15 sách hay về Hà Nội, thủ đô thanh lịch của đất nước

15 cuốn sách hay về Hà Nội giúp bạn khám phá lịch sử, văn hóa, ẩm thực, đời sống và con người của Hà Nội thanh lịch.

Hà Nội 36 Phố Phường

Hà Nội 36 Phố Phường

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.

Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.

THẠCH LAM

Hà Nội Thanh Lịch

Hà Nội Thanh Lịch

“Nhà Hà Nội học thâm thúy trách nhiệm với nơi ông đã sinh trưởng mà sự hiểu biết tự nhiên cộng với công phu nghiên cứu, đã ra đời những tác phẩm “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội”, tác phẩm “Phố phường Hà Nội xưa” (và nay di cảo “Hà Nội thanh lịch”) và với mấy trăm bài báo, bài trao đổi, bài tranh luận mà bao giờ cũng vậy, đề cập tới bất cứ một sự việc nào ông cũng phân tích bằng những phát hiện ra đặc điểm cảnh ấy, việc ấy, người ấy

“HÀ NỘI THANH LỊCH” thật sự là bộ sử dân gian của Thủ đô”

TÔ HOÀI

Nhà văn hóa HOÀNG ĐẠO THÚY (1900 – 1994)

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội; học Trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học tại Trường Tiểu học Sinh Từ; là thủ lĩnh phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam tại Bắc Kỳ; giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và là đại biểu Quốc hội khóa 1, 2…

Ông làm báo, viết văn, nhưng chuyên tâm nhất là khảo cứu. Ông đặc biệt ưa thích tìm hiểu và giới thiệu vẻ đẹp đất nước. Các tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Người và cảnh Hà Nội, Đi thăm đất nước ta, Phố phường Hà Nội xưa… đã cung cấp nguồn tư liệu lớn, quý báu về lịch sử, địa lý và văn hóa nước ta. Với nhiều cuốn được nhận giải thưởng của Hà Nội, Hoàng Đạo Thúy đã trở thành một trong những nhà Hà Nội học tâm huyết nhất.

Lời Ăn Tiếng Nói Của Người Hà Nội

Lời Ăn Tiếng Nói Của Người Hà Nội

Lời Ăn Tiếng Nói Của Người Hà Nội là cuốn sách giới thiệu cho người đọc một nét văn hóa rất riêng biệt của người Hà Nội trong cách ăn nói và tương tác với người khác, nhìn qua lăng kính khoa học của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ và cách diễn đạt ngôn ngữ của người Hà Nội phải lịch sự, đúng mực, hoa mỹ có văn hóa, không rườm rà, thô lỗ, luộm thuộm – nghĩa là đảm bảo tính chính xác mà vẫn trong sáng, đa dạng về hình thức tiếng Việt. Đó là nét đẹp truyền thống trong ngôn ngữ giao tiếp của người Hà Nội.

Lịch Sử Hà Nội – Philippe Papin

Lịch Sử Hà Nội – Philippe Papin

Đền chùa, cung điện, biệt thự thời Pháp và những công trình kiến trúc Liên Xô, lịch sử Hà Nội từ xưa đến nay, từ vinh quang đến đau khổ, luôn diễn ra giữa hai thế giới Á, Âu. Sau một thời gian dài dưới chế độ Bắc thuộc, năm 1010, Thăng Long đã vươn mình bay lên. Trong các thế kỷ sau đó, qua những triều đại nối tiếp nhau, Thăng Long đã thực sự trở thành một kinh đô phát triển rực rỡ vào thế kỷ thứ XV, dưới thời Lê, đánh dấu đỉnh cao của Nhà nước Nho giáo.

Trí thức và quan lại tấp nập ra vào trong triều, chi tiêu, mua sắm làm giàu cho khu thị dân, trong khi tiếng tăm của các viện sĩ thuộc Hàn lâm Viện lan rộng tới cả ngoại bang. Mặc dù luôn có những biến cố trong hoàng cung, kinh đô của Bắc Kỳ đã khắc sâu trong tâm tưởng của những lữ khách phương Tây bỏ neo bên bờ sông Hồng vào thế kỷ XVII.

