12 tiểu thuyết hay về phụ nữ mở rộng góc nhìn cho người đọc

12 tiểu thuyết hay về phụ nữ đọc để hiểu tâm lý phụ nữ, những mâu thuẫn, khúc mắc, thăng trầm trong cuộc sống.

Chuyện Người Tùy Nữ

Chuyện Người Tùy Nữ

Tôi có chồng và con gái. Có mèo. Có mẹ, có bạn gái thân thiết. Có việc làm và một cái tên.

Tôi tỉnh dậy sau một cơn chính biến, một cuộc đào thoát bất thành và một cơn mê để thấy mình đã mất cho đến tận cái tên, chỉ còn là Tùy nữ – một trong những “cỗ tử cung có chân” của chính quyền Gilead.

Giữa Nước Cộng hòa Gilead – nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xưa, nơi các Martha cặm cụi việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các Phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng, các Tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ – có một người đàn bà vừa tìm cách bám lấy sự sống nhờ mưu mẹo sắc bén và những hồi ức vỗ về từ “thời trước”, vừa cố gắng khám phá để kể lại chuyện mình cho các thế hệ về sau..

Cuốn tiểu thuyết phản-địa đàng (dystopia) này là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980, nhưng trên hết là một cuốn sách viết sắc sảo và lôi cuốn đã được ấn hành ở gần 30 quốc gia. Đây là một trong năm tiểu thuyết đề cử Booker của nữ tiểu thuyết gia Canada danh tiếng Margaret Atwood và là cuốn sách đầu tiên của bà được giới thiệu ở Việt Nam.

Quả Chuông Ác Mộng

Quả Chuông Ác Mộng

Esther Greenwood là một cô gái trẻ dường như đang hướng đến một tương lai trải đầy hoa hồng với công việc thực tập tại một tạp chí nổi tiếng ở New York (Mỹ).

Với quá nhiều lo lắng và băn khoăn về vị trí của mình trong gia đình và công việc, Esther dần trở nên xa lạ với thế giới bên ngoài, dần mất đi mọi hứng thú và hy vọng, cũng như khả năng hoàn thành những công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Cô bỏ học, định tự tử và được gửi đến một số trại tị nạn để điều trị.

Cuốn Theo Chiều Gió

Cuốn Theo Chiều Gió

Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ tác giả Margaret Mitchell, ngay từ khi mới ra đời, năm 1936, tác phẩm văn học này đã mau chóng chiếm được tình cảm của người dân Mỹ cũng như chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới.

Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ, Cuốn Theo Chiều Gió với cốt truyện rõ ràng, logic, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O’hara cùng với Rhett Butler trở thành cặp nhân vật điển hình, thuộc loại thành công nhất trong văn học Hoa Kỳ. Cuốn Theo Chiều Gió có sức hấp dẫn mãnh liệt giới trẻ Mỹ cũng như thanh niên toàn thế giới vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Lạ kỳ thay, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ. Không chỉ có tình yêu trai gái, Cuốn Theo Chiều Gió còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái.

Ba năm sau khi tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió ra đời, bộ phim cùng tên dựng theo tác phẩm của Margaret Mitchell được công chiếu đã trở thành sự kiện lớn, thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ.

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai

Tên gọi Tiếng chim hót trong bụi mận gai lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian Celtic về một loài chim tự đâm mình vào cây gai “và trong lúc hấp hối nó cất lên giọng ca đẹp nhất”. Cảm hứng đã giúp Colleen McCullough, người đàn bà hay đau ốm vặt viết 692 trang sách trong ba tháng, vào mỗi đêm sau một ngày làm việc. Một trong những lý do khiến bà dành tâm huyết cho văn chương là bởi bà nhận ra mình sẽ không trở thành nhà khoa học. “Tôi nhìn trước thấy tuổi già nếu tôi trở thành nhà khoa học. Và tôi không chọn điều đó”, nữ văn sĩ kể.

