17 sách hay về đất nước Việt Nam tươi đẹp

17 cuốn sách hay về Việt Nam giúp bạn đọc hiểu được lịch sử, xã hội và văn hóa của Việt Nam, từ ngàn xưa đến ngày nay.

Non Nước Việt Nam 63 Tỉnh Thành

Non Nước Việt Nam 63 Tỉnh Thành

Cuốn sách cung cấp thông tin cơ bản về 63 tỉnh thành Việt Nam một cách bài bản; cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về mỗi tỉnh, bao gồm tóm tắt nhanh về vị trí địa lý, đơn vị hành chính, dân số, dân tộc, văn hóa – du lịch.. Cuốn sách xem xét và theo dõi cẩn thận các tuyến đường và điểm thu hút khách du lịch: kỳ quan thiên nhiên, công trình văn hóa và sáng tạo, bảo tàng, cộng đồng nghệ nhân, lễ hội truyền thống, chợ, v.v.

Danh Nhân Việt Nam

Danh Nhân Việt Nam

Danh nhân Việt Nam tiêu biểu, phản ánh chính xác cuộc đời, sự nghiệp, những chiến công, đóng góp to lớn của các danh nhân tiêu biểu trong suốt lịch sử nước nhà. Chúng ta càng tự hào hơn về bề dày truyền thống của dân tộc là nhờ họ.

Ngoài ra, tác giả còn đưa ra những điển hình, câu chuyện, thành tích, tác phẩm… của những cá nhân tiêu biểu trong bài viết để chúng ta có một bức tranh toàn cảnh hơn về con người họ.

Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam

Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng. “ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM” giúp bạn tìm hiểu và khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đó là cả một quá trình lịch sử mà ông cha ta đã khai thác tự nhiên và cùng với nó là thực đơn bữa ăn hàng ngày bình dị của biết bao thế hệ con người.

Không chỉ thế cuốn sách còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng. Dù ở đâu thì các món ăn cũng được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và tạo thành những nét văn hóa ẩm thực riêng.

Việt Nam Sử Lược

Việt Nam Sử Lược

Cái nghĩa vụ làm sử, tưởng nên kê cứu cho tường tận, rồi cứ sự thực mà nổi, chứ không nên lấy lòng yêu ghét của mình mà xét đoán. Dẫu người mình ghét mà có làm điều phải, mình cũng phải khen; người mình yêu mà có làm điều trái, mình cũng phải chê”

– Trần Trọng Kim

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920, dựa trên những nghiên cứu trước đó như Nam sử tiểu học và Sơ học An Nam sử lược từ những năm 1914 -1917, là bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại.

Xã Hội Việt Nam: Từ Sơ Sử Đến Cận Đại

Xã Hội Việt Nam: Từ Sơ Sử Đến Cận Đại

– Tại sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại thất bại? Tại sao cuộc cải cách của Hồ Quý Ly lại không thành công? Tại sao triều Quang Trung lại nhanh chóng sụp đổ?

– Tại sao Trung Quốc có giặc Khăn Vàng, có Minh Giáo của Trương Vô Kỵ, có Bạch Liên giáo, có Thái Bình Thiên Quốc… Nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam không có bất kỳ một cuộc khởi nghĩa quy mô nào mượn danh nghĩa Tôn Giáo?

– Tại sao người Việt Nam thông minh nhưng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu năm tháng qua đi vẫn không sản sinh ra được một luận thuyết nào? Tại sao người Việt Nam lại không có được bất kỳ công trình kiến trúc hoành tráng để đời?

Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực: Văn hóa – Xã hội – Lịch sử – Tôn giáo – Kinh tế – Chính trị từ sơ sử đến cận đại, có thể nói đây là một tác phẩm đỉnh cao về khảo cứu xã hội Việt Nam theo lối xã hội học. Tường minh và chi tiết, chặt chẽ và trung thực với cái nhìn thống quát cả cuộc tiến hóa của dân tộc suốt qua lịch sử để dò xét cái quá trình phát triển biện chứng.

Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời

Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời

Đào Duy Anh là một nhà bách khoa thư đích thực. Lấy sử học làm lẽ sống, nhưng ông đã đồng thời quan tâm đến địa lý học lịch sử bởi nó bổ trợ thiết yếu cho nền sử học nước nhà. Đó là lý do ra đời của công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử nổi tiếng – Đất nước Việt Nam qua các đời.

