6 sách hay về Hội An, phố cổ xinh đẹp

6 cuốn sách hay về Hội An chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về lịch sử, văn hóa và ẩm thực địa danh này.

Hội An Trong Tôi

Hội An Trong Tôi

Cuốn ‘Hội An trong tôi’ của Trần Hoàng Đức được thực hiện công phu, dịu dàng và giàu trí tưởng tượng; 100% hình ảnh trong tác phẩm được vẽ tay bởi Trần Hoàng Đức – đẹp vô cùng… Cùng điểm qua những đặc điểm chung nhất về Hội An như vị trí địa lý, khí hậu, con người cũng như địa điểm tham quan, ẩm thực , và quà lưu niệm truyền thống.

Đô Thị Cổ Hội An – Di Sản Văn Hóa Thế Giới

Đô Thị Cổ Hội An – Di Sản Văn Hóa Thế Giới

Hội An là trường hợp đặc biệt và cho đến nay chưa diễn ra lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam. Hơn 500 năm trước đây, Hội An được ghi nhận là thương cảng của người Champa với những địa danh Đại Chiêm Hải Khẩu, Chiêm Bất Lao, cửa Đại Chiêm…

Và trước đó, từ những đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng thời tiền Hán được tìm thấy tại các di chỉ tại Cù Lao Chàm, Cẩm Hà trong các mộ chum Sa Huỳnh… nơi đây được đoán định còn là điểm giao thương quốc tế của cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh cách đây hơn 2.000 năm, cùng thời với Văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn ở phía Bắc và Óc Eo ở phía Nam…

Xuất phát từ sự bức ép trong cuộc phân tranh Trịnh- Nguyễn vào những năm thế kỷ 17, Nguyễn Hoàng mang binh gia, quyến thuộc vượt qua dãy Hoành Sơn vào Nam, chọn Hội An làm cửa ngõ thông thương ra phía ngoài. So với thương cảng Phố Hiến (Đàng Ngoài) cùng thời, cùng giữ vai trò, thì Hội An (Đàng Trong) tuy thành hình muộn hơn, nhưng lại nổi bật và thành công hơn rất nhiều. Sự lấn át của Hội An bộc lộ đến độ, ghi lại trong cuốn Phủ biên tạp lục (1776) , nhà bác học Lê Quý Đôn miêu tả: Thuyền từ Sơn Nam (Đàng Ngoài) về chỉ mua được một thứ củ nâu; thuyền từ Thuận Hóa (Phú Xuân) về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hóa không thứ gì không có.

Trong thời thịnh vượng, Hội An không chỉ là nơi làm ra kho vàng, lẫm bạc dồi dào cho 9 đời Chúa, cùng 13 đời vua Nguyễn giành lợi thế trước đối phương, mà từ đây những cuộc thử nghiệm kinh tế đã được áp dụng thành công đến nỗi vài trăm năm sau, hậu thế cũng chưa nơi nào sánh được. Ví dụ lần đầu trong lịch sử (và có lẽ đến hôm nay), Chúa Nguyễn đã dám cắt đặt một thương gia Nhật làm thị trưởng thương cảng Hội An để điều hành công việc phát triển kinh tế; mạnh dạn cho phép hoa di ngoại tộc định cư, mua đất lập làng, xây phố, dựng vợ gả chồng sinh sống lâu dài, ổn định… và đối xử với họ công bằng, chí tình như con dân nội thuộc. Nhờ vậy suốt một chặng đường dài lịch sử, Hội An đóng vai trò như một cửa ngõ thông suốt, tiếp nhận, cải biên, biến hóa những tinh hoa văn hóa, ý tưởng mới mẽ từ bên ngoài, tạo ra kế sách, động lực… phát triển nhân tài, vật lực góp phần quan trọng cho công cuộc mở đất về phương Nam của dân tộc.

Và hôm nay, còn đáng lưu tâm hơn, dù trải qua bao nhiêu khốc hại của thiên tai, tranh chấp quyền lực, chiến tranh, thời gian tác động, Đô thị cổ Hội An là điểm duy nhất trong cả nước và khu vực Châu Á vẫn bảo tồn được hầu hết nét nguyên sơ của kiến trúc cổ cách đây hàng trăm năm, từ những ngày còn hưng thịnh. Kiến trúc sư người Ba Lan Kazimien Kwaikowski (Kazic) từng cảm khái trong nhật ký của ông (1985): Vẻ đẹp không trùng lắp, chứa đựng trong các phố phường lịch sử; sự phong phú của các thể dáng kiến trúc; sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các quần thể kiến trúc, tạo nên cho Phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong một thiên nhiên riêng biệt… Những đặc điểm này đưa quần thể di tích phố cổ lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Hội An là một di sản văn hóa thế giới theo cách của mình. Đô thị cổ với những dãy phố rêu phong trầm mặc, không khiến người ta giật mình thảng thốt, trầm trồ, choáng ngợp vì sự kỳ vĩ, hay kiều diễm… như nhiều nơi khác. Hội An chỉ gây sự chú ý bằng cái cách là một góc nhỏ giản dị, thân mật và an toàn cho những người con xa, trở về nương tựa sau chuyến bươn bả hải hành…