Trong khi đang viết dở truyện Tiếng chim hót trong bụi mận gai, bà nhận ra bản chất câu chuyện tình của hai nhân vật. “Mối tình của cha xứ Ralph và cô gái Meggie chắc chắn sẽ có tàn cục ngay từ trước khi khởi điểm, bởi chính bản tính của hai nhân vật này. Tôi biết có những người như thế. Họ thích tạo ra thảm kịch để rồi cảm thấy mình là người hùng trong chính thảm kịch của bản thân”.

Ba Phụ Nữ Can Đảm

Ba Phụ Nữ Can Đảm

Ba câu chuyện về trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, vì cứ qua mỗi trang kế tiếp, sự cay nghiệt và tàn độc của cõi đời lại tăng thêm một mức nữa. Các hình dung ban đầu của độc giả còn kém xa những gì diễn tiến của hư cấu bày ra.

Cuộc đời những người phụ nữ châu Phi có chút dính dáng với phương Tây, không bao giờ mang màu hồng, nhưng phải có cái nhìn thấu suốt, “từ bên trong”. Như tác giả ba câu chuyện trong cuốn sách này thì toàn bộ sự thảm khốc mới được lột tả đầy đủ và cùng lúc là sức sống mãnh liệt của con người bị đẩy tới đường cùng.

Cái nhìn ấy và sức mạnh ngôn từ đặc biệt ấy, Marie Ndiaye sở hữu với một dung lượng lớn đến kinh ngạc.

Nhẫn Thạch

Nhẫn Thạch

Hòn đá kiên nhẫn, Nhẫn thạch. Trong huyền thoại Ba Tư, đấy là một hòn đá ma thuật mà người ta đặt trước mặt mình để trút gửi vào nó tất cả những đau đớn, những bi thương, những thống khổ của mình… Người ta ký thác cho nó tất cả những gì không dám thổ lộ với ai khác… Và hòn đá, như một miếng bọt biển, hút lấy tất cả những lời ấy, tất cả các bí mật cho đến một ngày nó nổ tung… Và ngày đó ta được giải thoát.

Cuốn sách đoạt giải Goncourt 2008 và đã bán bản quyền sang 29 quốc gia.

Jane Eyre

Jane Eyre

“Tôi không phải là chim, không có chiếc lồng nào có thể bẫy được tôi. Tôi là một người tự do, với một ý chí độc lập.”

Jane Eyre là hình tượng tiêu biểu của những số phận có vị thế hết sức khiêm nhường, bị xã hội ruồng rẫy nhưng đã dũng cảm đứng lên phản kháng lại bằng tất cả ý chí, nghị lực và tâm hồn “nổi loạn” của mình.

Cũng trong cuộc sống không cân sức này, phẩm giá của Jane càng tỏa sáng. Cô cũng đã tìm lại được tình yêu – một tình yêu tự nguyện, thuần khiết, không vụ lợi, không kém phần lãng mạn, nồng nhiệt và vị tha. Đó chính là hạnh phúc đích thực suốt cuộc đời của Jane.

Bảo Tàng Ngây Thơ

Bảo Tàng Ngây Thơ

STANBUL. Mùa xuân tuyệt đẹp năm 1975. Xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul háo hức với lễ đính hôn của Kemal và Sibel dòng dõi thế gia. Nhưng cuộc tái ngộ tình cờ cùng cô em họ xa nghèo, xinh đẹp Fusun dường như đã dứt lìa Kemal khỏi thế giới anh đang thuộc về. Suốt 8 năm đeo đuổi Fusun, Kemal miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian, lập nên Bảo tàng thơ ngây như một biên niên sử tin cậy về Fusun- tình yêu sầu muộn của anh. Ở đó, Kemal đắm đuối trong quá khứ đau đớn khôn nguôi, hạnh phúc tột cùng, giữa các hiện vật thấm đẫm hoài niệm, lùi sâu vào một Istanbul đa dạng bản sắc và biến động trong dòng lịch sử dần xuôi chảy đến phương Tây.