Công trình này tập trung nghiên cứu địa lý hành chính để nhận định cương vực của nước Việt Nam và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, từ thời Văn Lang, Âu Lạc, qua thời kỳ Bắc thuộc, trải đến thời tự chủ và cho đến thời nhà Nguyễn. Với công tác nghiên cứu công phu, khối lượng sách tham khảo đồ sộ, Đào Duy Anh đã vẽ nên bức tranh rộng lớn, mô tả sự phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam kéo dài suốt gần hai thiên niên kỷ, khiến công trình trở thành một nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất về lãnh thổ Việt Nam trong thế kỷ XX.

Xã Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Xã Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc của tác giả Lê Nguyễn là cuốn sách thứ 3 thuộc Tủ sách Biên khảo – Sử liệu, sách gồm 44 bài viết hấp dẫn và sâu sắc, trải dài trong khoảng thời gian 64 năm, từ ngày ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 biến ba tỉnh miền Đông Nam kỳ thành thuộc địa của Pháp, đến năm 1926, sau khi vua Khải Định thăng hà, hoàng thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi với niên hiệu Bảo Đại và tiếp tục sang Pháp học.

Trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX đó, tác giả đã chọn lọc:

  • Sự kiện (Hòa ước Nhâm Tuất, Giáp Tuất, vụ mưu sát Hoàng Hoa Thám, chuyến Bắc hành của Trương Vĩnh Ký…),
  • Nhân vật lịch sử (từ các vua triều Nguyễn: Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Thiên Hộ Dương, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp…)
  • Hiện tượng lịch sử nổi bật.

Nguồn tư liệu ngoài chính sử, còn được phong phú hóa bởi tác phẩm của các cây bút nghiên cứu Pháp đương thời..

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858 – 1897)

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858 – 1897)

“Bằng cách đưa vào quyển sách này những văn kiện ngoại giao, mà phần lớn chưa được tiết lộ, tác giả cố gắng góp phần vào sự xác định một số giai đoạn lịch sử những buổi đầu trong sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Tác phẩm này sẽ không chú trọng nhiều về phương pháp tổ chức hành chánh địa phương, do tay người Pháp, tại Việt Nam, mà chỉ nhấn mạnh về bình diện chánh trị, ngoại giao và quốc tế của công cuộc thâm nhập này”.(Hoàng Xuân Hãn)

Cuốn sách này được phát triển trên công trình Luận văn tiến sĩ của Nguyễn Xuân Thọ, bảo vệ tại Pháp, xếp hạng Tối ưu. Tác giả khai thác các kho tư liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, Ngoại giao Tây Ban Nha, Bộ Hải quân, Bộ Thuộc địa Pháp cũng như những tài liệu rất hiếm hoi của Việt Nam (rất nhiều tài liệu chưa từng chính thức công bố) để đưa ra một công trình nghiên cứu thực sự vô tư, hiệu chính về một vài giai đoạn trong quan hệ Pháp và Việt Nam, mà cho đến nay, dường như chưa được hiểu một cách đúng đắn.

Dân Tộc Học Và Nhân Học Ở Việt Nam Trong Xu Thế Toàn Cầu Hóa

Dân Tộc Học Và Nhân Học Ở Việt Nam Trong Xu Thế Toàn Cầu Hóa

Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Phan Hữu Dật là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của ông về Sử học, Dân tộc học được đánh giá cao trong giới khoa học trong và ngoài nước.

Là nhà giáo – nhà khoa học, ông có cuộc đời hoạt động thật sôi nổi, phong phú. Ông sinh ngày 01 tháng 6 năm 1928 tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trên nửa thế kỷ tham gia cách mạng và hoạt động khoa học, ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền đại học Việt Nam và ngành Dân tộc học ở nước ta.

Trên cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân và nhiều thạc sĩ, tiến sĩ cho các ngành Dân tộc học, sử học. Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên viết giáo trình Cơ sở Dân tộc học để giảng dạy trong các trường đại học. Ông am hiểu sâu rộng nhiều vấn đề chuyên môn và là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu xã hội nguyên thủy, về lịch sử hôn nhân và gia đình. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh – những công cụ đặc biệt quan trọng cho các ngành khoa học nói chung, cho ngành Dân tộc học nói riêng.

