17 sách hay về ngoại giao và quan hệ quốc tế rất đáng đọc

17 cuốn sách hay về ngoại giao và quan hệ quốc tế giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu, thực tiễn và lịch sử quan hệ ngoại giao và quốc tế.

Chuyện Nghề, Chuyện Nghiệp Ngoại Giao

Chuyện Nghề, Chuyện Nghiệp Ngoại Giao

Như các tác giả bày tỏ trong Lời tựa cuốn sách, “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” không nhằm viết “lịch sử” hay “giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký “mà chỉ muốn qua những câu chuyện về người thật, việc thật, những công việc chúng tôi đã làm, những hoạt động đã từng tham gia, những sự kiện đã từng chứng kiến, những đất nước đã từng đi qua góp phần làm cho mọi người hiểu cho phần nào những điều hay nỗi khổ, điều khôn sự dại của một lớp người đã “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” ngoại giao, đồng thời cũng ước sao lớp người sau may ra có thể lượm lặt được đôi điều bổ ích.

Cũng xin nói ngay rằng, những câu chuyện trong sách mới chỉ do vài người kể lại. Tuy chúng khá đa chiều vì mỗi người một góc nhìn, một cương vị, một lĩnh vực, một khu vực nhưng chưa thể vẽ nên được bức tranh toàn cảnh về nghề ngoại giao. Lại nữa, đôi chỗ bạn đọc có thể thấy những nhận xét, đánh giá này nọ nhưng đó chỉ là những cảm nhận rất riêng tư, hoàn toàn không phải là sự đánh giá mang tính tổng quan hay những triết lý sâu xa gì về nghề nghiệp”.

Bằng một lối kể chuyện dung dị, nhiều khi dí dỏm, thông qua những trải nghiệm nghề nghiệp phong phú và đa dạng của mỗi người, các tác giả cuốn “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” đã kể lại những câu chuyện có thật trong đời hoạt động ngoại giao của mình, không chỉ đem lại nhiều điều bổ ích cho các nhà ngoại giao trẻ mà còn giúp bạn đọc rộng rãi khám phá thêm những điều được coi là “bếp núc” của nghề ngoại giao. Đúng như nhà thơ Việt Phương đã viết trong Lời giới thiệu, cuốn sách là một lời mời chia sẻ với “từng mẩu chuyện, nhỏ nhoi mà lớn rộng, nhẹ nhàng mà ý nhị, như chơi mà rất thật, bình thường mà xúc động, hóm hỉnh mà nghiêm trang, tự nhiên mà điêu luyện, nề nếp mà sáng tạo”.

Trên đây là những lời chia sẻ khiêm nhường của các tác giả, tuy nhiên, người đọc vẫn có thể cảm nhận thấy “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” đã được viết ra bằng những tình cảm chân thành nhất và là một trong số rất hiếm hoi, nếu không nói là cuốn sách đầu tiên viết về nghề, về nghiệp ngoại giao.

Ngoại Giao Cường Quốc Tầm Trung: Lý Thuyết, Thực Tiễn Quốc Tế Và Hàm Ý Cho Việt Nam (Sách Tham Khảo)

Ngoại Giao Cường Quốc Tầm Trung: Lý Thuyết, Thực Tiễn Quốc Tế Và Hàm Ý Cho Việt Nam (Sách Tham Khảo)

Cuốn sách Ngoại giao cường quốc tầm trung: Lý thuyết, thực tiễn quốc tế và hàm ý cho Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy, Học viện Ngoại giao chủ biên làm rõ khung lý thuyết về khái niệm, tiêu chí xác định cường quốc tầm trung và phân tích nền ngoại giao cường quốc tầm trung trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay; đánh giá thực tiễn quốc tế về nền ngoại giao cường quốc tầm trung của các cường quốc tầm trung điển hình trên thế giới và khu vực để từ đó khái quát hóa thành những đặc điểm và công cụ của ngoại giao cường quốc tầm trung; từ khung lý luận và thực tiễn quốc tế đối chiếu với trường hợp Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phục vụ quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới (đến năm 2030).

Nhà Ngoại Giao Kể Chuyện

Nhà Ngoại Giao Kể Chuyện

Trước khi trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Võ Anh Tuấn là một nhà giáo nhiệt thành thực hiện Lời kêu gọi chống giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám; có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền giáo dục kháng chiến Nam Bộ.