Lời giới thiệu

Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An

Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An

Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Kho tàng văn hóa Việt Nam là hệ thống các thành tựu văn hóa do các dân tộc, các vùng miền văn hóa cùng sáng tạo nên và gìn giữ. các thành tựu văn hóa ấy trên thực tiễn đã tương tác với nhau và với những thử thách của thời gian và các biến cố lịch sử, những thứ còn lại có cái làm nền tảng hình thành dòng văn hóa đương đại, song cũng có cái còn lưu giữ dưới dạng ký ức lịch sử – một phần của di sản văn hóa. Văn hóa Hội An đương đại bao trùm cả hai thứ ấy.

Cảng thị Hội An hình thành và phát triển trên nền tảng giao lưu kinh tế – văn hóa quốc tế, trong đó có vai trò của người Hoa, người Nhật và người phương Tây. Ngày nay, khi nhắc tới Hội An người ta thường nhắc đến cầu Nhật Bản, những dãy phố cổ và tình hữu nghị Việt – Nhật, trong khi đó những dấu ấn văn hóa quan trọng của người Hoa và người phương Tây ít khi được đề cập tới. Trên thực tế, tại Hội An dấu ấn văn hóa người Hoa và hậu duệ của họ là đậm đặc hơn cả, từ kiến trúc đền miếu, nhà phố, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục – lễ hội, ẩm thực, cho đến nghề truyền thống và hoạt động kinh tế. Chiếc cầu Nhật Bản sau khi được trùng tu, xây dựng lại đã không còn dấu ấn phong cách Nhật Bản nữa, mà thay vào đó là lối kiến trúc pha trộn Việt – Hoa, gắn với nó là ngôi miếu cổ thờ vị thần mang nguồn gốc Trung Hoa là Bắc Đế. Sự hiện diện của những hội quán người Hoa cùng hệ thống lễ hội tại đó tự thân chúng đã trở thành những nguồn lực quan trọng biến Hội An thành một “trung tâm” văn hóa độc đáo, nơi diễn ra các quá trình giao lưu, dung hợp văn hóa và kiến tạo bản sắc tộc người..

Đừng Hôn Ở Hội An

Đừng Hôn Ở Hội An

Nhà thơ Chế Lan Viên có viết:

“Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều”

Tác giả Đinh Lê Vũ thì “khẳng định”: “Đừng hôn ở Hội An!” Hẳn đây không phải là một lời khuyên, cũng không hề là lời thách thức. Vâng, đây chỉ là một cuốn sách về những câu chuyện của những con người từng sinh ra và lớn lên ở Hội An, từng có rất nhiều kỉ niệm, từng rất yêu nơi ấy và rồi cho đến khi bạn đọc xong tác phẩm thì tình yêu đó sẽ chảy tràn đến con tim bạn. Nếu tình yêu ấy lây lan, bạn làm sao không thể không… hôn.

Nhưng, nếu trót phải lòng một nụ hôn, một nụ hôn không phải ở một nơi nào khác mà là Hội An thì như lời tác giả thú nhận: “…mãi cho đến nụ hôn của mối tình sau cuối ở Hội An. Sau nụ hôn đó, tôi lập gia đình…”, bạn đã vỡ lẽ thêm điều gì chưa? Hãy dừng lại một chút với tác phẩm, chuyện đã đến nước… khó mà đùa được rồi.

Đừng hôn ở Hội An, tác phẩm bao gồm 9 truyện ngắn và 29 tạp văn là những câu chuyện, những lát cắt đi ngang cuộc đời của những con người khác nhau trên cùng một mảnh đất – Hội An. “Mùa lụt” có nụ cười hiền hòa của cô bạn nhỏ nhà đối diện, có dòng nước lũ dâng cao trước cửa nhà trở thành dòng sông cho cô cậu thả thuyền giấy vào đó để nó trôi đi. Bây giờ, sau bao năm người cũ ngơ ngác tìm lại “mùa lụt” năm cũ, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác… Như chẳng hề quen, dòng đề nghe đến nao lòng, vậy mà “Có lần anh hỏi cô: Có bao giờ em viết về anh không? Cô chỉ cười cười mà nói rằng thường thì viết về một người nào đó em mau quên lắm, còn người nào em không viết được thì sẽ đọng lại lâu.”