Rồi Hà Nội là thành phố của “ba sáu phố phường”, của những người buôn bán và thợ thủ công với những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Giầy. Thành phố đánh mất vai trò thủ đô vào đầu thế kỷ XIX để rồi, trớ trêu thay, lại trở thành thủ đô dưới thời Pháp thuộc. Trong hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của toàn cõi Đông Dương. Giai đoạn này đã để lại cho Hà Nội những công trình hoành tráng, những biệt thự xinh đẹp giờ đây trở thành di sản của thành phố bên cạnh các làng, các phường, cùng đền chùa và Văn Miếu..

Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX

Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX  – Tập 1

Từ một ý tưởng giản dị ban đầu là ghi lại quang cảnh phố xá cũ của Hà Nội còn sót lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn bắt tay vào đọc tài liệu, đi điều tra thực địa, phỏng vấn hàng trăm người để sưu tầm tư liệu. Hai tập của “Hà Nội nửa đầu thế kỉ 20” được chia làm 6 quyển, dựa trên các khu vực hành chính của thành phố. Sách có phụ lục tên phố của Hà Nội, danh sách Toàn quyền Đông Dương từ 1884 đến 1945 và những đơn vị hành chính của Hà Nội từ sau 1945, bản đồ và các chỉ dẫn khác phục vụ cho việc tra cứu. Bộ sách được trao tặng Giải thưởng Thăng Long năm 1996.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) sinh tại làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông từng thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập và tham gia biên soạn những giáo trình lịch sử lớn như: Lịch sử Việt Nam sơ khảo (1946), Việt sử cương yếu (1948), Lịch sử thủ đô Hà Nội (1962) và Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX (1995)..

A Đây Rồi Hà Nội 7 Món

A Đây Rồi Hà Nội 7 Món

“A đây rồi Hà Nội 7 món” là tuyển tập những bài viết của nhà văn Trần Chiến về Hà Nội trong ngót 30 năm qua với biết bao đổi thay.

Cuốn sách có thể khiến nhiều người đang sống ở Hà Nội giật mình nhìn lại bản thân và Hà Nội mà mình đang sống. Tác giả đã vẽ lại Hà Nội dưới nhiều màu sắc, góc nhìn. Ở đó, có một Hà Nội đáng thương – một Hà Nội nhốn nháo, ồn ào, đông đúc. Trần Chiến vẽ nên “sương phố, mặt người” Hà Nội bằng một giọng văn điềm đạm quen thuộc. Có lẽ, chính vì phong cách sống từ tốn, chậm rãi giữa một Hà Nội nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn có cái nhìn sâu sắc, chiêm nghiệm nhưng cũng đầy hóm hỉnh về Hà Nội..

Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine

Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine

Người Hà Nội rất sành ăn uống, đặc biệt họ rất tinh tế trong nấu nướng, chế biến món ăn, dù là những món đơn giản, dân dã, nguyên liệu dễ kiến, dễ tìm. Món ăn Hà Nội không chỉ ngon từ cách chế biến, mà còn tinh tế từ việc nêm nếm gia vị, nước chấm cho đến bày biện sao cho đẹp mắt.

Người Hà Nội không có phong cách ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, mà tinh tế, thanh nhã. Tính cách này thể hiện rất rõ trong cách nấu nướng của các bà, các chị, các mẹ người Hà Nội. Chẳng thế mà trong cuốn Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine của bà Nguyễn Mai Dung, một người phụ nữ Hà Nội, bà từng chia sẻ: “Những hướng dẫn ở đây là rút ra từ kinh nghiệm nấu nướng hàng ngày của bản thân, của ông bà cha mẹ: các món ăn đều không dùng mì chính, mà dùng nước mắm, tôm, cua, cá… và các loại rau củ quả theo mùa để làm ngọt nước… Tỉ lệ nguyên liệu trong từng món ăn là tính cho từng món, phần còn lại như sự gia giảm các nguyên liệu, cách bày biện cho phù hợp với số người ăn là tùy vào sự sáng tạo và khéo léo của các bà nội trợ”.

Hà Nội Chỉ Nam

Hà Nội Chỉ Nam

Bạn muốn biết các đường phố Hà Nội với tên cũ từ thời Pháp, và sự tích còn xưa hơn nữa của chúng?

