6 sách hay về văn hóa Mỹ khiến bạn bất ngờ

6 cuốn sách hay về văn hóa Mỹ mang đến cho người đọc những hiểu biết về văn hóa, phong tục và con người Mỹ.

Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ

Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ

Cuốn sách gồm những cảm tưởng, ghi chép, bài nghiên cứu, phóng sự, phỏng vấn, đối thoại, những bản dịch thơ và văn xuôi, những câu chuyện… về nước Mỹ qua lối viết mộc mạc không chỉ của Nhà văn hóa Hữu Ngọc mà còn của bạn bè Mỹ và đồng nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những tìm hiểu về diễn trình lịch sử, về con người Mỹ, về những thành tựu trên mọi lĩnh vực mà gốc bản địa và nhập cư tạo nên nhằm mở ra và khơi gợi cho độc giả thấy một nền văn hóa Mỹ đa chiều; Nhà văn hóa Hữu “Ngọc còn dành hẳn một phần đi sâu vào “duyên nợ Mỹ -Việt”. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc và sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Chào Mừng! Đây Là Nước Mỹ

Chào Mừng! Đây Là Nước Mỹ

Chào mừng! Đây là nước Mỹ, được công nhận trên toàn cầu như một hướng dẫn du lịch đến Mỹ. Cuốn sách mang đến cho người đọc những thông tin thực tế giúp họ hiểu hơn về nước Mỹ trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Mỗi chương chứa đầy thông tin hữu ích để hỗ trợ những người mới đến đạt được mục tiêu sống, học tập, làm việc hoặc thậm chí tiến hành kinh doanh tại Hoa Kỳ. Sự khác biệt quan trọng nhất ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một cuốn sách cung cấp cho độc giả lời khuyên rõ ràng về cách sống ở Hoa Kỳ và cách tránh những khó khăn và vấn đề. 

Và ý tưởng cốt yếu, đó là: Nước Mỹ luôn đánh giá cao bất cứ người nào có ý tưởng tiến bộ và sáng tạo có thể đóng góp cho xã hội. Bạn đừng bao giờ quên rằng tại Mỹ, bạn luôn luôn có quyền lựa chọn!

Nghiên Cứu Về Nước Mỹ

Nghiên Cứu Về Nước Mỹ

“Nghiên cứu về nước Mỹ” của Perter Jennings và Todd Brewster là một cố gắng để định nghĩa nước Mỹ.

Trong sách, tác giả đề cập rất nhiều mặt của nước Mỹ bằng những dẫn chứng, những nhân vật, thời gian và địa điểm cụ thể, cùng sự phân tích sắc sảo để đưa ra những kết luận đáng tin cậy nhằm giới thiệu tương đối chính xác và rõ nét nhất về nước Mỹ với thế giới.

Hy vọng đây là thông điệp giúp bạn sẽ nhận ra trong từng trang sách, rằng nước Mỹ xưa kia của Jefferson, Madison, Hamilton, Franklin, Washington… hiện nay vẫn thế.

Đặc Trưng Văn Hóa Mỹ Và Tác Động Tới Chính Sách Đối Ngoại Của Mỹ

Đặc Trưng Văn Hóa Mỹ Và Tác Động Tới Chính Sách Đối Ngoại Của Mỹ

Nhóm tác giả tiếp cận vấn đề từ góc độ văn hóa, lịch sử, với vốn kiến thức sâu rộng về đất nước và con người Mỹ, từ đó đi sâu phân tích những nét đặc trưng của văn hóa Mỹ và ảnh hưởng của nó trong chính sách đối ngoại của Mỹ với các nước, trong đó có Việt Nam.

Những Cô Gái Mỹ – Mạng Xã Hội Và Cuộc Sống Thầm Kín Của Tuổi Dậy Thì

Những Cô Gái Mỹ – Mạng Xã Hội Và Cuộc Sống Thầm Kín Của Tuổi Dậy Thì

Xã hội hiện nay tràn ngập những ứng dụng mạng. Con người thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời, thay vì đọc sách để gia tăng kiến thức thì lại dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để sử dụng các mạng xã hội Facebook, Snapchat, Instagram… Có thật họ đang cố gắng “kết nối với mọi người”? Hay thực tế chỉ muốn “sống ảo”, chìm vào những ảo mộng của bản thân?