“Là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, thuộc thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên được Đảng và Nhà nước đào tạo chính quy, trưởng thành trong hoạt động đối ngoại rất sôi động”, với phẩm chất đạo đức cách mạng kiên trung, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ vững vàng, ông Võ Anh Tuấn được giao nhiều trọng trách trong lĩnh vực ngoại giao cả trong nước và ngoài nước, song phương và đa phương, như: 10 năm làm Vụ trưởng, 5 năm làm Cố vấn Diễn đàn đa phương của Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba, 5 lần được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thụy Sĩ, Dimbabuê (kiêm nhiệm Dămbia), Nam Tư (kiêm nhiệm Hy Lạp), Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Luật biển Liên hợp quốc lần thứ 3, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc ở Giơnevơ, thành viên các Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 10 khóa họp hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tham gia 6 Hội nghị thượng đỉnh và hơn 10 Hội nghị cấp Ngoại trưởng Phong trào Không liên kết, Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Sau khi nghỉ hưu (năm 1998), bằng vốn kiến thức và những kinh nghiệm công tác quý báu của mình, nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành ngoại giao. Trên cơ sở những hồ sơ tư liệu được lưu trữ từ khi còn làm việc, ông đã hệ thống hóa, biên soạn và xuất bản một số sách chuyên đề về ngoại giao như: Phong trào Không liên kết (1999), Hệ thống Liên hợp quốc (2004), Lễ tân ngoại giao thực hành (2018), Mặt trận ngoại giao miền Nam Việt Nam trong chống Mỹ, cứu nước (Nxb. Phương Đông, 2017)…

Để giúp bạn đọc tìm hiểu về những cống hiến, đóng góp của Đại sứ Võ Anh Tuấn đối với công tác ngoại giao, qua đó hiểu hơn về những năm tháng “hoạt động đối ngoại rất sôi động” của nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nhà ngoại giao kể chuyện, trong đó ghi lại những trải nghiệm, cảm xúc, những sự kiện đặc biệt mà ông đã trải qua trong suốt thời gian công tác của mình và cũng là chặng đường vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam. Bạn đọc, nhất là những người làm công tác ngoại giao hiện nay, có thể tìm thấy trong cuốn sách những kinh nghiệm công tác bổ ích và hiểu thêm về những giờ phút lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước diễn ra trên mặt trận ngoại giao. Tác giả cũng dành một phần để viết về hoạt động khuyến học sôi động trong suốt 20 năm liền (sau khi nghỉ hưu) để thể hiện sự tri ân đối với đồng bào đã cưu mang đùm bọc thầy trò ngành Giáo dục Nam Bộ kháng chiến trước kia.

Nền Ngoại Giao Toàn Diện Việt Nam Trong Thời Kỳ Hội Nhập

Nền Ngoại Giao Toàn Diện Việt Nam Trong Thời Kỳ Hội Nhập

Cuốn sách là tập hợp các bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn chọn lọc về việc chấp hành và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như việc thành lập ngành ngoại giao của đồng chí Phạm Gia Khiêm.

Cuốn sách là một công cụ tham khảo quan trọng và cần thiết không chỉ cho các học giả, giáo viên, sinh viên và những người tham gia vào các vấn đề quốc tế, mà còn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử ngoại giao của đất nước, từ năm 2006 và 2011.

Vận Động Hành Lang Của Israel Và Chính Sách Ngoại Giao Của Hoa Kỳ

Vận Động Hành Lang Của Israel Và Chính Sách Ngoại Giao Của Hoa Kỳ

Nội dung cuốn sách chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng của giới vận động hành lang của Israel lên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và tác động của nó đến lợi ích của cả hai nước, gồm hai phần chính:

Phần I: Hoa Kỳ, Israel và giới lobby, từ Chương 1 đến Chương 6.