Bạn muốn biết Hà Nội cách nay hơn một thế kỉ khí hậu nhu hòa ra sao?

Bạn muốn biết những cửa hiệu, những địa chỉ, những tiệm buôn nổi tiếng của một thời, song biết đâu ai đó vẫn thấy quen, hoặc chí ít vẫn còn liên hệ?

Và bạn có muốn biết những di tích, những hàng hóa, sản vật khiến Hà Nội luôn là Hà Nội?

Vậy thì Hà Nội chỉ nam sẽ là cuốn guidebook xinh xắn mà thế kỉ trước vẫn cất để dành cho bạn.

Đi Ngang Hà Nội

Đi Ngang Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã giải thích vì sao lại là “Đi Ngang Hà Nội”: “Tôi sinh ra thì Hà Nội đã có rồi và hết cả cuộc đời tôi thì cũng chỉ là một lần đi qua Hà Nội mà thôi, vì thế cuốn sách có tên như vậy”. Với tác giả chuyên khảo cứu về Hà Nội này, Đi ngang Hà Nội ngoài cung cấp kiến thức còn bộc lộ thái độ của anh về những chuyện ghi chép lại về mảnh đất này.

Với 31 câu chuyện đủ ngóc ngách đời sống lịch sử Hà Nội, Đi ngang Hà Nội của bản in 2017 được chỉnh lý và bổ sung một số chi tiết so với những lần trước. Từ những thứ đã thành biểu tượng của Hà Nội như tàu điện, phở, phố cổ… đến những thứ ít ai để tâm và bỏ công tìm hiểu như chuyện chồng Tây vợ đầm, đi hát cô đầu, thú chơi cá cảnh, hay chuyện nhà vệ sinh công cộng đầu tiên của Hà Nội…, Nguyễn Ngọc Tiến đã tiếp nối trang sử ký phong tục về thành phố lâu đời của mình.

Đi Dọc Hà Nội

Đi Dọc Hà Nội

“Đi Dọc Hà Nội” cùng với “Đi Ngang Hà Nội” là hai nửa hoàn thiện nên chân dung một Hà Nội thăng trầm theo dòng lịch sử. Nhưng ở đây là một lịch sử khác với những cuốn sách sử khoa giáo, mà là một lịch sử phong tục, những lối ăn ở sinh hoạt, những thứ vật chất đã sinh ra và mất đi trong một đô thị.

Nguyễn Ngọc Tiến đã tỉ mỉ theo dõi và tìm tòi những tư liệu lịch sử của một Hà Nội còn chưa được đào xới hết, từ những chuyện di sản như những con đê trong thành phố, những chiếc ban công kiểu nhà Tây, vỉa hè cột điện, nơi sống và nơi chết của con người… cho đến chuyện lối sống từ việc quản lý hộ tịch đến hàm răng đen của người phụ nữ thành thị xưa, từ những phong tục gần với nếp sống ở làng quê đến những thứ chỉ Hà Nội mới có…

Chuyện Hà Nội – Khảo Cứu Về Hà Thành Xưa Và Nay

Chuyện Hà Nội – Khảo Cứu Về Hà Thành Xưa Và Nay

Đây không phải là những dòng tài hoa hay phóng đãng.

Đây chỉ là những dòng bút ký giản dị và bình thường để ghi lấy một ít điều mắt thấy tai nghe về Hà Nội.

Người viết những dòng này có hơi ngả về những cái xấu nhiều hơn là về những cái đẹp của chốn kinh kỳ, nhưng dù xấu, dù đẹp, cũng đều do con mắt vô tư. Có nhìn màu đen, mới nhận thấy màu hồng là rực rỡ.

