11 sách về Sài Gòn hay nhất

11 sách hay về Sài Gòn. Những góc nhìn chân thực, sống động và mới lạ về Sài Gòn, vùng đất hai mùa mưa nắng với nhiều thăng trầm lịch sử. Là nơi bất kỳ ai từng sống hay ghé qua đều không bao giờ quên được.

Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi

Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi

Tên gọi Sài Gòn có từ bao giờ và nghĩa ra sao, qua lịch sử mấy trăm năm, đã thấy nhiều cuộc tranh luận gây cấn, đưa ra không ít l. lẽ công phu, mà éo le thay, đến nay vẫn chưa thể xác quyết chung cuộc. Vậy thì, người Sài Gòn là như thế nào, chẳng thể nào chỉ ra cặn kẽ cho được, nhưng vẫn có người Sài Gòn đấy, không chỉ về phong thổ, nơi cư trú, hay hành chính, mà còn cả văn minh, văn hóa, tập quán, bản sắc và tâm tính…

Phân biệt hay định nghĩa thế nào là người Sài Gòn rất khó, nhưng nếu sống tại thành phố này đủ lâu, nhận ra được người Sài Gòn khá dễ… Có người Sài Gòn nói giọng Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Huế, rồi giọng Thanh – Nghệ – Tĩnh, rồi giọng Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang… Có người Sài Gòn nói tiếng Hoa, tiếng Khmer, Chăm…, mà hình như, cả 54 dân tộc đều có đủ. Có người Sài Gòn chưa bao giờ có quốc tịch Việt Nam và chưa thông thạo tiếng Việt… Từ những lý do nhì nhằng và cũng khá rõ ràng như vậy, nhà báo Nguyễn Hà đặt tôi viết loạt bài Người Sài Gòn cho tạp chí Sành Điệu từ đầu năm 2012. Yêu cầu không hề chơi chơi, vì mỗi số phải chọn hai nhân vật “cùng nghề và có vài điểm chung”, người trước có thể đã chết, người sau thì còn trẻ. Riêng tựa đề thì phải bắt đầu bằng hai chữ Sài Gòn. Và cũng với lý do, tạp chí này nhìn chung nữ tính (theo hướng đông đảo giới nữ đọc), nên tôi được đề nghị viết về giới nam – nghĩa là người Sài Gòn “giống đực”.

Nhưng rồi sau một năm cấp tập, tôi dần cạn vốn, mà độc giả cũng ngán nam, tôi được đề nghị chuyển qua nữ giới, đi được hơn nửa năm 2013, thì tới phiên tạp chí ngán, dừng lại hẳn. Khi tổ chức thành cuốn sách, tôi đắn đo rất nhiều về việc có nên bổ sung thêm nhân vật hay không, nhất là vài người đồng tính, lưỡng tính, “đa hệ” – vốn sinh sống và đóng góp cho Sài Gòn không ít điều tốt đẹp. Nhưng rồi nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn muốn giữ cấu trúc liền mạch với tư duy như lúc viết, nên đành để dành nhiều nhân vật dự định cho tập 2, nếu tập 1 phát hành tốt đẹp. Chính vì vậy, hoàn toàn không phải do thiếu tôn trọng giới, mà vì ràng buộc kỹ thuật cấu thành ngay từ đầu, sách sẽ được đọc theo kiểu “tiền nam hậu nữ”, ai thích nam đọc từ trước, ai thích nữ đọc từ sau. Đây là điều mà bản thân tôi thấy rất áy náy, mong quý độc giả, đặc biệt giới nữ và các giới khác hỷ xả lượng thứ. Và cuối cùng, tại sao tôi chọn những người Sài Gòn như trong tập sách này, nếu phân trần ra, cũng có tiêu chí này kia, nhưng rồi thôi.

(La Hán Phòng)

Sài Gòn – Thị Thành Hoang Dại

Sài Gòn – Thị Thành Hoang Dại

Sài Gòn – Thị thành hoang dại là quyển sách viết về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.

Tập tản văn Sài Gòn – Thị thành hoang dại của Khải Đơn là được chia thành 4 phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn – tại sao để yêu, Chợ giấc mơ, kỷ niệm đóng đinh vào phố.

Với phần Thị Thành hoang dại: Sài Gòn trong mắt Khải Đơn là một thế giới như “miền Viễn Tây”, với đủ những hỗn loạn, nỗi sợ, sự bất an, cả những mất mát khi một người nhập cư sống ở Sài Gòn. Đó là một Sài Gòn ngập ngụa kênh đen, nơi trở thành điển hình của những mỏi mệt trong cuộc sống hàng ngày, là gương mặt của những người trẻ ẩn nấp trong quán cafe – hay thực ra là một giờ khắc bình an hiếm hoi giữa cuộc sống mưu sinh hàng ngày vất vả.

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Khởi đi từ ý tưởng bài viết trong phần Biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, chúng tôi mạo muội đặt tựa cho tập sách này là Sài Gòn, những biểu tượng. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề, mà là gợi mở, mời gọi những cuộc tìm tòi, khảo cứu, khai quật, khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn.