Nội dung phần này trực tiếp giải quyết vấn đề bằng cách miêu tả những viện trợ kinh tế và quân sự mà Hoa Kỳ đã trao cho Israel cũng như những hỗ trợ về mặt ngoại giao của Washington trong cả hòa bình lẫn chiến tranh; đánh giá những luận điểm chính thường được đưa ra để biện minh hoặc giải thích cho nhiều hỗ trợ ngoại lệ đặc biệt mà Israel nhận được từ Hoa Kỳ, thông qua nghiên cứu những lý lẽ có thể giải thích cho một “mối quan hệ đặc biệt” hiện tại giữa hai quốc gia; xác định những thành phần khác nhau trong giới lobby này và miêu tả quá trình phát triển của mối liên minh lỏng lẻo ấy, đồng thời chỉ ra làm thế nào mà theo thời gian một số tổ chức quan trọng nhất của giới lobby này lại nghiêng về cánh hữu và ngày càng không đại diện cho số đông những người mà họ tuyên bố đại diện; miêu tả những chiến lược khác nhau mà các nhóm trong giới lobby này sử dụng để đạt được lợi ích cho Israel ở Hoa Kỳ; …

Phần II: Lobby Israel hành động, từ Chương 7 đến Chương 11.

Nội dung phần này cho biết, Hoa Kỳ đã chống lưng cho Israel một cách bền bỉ như thế nào trong nỗ lực đàn áp hoặc hạn chế các nguyện vọng dân tộc của người Palestine; giới lobby Israel, đặc biệt là những người tân bảo thủ trong giới này đã trở thành thế lực chính bẻ ghi con tàu xâm lược tiến vào lãnh thổ Iraq năm 2003 của chính quyền Bush như thế nào; miêu tả diễn tiến của mối quan hệ khó khăn giữa Hoa Kỳ và chế độ Assad ở Syria; tìm kiếm dấu vết của giới vận động hành lang trong chính sách của Hoa Kỳ với Iraq;… Và cuối cùng, trên cơ sở đó, tìm hiểu những biện pháp để cải thiện tình hình u ám bằng cách xác định các lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ ở Trung Đông, phác thảo ra những nguyên tắc cơ bản cho một chiến lược được gọi là cân bằng khơi xa để có thể bảo vệ những lợi ích này hiệu quả hơn và đưa ra nhiều gợi ý điều chỉnh sức mạnh của giới lobby này nhằm đem lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Israel.

*Vận động hành lang (lobby) là thuật ngữ đang được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, miêu tả những nỗ lực tiếp cận, thiết lập quan hệ với các nhà hoạch định chính sách của một người hay một nhóm người, nhằm gây ảnh hưởng lên một quyết định hoặc chính sách nhất định của chính phủ để bảo vệ và tối đa hóa lợi ích của nhóm người đó.

Di Sản Hồ Chí Minh – Chúng Tôi Học Làm Ngoại Giao Với Bác Hồ

Di Sản Hồ Chí Minh – Chúng Tôi Học Làm Ngoại Giao Với Bác Hồ

Tác giả là thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam. Thông qua các dịp được tiếp xúc với Bác Hồ, tác giả đã viết ra 14 câu chuyện nhỏ kể lại những bài học tâm đắc của mình trong quá trình học làm ngoại giao với Bác Hồ.

Vài Ngón Nghề Ngoại Giao

Vài Ngón Nghề Ngoại Giao

Không chỉ là một nghề, ngoại giao còn là một khoa học và nghệ thuật. Cuốn sách đi sâu phân tích chín kỹ năng cơ bản, quan trọng trong công tác ngoại giao: nghiên cứu, đàm phán, xử lý tình huống, ngoại giao đa phương, ngoại giao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác thông tin báo chí, lễ tân ngoại giao, soạn thảo văn bản, văn kiện, nói trong ngoại giao.

Cuốn sách được xem là “cẩm nang gối đầu giường cho ” cán bộ làm công tác ngoại giao cũng như tất cả các bạn đọc mong muốn nâng cao kỹ năng ngoại giao, đàm phán trong công việc và cuộc sống.

Ngoại Giao Kinh Tế Và Hoạch Định Chính Sách Đối Ngoại (Sách tham khảo)

Ngoại Giao Kinh Tế Và Hoạch Định Chính Sách Đối Ngoại (Sách tham khảo)

Ngoại giao kinh tế cùng với ngoại giao quân sự, ngoại giao văn hóa, là một bộ phận quan trọng cấu thành nên ngoại giao tổng thể của một quốc gia. Mục tiêu chính của ngoại giao kinh tế là phát triển và duy trì mối quan hệ giữa các quốc gia dựa trên thương mại và đầu tư; đồng thời xây dựng các quy định khung cho cộng đồng quốc tế liên quan đến hành vi của các bên tham gia trong ngoại giao kinh tế và thúc đẩy các chính sách liên quan đến các vấn đề được “quốc tế quan tâm” mang khía cạnh kinh tế.