36 Khám Phá Văn Hóa Hà Nội

36 Khám Phá Văn Hóa Hà Nội

Mục lục

  • 1. Ba thế kỷ kiến trúc
  • 2. Ban nhạc Giải phóng quân và bản Quốc ca năm 1945
  • 3. Cà phê Hà Nội
  • 4. Con đường nhựa đầu tiên ở Hà Nội
  • 5. Có hay không một “tính cách Hà Nội”?
  • 6. Cỗ cưới Hà Nội xưa
  • 7. Dấu tích văn hóa Thăng Long ở chợ Đồng Xuân
  • 8. Đầu thế kỷ XX: Nghề in ở Hà Nội
  • 9. Để hiểu thêm về Tháp Bút – Đài Nghiên
  • 10. Hà Nội với những con phố mang tên “Hàng”
  • 11. Hát ả đào xuất xứ từ đất Thăng Long
  • 12. Kẻ Bưởi, dấu xưa còn lại
  • 13. Khách sạn đầu tiên ở Hà Nội
  • 14. Kinh thành và Hoàng thành thời Lý
  • 15. Ký ức về một cây cầu
  • 16. Một người Hà Nội
  • 17. Ngày đầu tiên bia hơi
  • 18. Ngày xưa Hàng Đào có phường bán yếm lụa
  • 19. Người đầu tiên vẽ kiểu áo dài
  • 20. Nhà thuốc Hà Nội: Xưa và nay
  • 21. Những bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội
  • 22. Phường rối Tế Tiêu
  • 23. Phở Hà Nội
  • 24. Rủ nhau chơi khắp Long Thành
  • 25. Sự tinh tế trong thưởng trà của người Hà Thành xưa
  • 26. Tản mạn về mái tóc của người Hà Nội
  • 27. Thưởng vị bánh trông trăng Hà Nội cổ
  • 28. Thú xưa Hà Nội: Múa lân
  • 29. Từ nước giếng đến nước máy
  • 30. Từ truyền tin cổ xưa đến bưu điện
  • 31. Từ xưởng đúc tiền đến Trung tâm thương mại Tràng Tiền
  • 32. Trầm bổng “xế lô”
  • 33. Tục ăn trầu của người Hà Nội
  • 34. Văn hóa ẩm thực thể hiện nét tao nhã của người Kinh Kỳ
  • 35. Xẩm Bờ Hồ
  • 36. Phân tầng trong lễ “quy tiên” của người Hà Nội xưa

Miếng Ngon Hà Nội

Miếng Ngon Hà Nội

Miếng Ngon Hà Nội là tác phẩm bút ký xuất sắc của nhà văn Vũ Bằng, một nhà văn người Hà Nội gốc và rất sành về các món ăn Hà Nội. Tác phẩm được viết tại Hà Nội vào mùa thu 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959. Cuốn truyện tập trung giới thiệu các món ăn đặc sản của Hà Nội cũng như cảm nhận, tâm tình và kỷ niệm của tác giả với Hà Nội thông qua các món ăn.

Mỗi món ăn là một thiên bút ký, 15 món trong sách Miếng Ngon Hà Nội được nhà văn mô tả chăm chút, kỹ lưỡng, đều là các món “quốc hồn, quốc túy” mà bao thế hệ người Hà Nội đều mê, đều thèm: đầu bảng là phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá! Tất cả đã làm nên diện mạo ẩm thực Hà Nội, làm nên hương vị cuộc sống truyền đời.

Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu

Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu

Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội.

Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen “Phía cuối hàng lổng chổng mấy nửa hòn gạch hay chiếc rá sứt cạp, xếp sẵn để đại diện cho một người mua hàng nào đó đang tranh thủ mua rau quầy bên cạnh. Thỉnh thoảng không thấy ai để ý, thằng bé con lại đá nửa viên gạch hay cái rá thủng mập mờ vô thừa nhận trước mặt mình bắn ra khỏi hàng, trong sự đồng tình của những người xếp phía sau lưng. Những kẻ chạy show quay về quầy cá, thấy mất “văn phòng đại diện” tức tối hằm hè, bất lực chửi đổng.”

Cuốn sách dành cho những “Những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời”; dành cho những con người đã trót yêu, và sẽ yêu mảnh đất “Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố”.

Danh Lam Thắng Cảnh Hà Nội

Danh Lam Thắng Cảnh Hà Nội

Nhằm giới thiệu tới đông đảo bạn đọc những vẻ đẹp của thủ đô nước Việt, cuốn sách này tập hợp những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội: Chùa Một Cột, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, khu Thái học – Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, khu di tích Phủ Chủ Tịch, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, khu thành cổ, nhà sàn Bác Hồ, đền Bạch Mã…

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button