Góp vào ý hướng chủ đạo đó, còn có bài nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp – “Thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn”. Bài viết điểm lại những đóng góp của làn sóng thương nghiệp, sự trỗi vượt của một số thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn, bước đầu xác lập vị thế kinh tế cho một đô thị, mà về sau, chúng ta gọi là “đầu tàu kinh tế”, “trung tâm kinh tế” quan trọng của đất nước.

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù của thị dân, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn..

Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng

Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng

1. La-de Trái Thơm đi kèm một câu chuyện vui được truyền tụng về sau. Số là hãng muốn làm mới nhãn bia, và muốn đỡ chi phí nên chọn họa sĩ bổn xứ để vẽ. Nhãn mới có vẽ thêm vào nhãn Con Cọp hình bông houblon hay còn gọi là bông bia, được dùng để tạo vị đắng. Bông này còn tươi coi bộ giống bông atiso nhưng nhìn khô khác quá hay sao mà ông họa sĩ vẽ giống y trái thơm, rồi đem đi in cả lố lố. Khi nhãn in ra thì mới phát hiện hình trật lất, nhưng chẳng lẽ bỏ phí đi? Chữa cháy, hãng vẫn cho dán và nhét vào mỗi két một chai, đinh ninh dân nhậu đã dòm quen quá chai Con Cọp, xăm soi cái nhãn mà chi. Nhưng sự cố “chữa cháy” lại thành ra cái hay. Những người Hoa ở Chợ Lớn nhanh nhạy đánh hơi thấy cơ hội liền. Các chú đặt tên và tung tin nhãn la-de Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai, ai mua nhiều thì tặng thêm chai Trái Thơm. Vậy là Trái Thơm đường đường được xếp vào ngôi vị “đàn anh”. Ngồi chung một mâm nhậu, người lớn hoặc uy tín luôn được dành cho chai này. Ôi! Trái thơm chỉ thơm tâm lý thôi cũng quá xá đã.

2. Người xưa có nói rằng: “Vô tửu bất thành lễ”. Hầu hết trong lễ nghi nào cũng có rượu, truyền thống đó kéo dài cho tới tận bây giờ. Trên bàn thờ lễ đường, bàn thờ gia đình… phải tôn kính rót rượu mời đất trời, thánh thần, ông bà tổ tiên, vong linh và cả âm binh thiên tướng rồi mới bắt đầu nghi lễ. Ngày xưa, trước khi xuất quân ra chiến trận, nghi lễ sẽ là tế rượu, thắng trận sẽ có lễ rượu khao quân. Trong nghi lễ đời thường, tôn kính, trân trọng rót rượu mời nhau, chúc tụng, rồi mới mở lời bắt đầu câu chuyện..

Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ

Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ

Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, không giống bất cứ nơi đâu, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc… mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài Gòn, hoặc không nhận cũng không sao, Sài Gòn không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người.

Từ Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ…, Đàm Hà Phú không ngừng dẫn chúng ta đi “tua” vòng quanh Sài Gòn, Sài Gòn của anh, Sài Gòn của chúng ta, một hành trình mà ở đó trang bị duy nhất của chúng ta là tình yêu đối với thành phố này, đối với tất cả những vẻ đẹp của nó.

Đất Gia Định – Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn

Đất Gia Định – Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn

Tập sách là tập hợp của 3 tác phẩm đã xuất bản: Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn.

Thông qua tập sách, người đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Sài Gòn, Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và tính cách của người Sài Gòn – gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triền, xây dựng từ khi mở đất đến nay.

Một tác phẩm dày và bổ ích cho cả người Sài Gòn nay và xưa.

Vọng Sài Gòn

Vọng Sài Gòn

“Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến xây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào.”

– Liêu Hà Trinh, MC, diễn viên

“Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.”

– Phạm Công Luận

Sài Gòn Vang Bóng

Sài Gòn Vang Bóng

Sài Gòn vang bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang là một cuốn sách đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện thời; chuyện Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập được xây dựng như thế nào; chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường được giải mã ra sao;

Có thể nói, những câu chuyện liên quan đến các di tích lịch sử và nhân vật nổi tiếng trong Sài Gòn vang bóng thoạt nghe qua thấy rất quen, tưởng như đã đọc đã biết từ lâu rồi. Thế nhưng, bên cạnh những điều quen thuộc vẫn có những góc lạ. Cái sự lạ ấy trước hết là do sự khúc xạ của ký ức tác giả, thứ nữa là nhờ vào những “kỳ duyên” mà tác giả có được những tư liệu gốc. Những tư liệu này, hầu hết được xử lý một cách thận trọng, có sự đối sánh ở nhiều góc độ, trong đó có sự rà soát ở những nhân chứng sống. Đó là may mắn mà không phải tác giả nào cũng có được.

