9 sách về xã hội học hay nhất

9 sách hay về xã hội học. Hiểu thêm về xã hội học, bộ môn khoa học thú vị giúp bạn đọc hiểu thêm về xã hội, thế giới và chính mình.

Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học

Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học

Người ta ít có thói quen xử lý các sự kiện xã hội một cách khoa học đến mức một số mệnh đề trong cuốn sách Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học có thể làm cho độc giả ngạc nhiên. Thế nhưng, nếu có một bộ môn khoa học nghiên cứu về các xã hội, thì ta buộc phải không chờ đợi ở nó một lời giải thích dông dài đơn giản về các tiên kiến (préjugés) truyền thống, đúng hơn, nó phải làm cho chúng ta thấy được các sự vật theo cách nhìn khác với người bình thường; bởi lẽ mục đích của bất cứ bộ môn khoa học nào cũng là tạo ra những sự khám phá, và mọi sự khám phá như thế ít nhiều gây xáo trộn các ý kiến đã được chấp nhận.

Vì thế, nếu trong bộ môn xã hội học người ta không gán cho cảm thức thông thường (sens commun) một uy quyền mà từ lâu không thấy có trong các bộ môn khoa học khác – và người ta cũng không rõ từ đâu mà uy quyền ấy lại có thể xuất hiện trong khoa học – thì nhà khoa học phải cương quyết không để mình rụt rè trước những kết quả đạt được trong các công trình nghiên cứu của mình, miễn sao các công trình nghiên cứu ấy được tiến hành một cách có phương pháp. Nếu đi tìm sự nghịch lý là công việc của nhà ngụy biện, thì trốn tránh sự nghịch lý, khi nó bị các sự kiện áp đặt, lại là công việc của một đầu óc không có dũng khí và thiếu niềm tin trong khoa học.

Xã Hội Học Nhập Môn

Xã Hội Học Nhập Môn

Một cách tổng quát, có thể nói rằng xã hội học là bộ môn khoa học nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội. Xã hội học ra đời do yêu cầu của bản thân sự vận động của xã hội, đặc biệt là trong những bối cảnh có nhiều biến động hoặc xung đột xã hội.

Một cuộc đình công chẳng hạn, chỉ là một cuộc đình công; nhưng người nào suy nghĩ và khảo sát kỹ hơn thì có thể lý giải cuộc đình công ấy bằng những nhận định như: tổ chức lao động tồi, lương thấp, công nhân không gắn bó với nhà máy…; cũng như có thể tiến hành những phân tích về các nhóm hoặc phe phái trong nhà máy, các loại thái độ của người lao động và của giới chủ nhân, mức độ chuyên quyền độc đoán của giám đốc, tính tích cực xã hội của công nhân … Và đằng sau những sự kiện có vẻ nhất thời ấy ở một nhà máy, người nghiên cứu còn có thể đi đến chỗ đặt vấn đề và nhận định về cả một hệ thống sản xuất, hay thậm chí toàn bộ một hệ thống xã hội.

Bất cứ một biến cố hay hiện tượng xã hội nào cũng đều là một kết quả phức hợp của rất nhiều nhân tố, từ những nhân tố mang tính chất kinh tế, cho đến những nhân tố mang tính chất chính trị, lịch sử và văn hóa. Chính tính chất phức tạp của các hiện tượng xã hội và các quá trình xã hội làm cho ngành xã hội học thường phải nghiên cứu liên ngành (và đôi khi cũng khó phân định ranh giới) với nhiều bộ môn khoa học xã hội khác như sử học, nhân học, dân tộc học, tâm lý học xã hội, kinh tế học, và ngôn ngữ học. Do đó, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xã hội học đã từng có thời bị đồng hóa vào triết học – với tư cách là ngành khoa học khái quát nhất về con người và vũ trụ.

Dẫn Luận Về Xã Hội Học

Dẫn Luận Về Xã Hội Học

Thuật ngữ “xã hội học” (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ Latin: Societas (xã hội) và chữ Hy lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên ở thế kỷ XIX với định nghĩa của Auguste Comte: “Xã hội học là khoa học về các quy luật của tổ chức xã hội”.

Emile Durkheim, một trong các bậc tiền bối của xã hội học đã phát biểu rằng: “Cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng khỏe mạnh hay bệnh tật và sau đó phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội”.