Là nhà Dân tộc học bảo vệ luận án PTS đầu tiên tại Liên Xô (cũ) (1963), hơn 50 năm qua, những đóng góp của ông trên lĩnh vực Dân tộc học thật to lớn, không chỉ trên bình diện lý thuyết mà trên bình diện ứng dụng, thực tiễn..

Việt Nam Thời Chuyển Đổi Số

Việt Nam Thời Chuyển Đổi Số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cốt lõi là chuyển đổi số, đang đưa nhân loại tiến sang một thời đại phát triển mới – thời đại số. Việt Nam cần phải làm gì để không bỏ lỡ cơ hội phát triển như với các cuộc cách mạng công nghiệp trước và vững vàng tiến bước cùng thời đại, trở thành một quốc gia hùng cường? Cuốn sách Việt Nam thời chuyển đổi số là những chia sẻ tâm huyết của nhóm THINK TANK VINASA trên con đường đi tìm lời giải cho câu hỏi cấp bách này.

Cuốn sách là nỗ lực tâm huyết của nhóm nhằm khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng nhiệt huyết trong mỗi người Việt Nam để sẵn sàng dấn thân, quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo, góp sức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đánh thức tiềm lực dân tộc, hiện thực khát vọng Việt Nam, xây dựng đất nước phồn vinh.

Buổi Đầu Nhiếp Ảnh Việt Nam

Buổi Đầu Nhiếp Ảnh Việt Nam

Đây là quyển sách đầu tiên về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu viết bằng Anh ngữ. Từ khối tư liệu khổng lồ nhưng phân tán trong các kho lưu trữ, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bộ sưu tập của riêng mình, Terry Bennett đã dựng lại con đường ra đời và phát triển của nhiếp ảnh tại Việt Nam kể từ khi những bức ảnh đầu tiên được chụp vào giữa thế kỷ XIX cho đến giữa những năm 1950.

Mặc dù phần lớn nội dung nói về sự nghiệp của các nhiếp ảnh gia người Pháp và các nước khác, những hình chụp và tiệm ảnh của họ tại Việt Nam, nhưng cũng liệt kê rất nhiều hình chụp cùng danh tính của các nhiếp ảnh gia người Việt và tiệm ảnh của họ.

Dựa trên kinh nghiệm tích lũy từ những quyển viết về nhiếp ảnh Nhật Bản và Trung Quốc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Buổi Đầu Nhiếp Ảnh Việt Nam của Bennett sẽ là cẩm nang hỗ trợ quý báu cho những ai quan tâm đến lịch sử nhiếp ảnh hoặc những nhà sưu tầm tư liệu.

Phật Giáo Việt Nam Góc Nhìn Lịch Sử Và Văn Hóa

Phật Giáo Việt Nam Góc Nhìn Lịch Sử Và Văn Hóa

“Một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam là sự dung hòa – dung hòa với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam, dung hòa giữa các tông phái Phật giáo, dung hòa với Lão và Nho để tạo nên tinh thần viên dung tam giáo, … Phật giáo Việt Nam không tham chính nhưng có quan hệ mật thiết với chính quyền và có vai trò to lớn trong việc “trị nước an dân”. Phật giáo Việt Nam luôn với tinh thần nhập thế sâu sắc. Các nhà sư khi cần có thể lên ngựa phóng ra chiến trường để cùng nhân dân diệt giặc giữ nước, các vị sẵn sàng “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” khi tổ quốc lâm nguy. Một hiện tượng đặc biệt và khá phổ biến trong lịch sử Việt Nam là nhiều nhà nho vẫn giữ tinh thần “tòng Nho mộ Thích”, kể cả các bậc đại danh Nho”.

– Trần Thuận

Lịch Sử Võ Học Việt Nam

Lịch Sử Võ Học Việt Nam

Cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam” hoàn thành vào tháng 6/2012, có độ dày 784 trang, gồm 2 chương, 12 mục, hơn 80 tiểu mục viết về quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển, các sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học dân tộc, hệ thống võ học dân tộc bao gồm: võ Lễ, võ Đạo, võ Kinh, võ Trận, võ Cữ, võ Thuật, võ Y, võ Nhạc, võ Miếu… từ thời lập quốc (Nhà nước Văn Lang) cho đến nay. Điểm nhấn của cuốn sách là viện dẫn những dẫn chứng về nguồn gốc ra đời và phát triển của võ dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ.