Sài Gòn vang bóng, hẳn nhiên là Sài Gòn xưa, Sài Gòn thời tả quân Lê Văn Duyệt hay bày trò đá gà, đấu cọp, hát bội; Sài Gòn thời Xóm Gà là nơi ngụ cư của những văn nhân Bắc Hà vào miền Nam sống bằng nghề làm báo; và là thời người Sài Gòn xài bạ xé đôi, nghe tưởng như chuyện đùa nhưng rất thật, rất đặc biệt.

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không Gian Gia Vị Sài Gòn (Tái Bản) là tập tùy bút thứ hai của tác giả Trần Tiến Dũng sau tập Món ngon và gia vị cảm xúc. Hàng ngày ở Sài Gòn và miền Nam, khi đứng trước tổng hòa các mùi hương của đời sống đang từng giây, từng phút hiện hữu trong không gian, tác giả luôn cảm nhận thấy mình đang thụ hưởng một đặc ân được bao bọc, hàm dưỡng trong nguồn hương Sài Gòn với toàn bộ sự phong phú vô ngần của nền văn hóa ẩm thực đa bản sắc, đa dân tộc vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

Đây là một tập sách, phần nào đó sẽ mở cho bạn vào không gian gia vị Sài Gòn cũng như một vài địa phương gần gũi khác. Bạn có tin là nguồn hương gia vị từ các món ăn, thức uống sẽ mời bạn vào một cuộc hành trình, không phải trở về cũng không phải ra đi mà đơn giản là cảm thụ trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện hữu, ở chính nơi chốn đang sáng tạo từng món ngon với sự ân cần nêm nếm vào đó gia vị tình yêu, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc từ đời này qua đời khác trong không gian bếp Việt!

Nghệ thuật sáng tạo món ăn không phải để có các tác phẩm phô bày, triển lãm, người Việt sáng tạo món ngon để chính mình được hào hứng sống và để thực khách xa gần thỏa mãn vì được vui sống. Vậy hà cớ gì bạn và tôi từ chối không rời buông gánh lo âu mà sống cùng nguồn gia vị Sài Gòn, có gì mà phải mắc cỡ trong việc được Sài Gòn mời món ngon món lạ. Sài Gòn rất thật lòng được nhìn bạn ăn khoái khẩu và khoái chí khi nghe bạn khen..

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội thích Sài Gòn là một tựa đề cảm xúc, và toàn bộ cuốn sách là những cảm nhận tinh tế của một nữ nhà báo có cái nhìn sâu sắc, nhân văn và nhiều trăn trở về cuộc sống, giá trị, văn hóa, xã hội và kinh tế ở Hà Nội và Sài Gòn. Những kỷ niệm và suy tư về hai thành phố này được chắt lọc từ cái nhìn vừa khách quan vừa cởi mở, tạo thành một bức khảm sinh động về hình ảnh hai thành phố này.

Xuyên suốt cuốn sách còn là một hình ảnh về đất nước qua hai thành phố. Cuốn sách là bản bút ký về cuộc sống, từ những nét đẹp văn hóa, từ những ứng xử tử tế, từ tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến những vấn đề vĩ mô về văn hóa, kinh tế. Trên tất cả và trong tất cả là một tâm hồn nhạy cảm, một trí tuệ sắc sảo, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

Đây là một cuốn sách được viết nên bởi “một người di cư”, sống tuổi trẻ ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn. Di chuyển giữa hai không gian đô thị đối lập ấy lại là một tâm hồn sâu sắc, tinh tế. Nói cách khác, đây là cuốn sách của một linh hồn đô thị nhạy cảm..

Ăn Vặt Sài Gòn

Ăn Vặt Sài Gòn

Hầu hết các món ăn ngon của người Việt Nam đều từ nguồn gốc dân dã. Bởi bản chất của văn hóa – văn minh ẩm thực Việt không khởi nguồn từ cung đinh, quí tộc! Thơ mộng hơn, các món hiện hữu trên mâm ăn của người xứ ta luôn khởi đầu từ hình ảnh của các chị gái, bé gái đang chơi nhà chòi, học chế biến món ngon như bà, như mẹ bằng hoa lá trong vườn giữa một miền quê trong lành.

Mỗi món ngon của người Việt đều hàm chứa một sự gởi gắm của đất đai và công sức của người dân điền dã, duyên hải, sơn cước rồi sau đó món ngon mới chinh phục thị thành. Nhưng cũng có những món phát nguồn từ đời sống thị dân trung lưu như món phở.

…“Thiên đường” món ngon Sài Gòn ngày nay càng mở rộng theo dòng người tứ xứ nhập cư. Những món ngon độc đáo đua nhau mời mọc thị dân thiên hạ. Từ nhà hàng mặt tiền đến tiệm quán hẻm nhỏ, ai muốn nếm bất kỳ món ngon tỉnh thành nào cũng được Sài Gòn đáp ứng, đời sống thưởng thức món ngon của mọi người cứ phơi phới.

Đây là một tập sách về các món ăn Việt được trình bày có hệ thống. Đặc điểm độc đáo của tập sách này là sắp xếp các món ngon theo từng họ tộc. Họ phở, hủ tíu, bún, bánh, chè lần lượt được giới thiệu để hình thành đầy đủ diện mạo văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button