Karl Marx không coi mình là nhà xã hội học, nhưng những tư tưởng trong di sản đồ sộ của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của xã hội học. Dường như tất cả các nhà xã hội học hiện đại khi giải thích xã hội đều tiếp cận bằng lý thuyết mâu thuẫn và xung đột của Marx, “đều vay mượn của Marx các lý giải về giai cấp, ngay cho dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Marx”.

Sách Dẫn luận về xã hội học của Steve Bruce là một dẫn nhập cô đọng về bộ môn khoa học mới mẻ nhưng những tầm nhìn của nó được đón nhận rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực.

Tại sao cuộc sống của hai dân tộc ở hai phần thế giới lại trở nên quá khác nhau, và vẫn tiếp tục khác nhau đến thế? Tại sao một số cuộc sống – và một số tương lai – vô cùng giàu có, số khác lại túng quẫn?

Xã Hội Học Tội Phạm

Xã Hội Học Tội Phạm

Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống tội phạm ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, tội phạm từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu hướng giảm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy vậy, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, kích động gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự vững mạnh của chế độ ta. Do đó, công tác phòng, chống tội phạm cần có những giải pháp và lộ trình cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách: Xã hội học tội phạm của tác giả Trần Đức Châm.

Cuốn sách Xã hội học tội phạm phân tích xã hội học tội phạm với tư cách là một khoa học, bao gồm: đối tượng, phương pháp nghiên cứu và chức năng của xã hội học tội phạm; khái quát sự ra đời, phát triển và mối quan hệ giữa xã hội học tội phạm với các khoa học khác; cơ sở và căn cứ pháp lý cho việc điều tra nghiên cứu xã hội học về tội phạm, phân loại tội phạm; phân tích các lý thuyết giải thích nguồn gốc sai lệch và tội phạm; chuẩn mực xã hội và sự sai lệch chuẩn mực xã hội; những đặc điểm xã hội học của một số loại tội phạm nghiêm trọng hiện nay; nguyên nhân, tác hại của tình hình tội phạm và công tác phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên chuyên ngành xã hội học, tội phạm học và điều tra tội phạm, các ngành khoa học xã hội khác và là cơ sở để xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Sụp Đổ – Jared Diamond

Sụp Đổ – Jared Diamond

Với phương pháp đa ngành cùng khối lượng kiến thức khổng lồ, Jared Diamond đã hoàn thành kiệt tác mang tính cách mạng trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại : Sụp đổ – Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào ? Người đọc sẽ đi từ văn minh Maya, đến với sự bùng nổ và suy tàn của người Viking, xem xét sự hưng thịnh và kết cục bi thảm của người Norse ở Greenland… Những nguyên nhân nào được xem là căn bản nhất cho mọi sự diễn tiến hay suy bại của các xã hội trên toàn thế giới ? Có thể kiếm tìm một lý giải hay một mô hình cho tất cả những thất bại hay thành công của nhân loại hay không ? Chúng ta có thể học gì từ sự thất bại của những nền văn mình từng là vĩ đại nhất ? Nhân loại sẽ cần ghi nhớ những điều được Diamond tổng kết :

“Do vậy, chúng ta đang tiến rất nhanh trên con đường không bền vững…, nên bằng cách này hay cách khác, các vấn đề môi trường của thế giới sẽ được các thế hệ trẻ hiện nay giải quyết. Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có được giải quyết bằng những cách thích hợp do chính chúng ta chọn lựa hay không, hay bằng những cách tiêu cực mà chúng ta không muốn chọn lựa như chiến tranh, diệt chủng, dịch bệnh và các xã hội sụp đổ. Trong khi tất cả các hiện tượng tàn khốc trên luôn gắn chặt với lịch sử xã hội loài người, nhưng mức độ nghiêm trọng của suy thoái môi trường và áp lực dân số sẽ kéo theo và bất ổn chính trị. “

– Chương 16 : Thế giới như một vùng đất lấn biển

Điểm Bùng Phát

Điểm Bùng Phát

Điểm Bùng Phát là một khoảnh khắc kỳ ảo, khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua ngưỡng nhất định – bùng phát và lan ra như ngọn lửa hoang dã. Giống như chỉ một người bị ốm cũng có thể làm khởi phát cả dịch cúm, một mục tiêu nhỏ bé nhưng chính xác hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy một xu hướng thời trang, nhân rộng việc tiêu thụ của sản phẩm, hay làm hạ tỷ lệ phạm tội, v.v.