BẢO TÀNG NGÂY THƠ- tiểu thuyết đầu tiên Orhan Pamuk hoàn thành sau khi được trao giải Nobel Văn chương 2006, một khảo sát ỉ mỉ, đầy xúc động về bản chất của sự lãng mạn, xứng đáng là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn học thế giới.

Kiêu Hãnh Và Định Kiến

Kiêu Hãnh Và Định Kiến

Khắp làng trên xóm dưới Herfordshire xôn xao: Netherfield sắp có người thuê, mà còn là một quý ông chưa vợ với khoản lợi tức lên đến năm nghìn bảng mỗi năm. Chao ôi, quả là tin đáng mừng đối với gia đình ông bà Bennett, vốn có tới năm cô con gái cần phải gả chồng. Giữa những quay cuồng vũ hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho các cô gái, nổi lên câu chuyện tình của cô con gái thứ cứng đầu Elizabeth và chàng quý tộc Darcy – nơi lòng Kiêu hãnh phải nhún nhường và Định kiến cần giải tỏa để có thể đi đến kết cục hoàn toàn viên mãn.

Suốt hơn 200 năm qua, Kiêu hãnh và Định kiến luôn nằm trong số những tiểu thuyết tiếng Anh được yêu mến nhất. Chính Jane Austen cũng coi tác phẩm xuất sắc này là “đứa con cưng” của bà. Tài năng của Austen quả thực đã biến câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ.

Bà Dalloway

Bà Dalloway

Virginia Woolf viết Bà Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở “Tới ngọn hải đăng”, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều (Ngoài khoảng mười mấy nhân vật chủ yếu có tới mấy chục nhân vật phụ; có nhân vật chỉ thoáng hiện ra rồi biến mất hoàn toàn); mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung.

Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát…

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ – Một tác phẩm của tác giả Svetlana Alexievich – Nobel văn chương 2015, bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới nay, không cắt gọt, không kiểm duyệt của chính tác giả do dịch giả Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn.

Có một cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mà bạn chưa từng nghe nói tới, những câu chuyện chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, những số phận gắn liền với chiến tranh, đã được tác giả tái hiện lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất trong “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”.

“Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại. Và trong ấy, không chỉ có họ (con người!) phải chịu đau đớn vì chiến tranh: cùng với con người là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên. Chúng chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời, thế càng kinh khủng hơn… Thậm chí một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết.”

Hồi ức của một Geisha – Đời kỹ nữ

Hồi ức của một Geisha – Đời kỹ nữ

Truyện kể về Sayuri Nitta (tên thật là Chiyo), một Geisha thực thụ. Cô cùng chị gái Satsu bị bán vào Okika từ thuở nhỏ. Sau đó người chị trốn thoát còn Chiyo thì bị kẹt lại, thường bị một Geisha đàn chị ức hiếp, Chiyo cảm thấy rất buồn chán. May mắn được một người đàn ông lạ giúp đỡ, và Chiyo đã đem lòng yêu người đàn ông lạ ấy, và cô quyết tâm trở thành một Geisha xuất sắc vì ông. Với sự giúp đỡ của Mameha, ước mơ của Chiyo đã trở thành sự thật, nhưng lúc đó Nhật Bản thua cuộc trong thế chiến thứ II, loạn lạc xảy ra.

Trên hành trình tìm kiếm tình yêu mà Chiyo luôn mong đợi, nàng đã trãi qua những cay đắng, đối diện với chính người đàn ông – người mà mình yêu trong sự nhục thể…

Giữa điện ảnh và tiểu thuyết có sự khác biệt đôi chút nhưng nếu ta xem cả hai ta sẽ thấy được nổi đau của nàng trong tình yêu khó mà nói lên thành lời được. Những trắc trở đương thời, những suy nghĩ trong đầu làm cho cả hai dần xa cách..

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button