Tác giả đưa ra những dẫn chứng, kết luận khẳng định Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nền võ học uyên bác, khép kín dựa trên một hệ thống lý luận chuẩn mực bao gồm tính chiến đấu sâu sắc và tính nhân văn cao cả. Cuốn sách được giới chuyên môn và các võ sư đánh giá là một công trình hữu ích cho những võ sinh, võ sĩ, những ai tâm huyết đến võ học nước nhà..

Kiến Trúc Việt Nam Qua Các Triều Đại

Kiến Trúc Việt Nam Qua Các Triều Đại

Quá trình phát triển nền kiến trúc cổ Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế – xã hội. Những công trình kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng trong thời kỳ phong kiến – chủ yếu là trước thế kỷ 19. Tuy nhiên các công trình còn sót lại chủ yếu được xây dựng từ sau thế kỷ 17-18.

Khi nói về kiến trúc cổ Việt Nam, nhiều người lầm tưởng đây là một sao bản của kiến trúc Trung Hoa tuy nhiên chính kiến trúc Việt Nam mới ảnh hưởng lớn đến kiến trúc Trung Hoa có thể nói kết cấu mái cong, ngói âm dương (Ngói lưu ly) là sáng tạo của người Việt cổ. Ở Kiến trúc cổ Việt Nam ngoài kết cấu đấu-củng truyền thống thì người Việt đã biến tấu sáng tạo thêm dùng bảy/kẻ “tàu đao lá mái” để cấu tạo mái cong, sáng tạo thêm nhiều loại ngói.

Một Tư Duy Khác Về Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam

Một Tư Duy Khác Về Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam

“… Những vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa [của Việt Nam] rất giống những gì tôi thấy ở Trung Quốc 15 năm về trước, hay Thái Lan, Mã Lai… 30 năm về trước. Thời đại siêu tốc về thông tin của thế giới Internet đã không đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi quốc gia theo đà tiến hóa của nhân loại.

Tuy vậy, có một điều khác biệt: tôi không sinh ra hay lớn lên tại Trung Quốc hay Thái Lan, Mã Lai… nên tôi chỉ cười với những người nước ngoài khác khi họ phê bình hay giễu cợt điều gì đó nghịch lý và thua kém của dân bản xứ, nhưng với Việt Nam, nơi tôi gọi là “quê hương”, điều này thường làm tôi đau lòng và trăn trở.

… Nhưng, tôi lại có một niềm tin mãnh liệt vào “con người” Việt Nam, nhất là khi họ phải đối đầu với nghịch cảnh và thử thách. Tôi nhớ hơn 1 triệu người Việt đã đến Mỹ vào thập niên 1970, không một đồng xu dính túi, không một học thức gì đáng kể, không một giúp đỡ nào từ cộng đồng người Việt (tất cả đều là lính mới). Từ hai bàn tay trắng, trong hơn 10 năm họ đã tiến bộ vượt bậc để bắt kịp các cộng đồng người Hoa, người Ấn, người Phi… đã tồn tại cả trăm năm trước họ. Con cái họ đã làm rạng danh người Việt tại các trường trung học, đại học. Doanh nhân Việt kiều đã đạt những thành tích làm mọi người nể phục. Đó là phẩm chất của con người Việt mà tôi không bao giờ mất niềm tin. Tập sách này được viết lại để ghi nhận và chia sẻ cùng tất cả người Việt niềm tin đó.”

Alan Phan (trích Lời tựa)

Tính Hiện Đại Và Sự Chuyển Biến Văn Hóa Việt Nam Thời Kỳ Cận Đại

Tính Hiện Đại Và Sự Chuyển Biến Văn Hóa Việt Nam Thời Kỳ Cận Đại

Tính hiện đại trong quan hệ với văn hóa Việt Nam cận đại, sự chuyển biến trong một số lĩnh vực văn hóa Việt Nam cận đại, sự xuất hiện những loại hình văn hóa mới, tiếp biến văn hóa phương Tây trong một số loại hình văn hóa truyền thống.

Lãng Du Qua Một Số Lễ Hội Độc Đáo Ở Việt Nam

Lãng Du Qua Một Số Lễ Hội Độc Đáo Ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Chính những nét đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần.

Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Lễ hội là một nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt của người Việt. Nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta từ ngàn xưa và vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Chính vì thế, tác giả Châu Thành An đã tuyển chọn và biên soạn một số lễ hội độc đáo ở Việt Nam giúp người đọc hiểu rõ hơn các lễ hội độc đáo ở nước ta.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button