Với những mục tiêu đó, ngoại giao kinh tế dù hoạt động ở cấp độ quốc gia, khu vực, hay quốc tế đều chứa đựng ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là giúp tạo lập và duy trì mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia với nhau.

Ngoại Giao Đa Phương Trong Hệ Thống Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại

Ngoại Giao Đa Phương Trong Hệ Thống Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại

Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã và đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu nảy sinh làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Bởi vậy, ngoại giao đa phương ngày càng khẳng định mạnh mẽ vị trí là một kênh ngoại giao hữu hiệu để xử lý và giải quyết những vấn đề mang tính đa quốc gia, liên khu vực và toàn cầu.

Cuốn sách Ngoại Giao Đa Phương Trong Hệ Thống Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại được biên soạn để góp phần cung cấp tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về ngoại giao đa phương, xu hướng và thực tiễn phát triển của kênh ngoại giao này trong những năm tới.

Ngoại Giao Giữa Việt Nam Và Các Nước Phương Tây Dưới Triều Nguyễn (1802 – 1858)

Ngoại Giao Giữa Việt Nam Và Các Nước Phương Tây Dưới Triều Nguyễn (1802 – 1858)

Từ trước đến nay, những vấn đề của triều Nguyễn đã thu hút được sự chú ý của đông đảo học giả trong và ngoài nước. Riêng trong lĩnh vực ngoại giao, những đóng góp và hạn chế của triều Nguyễn trong tiến trình xây dựng đất nước trong nửa đầu thế kỷ XIX (1802 – 1858), đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thời sự và khoa học trong nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử ngoại giao nói riêng.

Đã có nhiều công trình đề cập đến các vấn đề về chính sách đối ngoại dưới triều Nguyễn, quan hệ của triều Nguyễn đối với các nước nhưng cho đến nay chưa có một công trình nào đề cập một cách toàn diện và đầy đủ về những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của triều Nguyễn trong quan hệ với các nước phương Tây.

Ngoại Giao Giữa Việt Nam Và Các Nước Phương Tây Dưới Triều Nguyễn (1802 – 1858) góp phần khôi phục lại bức tranh lịch sử ngoại giao của Việt Nam thời kỳ cận đại, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế nửa đầu thế kỷ XIX

Các Nhà Ngoại Giao Trong Lịch Sử Dân Tộc

Các Nhà Ngoại Giao Trong Lịch Sử Dân Tộc

Lịch sử bang giao của các vương triều phong kiến nước ta cho thấy, ngoại giao trong nhiều giai đoạn là một mặt trận đấu tranh không kém phần quyết liệt mà những vị quan được cử tiếp sứ hay đi sứ đều là những người “trí dũng song toàn”, nhạy bén về chính trị, dũng cảm trong mọi khó khăn, biết rõ đối phương và tuyệt đối trung thành với đất nước..

Lý Thường Kiệt Lịch Sử Ngoại Giao Và Tông Giáo Triều Lý

Lý Thường Kiệt Lịch Sử Ngoại Giao Và Tông Giáo Triều Lý

Từ đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ xung quanh. Tần có Nhâm Hiêu, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức đều đã đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.

Sau, trong khoảng độc lập hoàn toàn trở lại ở nước ta, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ đời Tống, dưới triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn.

Lần thứ hai, dưới triều Tống Thần Tông, thế vua Tống và Tể tướng Vương An Thạch rất to, nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ: quân hơn mười vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng chi tiết.

Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của Tống. May! đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng.

Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.

Lễ Tân Ngoại Giao Thực Hành

Lễ Tân Ngoại Giao Thực Hành

Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước và có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên tích cực của hầu hết các cơ chế đa phương quan trọng, có quan hệ và liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các đối tác hàng đầu trên thế giới.