Trong cuốn sách kinh doanh được độc giả chào đón nồng nhiệt này, Malcolm Gladwell đã khám phá và khai mở cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng “điểm bùng phát”, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tất cả mọi người trên khắp thế giới về việc tiêu thụ các sản phẩm và phổ biến các ý tưởng.

“Một khám phá tinh tế về cách thức lan tràn của những “đại dịch” xã hội, cho dù đó là những xu hướng thời trang, bệnh tật hay những kiểu hành vi xã hội như tội phạm, v.v… Một trong những khía cạnh nổi bật nhất trong cuốn sách của Gladwell là cuốn sách đã tái khẳng định rằng: cho dù công nghệ hiện đại có tham gia vào cuộc sống của con người nhiều đến thế nào, thì con người vẫn luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của những hiện tượng xã hội và chính con người cũng gây ảnh hưởng lẫn nhau.”

Súng, Vi Trùng Và Thép

Súng, Vi Trùng Và Thép

“Bàn tay của diễn trình lịch sử từ 8.000 năm trước vẫn đang đè nặng lên chúng ta.”

Cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á –Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngường. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị

Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một lược sử về tất cả mọi người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Câu hỏi đã khiến tôi viết ra cuốn sách này là: tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác? Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì, xin thưa, không phải vậy. Như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu hỏi này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc. Cuốn sách này tập trung truy tìm những lý giải tối hậu và đẩy lùi chuỗi nhân quả lịch sử càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Tuy cuốn sách này nói cho cùng là về lịch sử và tiền sử, song chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay.

Sapiens: Lược Sử Loài Người

Sapiens: Lược Sử Loài Người

Sapiens, đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.

Sapiens tập trung vào các quá trình quan trọng đã định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó đã cảm nhận nó như thế nào.

Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác. Chúng ta đã quá thường xuyên bị những tưởng tượng hư cấu của chúng ta lừa dối. Lịch sử cũng là một hư cấu, nhưng một hư cấu đã được kiềm chế bởi thực tại và biện luận: một hình thức của huyền thoại – một hư cấu hữu ích – khiến nó có thể mang lại sự giác ngộ của sự tự biết chính mình.

“Tôi khuyến khích tất cả chúng ta, dẫu có những tin tưởng tín ngưỡng nào, để đặt câu hỏi về những thuật kể cơ bản về thế giới chúng ta, để nối những phát triển ngày xưa với những quan tâm ngày nay, và để không sợ hãi những vấn đề tranh luận” (Yuval Noah Harari)

Homo Deus: Lược Sử Tương Lai

Homo Deus: Lược Sử Tương Lai

Homo sapiens có phải là một dạng sống siêu đẳng, hay chỉ là một tay đầu gấu địa phương? Làm thế nào con người lại tin rằng họ không chỉ đã kiểm soát thế giới, mà còn mang lại ý nghĩa cho nó? Công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo đe dọa loài người ra sao? Sinh vật nào có thể kế thừa loài người, và tôn giáo mới nào sẽ được sản sinh?

Với giọng kể cuốn hút và mới lạ, Harari sẽ dần gợi mở và trả lời những câu hỏi trê, nhờ phân tích chi tiết những luận điểm gây nhiều tranh cãi: chủ nghĩa nhân đạo là một dạng tôn giáo, thứ tôn giáo tôn thờ con người thay vì thần thánh; sinh vật là thuật toán… ông vẽ ra một viễn cảnh tương lai khi Sapiens thất thế và Dữ liệu giáo trở thành một hình mẫu.

HOMO DEUS còn bàn sâu hơn về các năng lực mà con người đã tự trang bị để sinh tồn và tiến hóa thành một giống loài ngự trị trên trái đất, để rồi chính trong tiến trình hoàn thiện và nâng cấp các năng lực ấy chúng ta sẽ bị truất quyền kiểm soát bởi một sinh vật mới, mang tên Homo Deus.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button