Không ít người nghiện mạng xã hội đã bị ám ảnh bởi những ngôi sao và sự nổi tiếng, càng ngày càng yêu bản thân quá đà, làm mọi thứ có thể để tự quảng bá bản thân. Chắc hẳn bạn không còn lạ gì việc bạn bè quanh mình cứ cố phải tạo ra một con người trực tuyến hoàn hảo, làm những thứ phù phiếm chỉ để tăng sự nổi tiếng trên thế giới ảo. Đối với họ, “Tài năng không còn quan trọng để trở nên nổi tiếng nữa. Hay nói cách khác, những yếu tố tạo nên tài năng đã thay đổi rồi. Đã đến lúc chúng ta trở nên nổi tiếng đơn thuần vì sự nổi tiếng mà thôi.”

Những cô gái Mỹ phản ánh đúng thực trạng xã hội bây giờ, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dữ liệu được sử dụng trong cuốn sách đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và khiến bạn không khỏi bất ngờ, phải tự soi chiếu với bản thân. Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội rốt cuộc sẽ làm thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào? Hãy tìm đọc cuốn sách này để có hình dung sát thực và cụ thể, sinh động nhất.

Làm Dâu Nước Mỹ

Làm Dâu Nước Mỹ

Tiếp nối xê ri Làm dâu xứ lạ, cuốn tự truyện Làm dâu nước Mỹ của Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ hành trình làm dâu, làm vợ, làm mẹ ở một xứ xở khác, nơi được nhiều người gọi là “thiên đường”: nước Mỹ xa xôi.

Mở đầu cuốn tự truyện là những trang nhật kí ghi lại những đắng ngọt, buồn vui trong chuyện tình của tác giả. Số phận như trêu ngươi khi gán ghép cô gái xứ Nghệ, con của một gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với một chàng trai Mỹ. Sự am hiểu tường tận văn hóa Việt Nam của chàng trai Mỹ cũng khó dỡ bỏ được bức tường định kiến của gia đình trí thức xứ Nghệ yêu nước. Cô gái buộc phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc gia đình đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương cô hết mực, hoặc người con trai cô yêu bằng cả trái tim. Bản lĩnh và dám là chính mình, cô gái lựa chọn rời xa bàn tay chở che của mẹ trong một ngày mưa bão.

“Cùng với việc sập cánh cửa nhà trước mặt tôi, mẹ tôi đã đẩy tôi về phía anh, một cách vô thức. Mẹ đã chấp nhận trao trả lại thứ tự do tôi hằng muốn, nhưng không quên tước đi của tôi quyền được có gia đình. Chắc mẹ muốn dạy tôi rằng, nếu tôi yêu tự do nhường ấy, tôi buộc phải trả giá. Cái giá ấy tôi không được quyền lựa chọn. Chính mẹ tôi – trong cơn phẫn nộ với đứa con gái ngang ngạnh đã mạnh tay ra giá đắt. Tôi nhận được món hàng tự do hằng mơ ước mà không chút hạnh phúc vì vẫn ngỡ ngàng trước cái giá cắt cổ mẹ tôi đưa ra”.

Khi một con người dám đối diện và chiến đấu để vượt qua giông bão thì người đó có được hạnh phúc. Vượt qua những cản ngăn của mẹ và họ hàng, những hờn giận của tình yêu đôi lứa, Nguyễn Thị Thanh Lưu bắt đầu cuộc sống ở “thiên đường” nước Mỹ. Là người phụ nữ thông minh và bản lĩnh, cô không khó để hòa nhập với văn hóa nơi đây. Cô ý thức được Xứ lạ là thầy – để bắt đầu học hỏi và hòa nhập với văn hóa Mỹ từ những trải nghiệm đầu tiên ở bệnh viện Mỹ trong lần sinh Rau Muống, tới việc đi hộp đêm ở Mỹ phải chuẩn bị những gì để không bị “quê”, bài học về quyền ưu tiên khi lái xe ở Mỹ và ngay cả chuyện đổ rác sao cho đúng cách – một việc tưởng chừng rất nhỏ ở Việt Nam.

