Lập Thành Phố

Cuốn sách là công trình sưu tầm, sao lục trong thời gian dài của hai chuyên gia người Pháp là Olivier Tessier và Pascal Bourdeaux tại 4 quốc gia là Việt Nam, Pháp, Nhật và Thụy Sĩ. Bên cạnh đó còn có nhiều hình ảnh trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả Tam Thái.

Mục đích của cuốn sách là phác ra mối liên hệ giữa vấn đề bảo tồn di sản và triển vọng quy hoạch đô thiị bằng cách cung cấp cho người đọc cái nhìn về lịch sử thành phố qua bản đồ. Góc tiếp cận này nhanh chóng thể hiện sự phù hợp và độc đáo của mình trong việc làm sáng rõ cả một mảng trong lịch sử của vùng, nhất là những điểm còn đang được tranh luận hiện nay về những thách thức và phương pháp cần áp dụng vào mục đích giữ gìn di sản đô thị.

Đà Lạt Xưa – Nhiều tác giả

Đà Lạt Xưa – Nhiều tác giả

Đà Lạt là tên gọi của thành phố trên cao nguyên Langbian nay là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, tự nó đã chứa đựng những khát vọng của người đã từng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trên ý tưởng hướng đến một thành phố nghỉ dưỡng cho con người.

Người đặt những viên đá ấy lại là một tiến sĩ đến từ phương xa, bác sĩ Alexander Yersin danh tiếng. Ý tưởng về một thiên đường trên địa giới nhờ vào cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và một cộng đồng cư dân đồng cảm đã là những khởi đầu cho một nỗ lực xây dựng thành phố cách đây 120 năm.

Đà Lạt Xưa (Sách Ảnh)

Đà Lạt Xưa (Sách Ảnh)

Sách ảnh “Đà Lạt xưa” là tập hợp những ký ức của một thành phố được mệnh danh như thành phố của ngàn hoa hay còn gọi là “thành phố sương mù”, là điểm đến lý tưởng mà ít thành phố du lịch nào có được. Là miền đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; yên tĩnh với những rừng thông xanh ngút ngàn, những thác nước hùng vĩ, hoa trái bốn mùa rực rỡ…

Người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trên ý tưởng hướng tới một không gian sống lý tưởng cho con người ấy lại là một người đến từ phương xa, bác sĩ Alexandre Yersin danh tiếng. Ý tưởng về một thiên đường trên địa giới nhờ vào cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và một cộng đồng cư dân đồng cảm với ý tưởng đó đã là những khởi đầu cho một nỗ lực xây dựng thành phố cách đây đúng 120 năm (1893-2013)..

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button