Nhằm mục đích giúp những người quan tâm đến hoạt động ngoại giao có thể tham khảo, tìm hiểu một số quy định, tập quán quốc tế cũng như của Việt Nam liên quan đến lễ tân ngoại giao trong hoạt động ngoại giao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách Lễ tân ngoại giao thực hành của tác giả Võ Anh Tuấn.

Ngoại Giao Trung Quốc

Ngoại Giao Trung Quốc

Từ năm 1949 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập đến nay, đất nước này luôn thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ, kiên trì quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới trên nền tảng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.

Trải qua 60 năm sóng gió, vấn đề ngoại giao Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú, giành được nhiều thành tựu to lớn trên trường quốc tế. Trong tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, Trung Quốc tiếp tục cùng nhân dân các nước không ngừng phấn đấu cho việc thực hiện lý tưởng tốt đẹp của nhân loại.

Quyển sách là một tài liệu ngắn gọn, có tính khái quát cao, giúp bạn đọc có những hiểu biết tổng quát về Ngoại giao Trung Quốc, cho những ai quan tâm đến đất nước có một nền văn hóa đồ sộ và kinh tế đứng thứ 2 thế giới này.

Đàm Phán Ngoại Giao: Những Vấn Đề Cơ Bản

Đàm Phán Ngoại Giao: Những Vấn Đề Cơ Bản

Đàm phán ngoại giao là một công việc phức tạp. Để đàm phán thành công, người đại diện cho quốc gia tham gia đàm phán phải nắm được bản chất của quá trình đàm phán cũng như những chiến lược, chiến thuật và sử dụng thành thục những kỹ năng đàm phán ngoại giao. Mặc dù sách về đàm phán thông thường đã có không ít, nhưng cho đến nay, ở nước ta chưa có một cuốn sách nào chuyên về đàm phán ngoại giao. Do vậy, cuốn sách này là một trong những nỗ lực khởi đầu về chủ đề này.

Cuốn sách này là sự đúc kết và chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau và những trải nghiệm cá nhân của chính tác giả trong gần 40 năm công tác ngoại giao.

Một Số Vấn Đề Lý Luận Quan Hệ Quốc Tế Dưới Góc Nhìn Lịch Sử

Một Số Vấn Đề Lý Luận Quan Hệ Quốc Tế Dưới Góc Nhìn Lịch Sử

Nội dung cuốn sách tập trung bàn về quan hệ quốc tế trên phương diện lý thuyết, xác định các xu hướng vận động trong quan hệ quốc tế, tìm hiểu những điều kiện chi phối sự tương tác giữa các chủ thể, dự báo hành vi và phản ứng của chúng trong quan hệ quốc tế,…

Cuốn sách cũng phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản về hệ thống quốc tế, như tìm hiểu nhận thức về hệ thống quốc tế, các yếu tố tạo nên hệ thống quốc tế và khái niệm hệ thống quốc tế, trình bày các khái niệm về quyền lực, lý thuyết quyền lực, chạy đua vũ trang, nguyên nhân chiến tranh, quản trị toàn cầu,…

Đồng thời, một số lý thuyết và khái niệm mới mẻ như chính trị xanh, lý thuyết phụ thuộc, phân định khu vực,… cũng được tác giả phân tích bằng lập luận sắc bén, như một sự gợi mở cho độc giả suy ngẫm về sự biến đổi không ngừng của thế giới toàn cầu hóa hôm nay.

Lịch Sử Quan Hệ Quốc Tế

Lịch Sử Quan Hệ Quốc Tế

Để bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tham khảo về lịch sử quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới, nội dung sách gồm 6 phần:

  • Phần một: Sự hình thành hệ thống lưỡng cực (1945 – 1953)
  • Phần hai: Những mâu thuẫn của hệ thống lưỡng cực: các chiến lược tiến công và sự chung sống hoà bình (1953 – 1962)
  • Phần ba: Giai đoạn đầu tiên của tình trạng ổn định trong thế đối đầu: Làm dịu tình hình và ổn định hệ thống thế giới (1962 – 1975)
  • Phần bốn: Giai đoạn thứ hai của tình trạng ổn định trong thế đối đầu
  • Phần năm: Sự sụp đổ của hệ thống lưỡng cực (1985-1996)
  • Phần sáu: Sự hình thành thế giới đơn cực (1996 – 2008)

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button