Đô Thị Cổ Việt Nam – Đô Thị Thương Cảng Hội An

Đô Thị Cổ Việt Nam – Đô Thị Thương Cảng Hội An

Thế kỷ XVII – XVIII được coi là thời kỳ hưng khởi của đô thị cổ Việt Nam. Thời kỳ này, nhiều đô thị Việt Nam xuất hiện và đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng loạt các đô thị trở nên nổi tiếng, trong đó phải kể đến Thăng Long – Kẻ Chợ, Thanh Hà, Phố Hiến, Hội An… Nổi bật trong các đô thị kể trên là Hội An – đô thị thương cảng – một thời phát triển rực rỡ mà đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu ấn qua văn hóa vật thể và phi vật thể, cho thấy sự cộng cư, hợp cư, giao lưu hỗn dung văn hóa giữa nhiều dân tộc, nhất ỉà văn hóa Việt – Hoa.

Thế giới biết đến Hội An chủ yếu vì nơi đây là một thương cảng, một đầu mối giao thương nổi tiếng thời cổ trung đại. Hội An không chỉ là trung tâm hội tụ hàng hóa các vùng miền mà còn là nơi tàu thuyền các nước phương Đông và phương Tây liên tục cập bến. Hàng hóa ở thương cảng này rất phong phú và đa dạng.

C. Borri, nhà truyền giáo người Ý đến Hội An thời gian này viết: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa với bất cứ một quốc gia nào. Người để cho tự do và mở cửa cho tất người ngoại quốc, người Hà Lan cũng như những người khác cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ…”.

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hóa không thứ gì không có”. Hoạt động thương mại này hiệu quả đến nỗi “Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán bằng thuế hàng hoá và thuế hải khẩu, cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết”.

Có thể nói, sự phát triển giao thương của Hội An thời ấy là một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu về Hội An không chỉ giúp người đọc hiểu biết thêm về một đô thị cổ mà còn thấy được sự khởi sắc của một nền thương nghiệp Việt Nam trong lịch sử cổ trung đại.

Quảng Nam Những Vấn Đề Lịch Sử

Quảng Nam Những Vấn Đề Lịch Sử

Thêm một góc nhìn để tìm hiểu về mảnh đất và con người xứ Quảng…

Trong lời tựa tập sách Quảng Nam – những vấn đề lịch sử (do Trung tâm nghiên cứu quốc học và Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 5.2013), nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy nêu rõ: “Đất Quảng Nam, kể chiều dài lịch sử đã năm trăm năm thành lập có dư Với lịch sử ấy, địa lý ấy, đất và con người không gian nơi đây không thể không hàm tàng bao nhiêu vấn đề thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn”. Chính vì vậy, tác giả muốn “trình” Quảng Nam những vấn đề lịch sử nhằm góp phần nhỏ trên bước đường tìm về dĩ vãng lịch sử một miền quê hương, mà theo ông: “cũng là kết quả học hỏi của kẻ hậu học giữa thời buổi nền học cũ đã tàn từ lâu, còn học mới thì… trước bao luồng gió xoáy của thời đại đang vừa trì thủ vừa khai phóng để tự tạo một bản sắc riêng”.

Ở phần khảo về địa danh trên đất Quảng Nam, tác giả chia làm 6 phần: Khảo về danh xưng Đà Nẵng, danh xưng Hội An xưa, Sông nước mùa thu, khảo về danh xưng “Bà Nà”, Dinh Chiêm hay Dinh Chàm, nghĩ về tên sông Thu Bồn.

Trong đó, về tên gọi “Hàn – Đà Nẵng”, tác giả dẫn giải nhiều tư liệu về danh xưng “Thủ Hàn”, về “Tourane” đến “Hàn – Đà Nẵng”. Ông cho rằng, mảnh “đất Hàn – Đà Nẵng” chủ yếu được thành lập do sự trầm tích ở môi trường cửa sông và ven biển. Theo thời gian tính bằng ngàn năm, biển rút lui dần về đông, bày ra các thủy đạo lớn nhỏ đổ xuôi theo triền dốc bồi tích, thường xuyên chuyển đổi dòng chảy ở hạ lưu với hiện tượng mở dòng mới, trám dòng cũ. Cho đến một lúc chỉ còn ba thủy đạo lớn là Thanh Khê, Thạc Gián và Hàn Giang mở cửa tiếp giáp với biển.

Về danh xưng Hội An, theo tác giả, các đô thị cảng sông có lịch sử 400 năm ấy đã mang nhiều danh xưng khác nhau trong sử sách, khiến người đời sau lẫn lộn không biết phải tin vào thuyết nào. Cụ thể, qua trình tự thời gian có các thuyết Hoa phố, Hội phố, Hải phố, Hoài phố, mà người Quảng Nam xứ Đàng Trong ưa gọn khô nhát gừng, chỉ nói: “PHỐ”, với ý nghĩa chân xác nhất là nơi tàng trữ bán buôn và trao đổi hàng hóa..

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button