Khi nước Mỹ đã không còn là xứ lạ thì Nước Mỹ là nhà. Nguyễn Thị Thanh Lưu không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ về gia đình nhỏ của mình với hai đứa con Cà Kiu và Rau Muống thông minh và đáng yêu, với người chồng luôn thấu hiểu và yêu thương, đặc biệt là có cùng đam mê đọc sách, với bố chồng luôn kiên nhẫn chờ con dâu “đếm cơm” xong mới rời khỏi bàn ăn, với mẹ chồng tâm lý luôn “vô tình” chia sẻ cho con dâu những mẹo vặt hoặc công thức nấu ăn ngon cũng như những tri thức hiểu biết về văn hóa, chính trị nước Mỹ. Chính tình yêu thương của những thành viên trong gia đình đã xóa nhòa khoảng cách giữa hai nền văn hóa Mỹ – Việt, để mái ấm của cô luôn tràn ngập tiếng cười.

“Vì những yêu thương của bố mẹ chồng, nước Mỹ xa lạ đã trở thành mái nhà ấm áp của tôi – nơi tôi đi xa bắt đầu thấy nhớ và mong được trở về. Và đúng như tôi đã dự đoán, ngày tôi coi việc đặt chân trên đất Mỹ là ngày về cuối cùng đã đến, tự nhiên như chính tình cảm tôi dành cho quê hương mới của tôi”.

Bên cạnh những trải nghiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, Nguyễn Thị Thanh Lưu còn chia sẻ những câu chuyện của bạn bè mà cô gặp trên đất Mỹ. Qua những người bạn với những suy nghĩ sâu sắc, nhân văn. Qua những câu chuyện đó, cuốn tự truyện cũng thể hiện nhận thức và suy nghĩ của tác giả về khát vọng chung của rất nhiều người trên thế giới đã trở thành trào lưu là được trở thành công dân của nước Mỹ “thiên đường”. Và tác giả đã khẳng định “Có 101 con đường đến Mỹ nhưng qua những câu chuyện tôi được biết, tôi dám chắc rằng, không phải con đường nào cũng dẫn đến thiên đường”.

Hạnh phúc ở thiên đường nước Mỹ như thế, nhưng Nguyễn Thị Thanh Lưu vẫn không kìn nén nổi nỗi buồn xa xứ man mác, mỗi lần nhớ nhà, cô lại nấu những món ăn quê hương như một cách để trở về trong hoài niệm, và đó cũng là cách để những đứa con thơ hiểu và yêu thêm quê mẹ Việt Nam.

Khi bắt đầu đặt chân đến Mỹ, Nguyễn Thị Thanh Lưu còn băn khoăn tự hỏi, mình đi hay về Mỹ nhưng khi khép lại cuốn sách, cô đã có câu trả lời:

“Mỗi ngày trên xứ lạ là một ngày tôi cố gắng học yêu và sống, để xứ lạ rồi sẽ là đất quen, để thay vì nghĩ đến nước Mỹ là nghĩ đến sự ra đi, tôi sẽ bắt đầu coi đó là nơi chốn trở về, là một quê hương mới”.

Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dám sống, dám yêu, dám được là chính mình và cuối cùng có được hạnh phúc trọn vẹn. Cuốn tự truyện lại là một minh chứng nữa cho cội nguồn hạnh phúc của những cuộc hôn nhân xuyên quốc gia, xuyên văn hóa: ở đâu có sự yêu thương chân thành, sẻ chia, thấu hiểu thì ở đó có hạnh phúc đích thực.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button