9 sách về du lịch bụi hay nhất

9 sách hay về du lịch bụi. Kể lại những hành trình du lịch bụi, đi để chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.

Hoang Dã: Hành trình tìm lại mình trên Đường mòn Pacific Crest

Hoang Dã: Hành trình tìm lại mình trên Đường mòn Pacific Crest

Hoang dã là cuốn hồi ký của Cheryl Strayed về chuyến hành trình đi bộ 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail khi cô 26 tuổi.

Sau khi trải qua những năm tháng tàn tạ, mất phương hướng, phải chịu đựng cái chết của người mẹ thân yêu và cuộc ly dị đầy đau khổ, cô đã quyết tâm “xách balo lên và đi”. Và trong suốt cuộc hành trình dài hơn 1000 dặm, cô đã gặp được rất nhiều người, vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể, để rồi chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.

Sau khi được xuất bản vào tháng 3 năm 2013,Wild đã nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu trong danh sách best-seller ở Mỹ và chiếm giữ vị trí đó trong vòng 7 tuần liên tiếp. Tính đến nay,Wild đã được dịch ra 28 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim năm 2014.

Vào Trong Hoang Dã

Vào Trong Hoang Dã

Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…

Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ.

Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.

Nhật Ký Che Guevara

Nhật Ký Che Guevara

Đây không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado.

Cuộc hành trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh. Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại – Che!

Đọc những dòng nhật ký chân thật của Che, chúng ta sẽ được sống lại, đi cùng với cuộc hành trình lý thú của Che, hiểu được tâm hồn lãng mạn, tình cảm và tính cách đặc biệt của Che, và hiểu được những gì mà chàng trai Ernesto cảm nhận được qua cuộc hành trình này đã góp phần lớn tạo nên con người Che sau này.

Che sinh ra và lớn lên tại Arhentine, tham gia cách mạng và chiến đấu ở Cuba và hy sinh ở Bolivia khi 39 tuổi. Che xuất thân từ một gia đình trung lưu thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Và tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của một đứa bé mà số phận đã định trước để trở thành một anh hùng, một con người của mọi con người.

Hãy đọc và đi cùng Che trên chiếc xe gắn máy qua những miền đất lạ, hãy trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong chàng trai Ernesto, trong Che – và trong chính bạn.

Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ

Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ

Ở tuổi 58, sau một thời gian sống ở nước ngoài, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học John Steinbeck quyết định tái khám phá đất nước mình. Ông lái một chiếc xe bán tải có cabin trên thùng xe, cùng con chó Charley rong ruổi khắp nước Mỹ.

Đó là một hành trình gần mười ngàn dặm mà John Steinbeck gọi là hành trình “đi tìm nước Mỹ”. John Steinbeck đối diện với nhiều hoàn cảnh, sự kiện, con người trong suốt chuyến đi. Ông tìm thấy sự đa dạng của người Mỹ và phong cảnh nước Mỹ, nhưng cũng tìm cách khái quát nên những nét chung. Ông cũng phải đối diện với nhiều vấn đề của bản thân, chủ yếu là nỗi cô đơn và vấn đề sức khỏe.

Nhà văn đã luôn đứng về phía những người lao động, đã thấy tổ quốc mình tồn tại không phải ở các địa danh mà trước hết, và quan trọng nhất, ở những con người đã lựa chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống và, dù khác nhau, đều chỉ đang cố gắng thực hiện một hành trình tồn tại xứng đáng nhất.

Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.

Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó..

Ta Ba Lô Trên Đất Á

Ta Ba Lô Trên Đất Á

Quyển sách đầu tiên của Rosie Nguyễn, nay trở lại với một diện mạo mới và một quốc gia mới mà trước đây tác giả chưa có dịp nhắc đến. Ta ba lô trên đất Á không chỉ là cẩm nang du lịch bụi dành cho những ai yêu thích khám phá Đông Nam Á, mà còn là dấu ấn rất riêng của Rosie Nguyễn khi một mình đeo ba lô, tay cầm bản đồ ngược xuôi khắp các nước láng giềng để đi tìm chính mình và theo đuổi đam mê.

“Ta ba lô trên đất Á là quyển du ký của tác giả Việt Nam yêu thích nhất từ trước đến nay của tôi. Sách nhẹ nhàng, tình cảm và chứa đầy cảm xúc của mỗi vùng đất tác giả dạo bước qua. Mỗi trang sách, câu chuyện là một cánh cửa dẫn dắt những trái tim đam mê phiêu lưu vào những chốn vừa lạ vừa quen ở các quốc gia Đông Nam Á cũng như các nước láng giềng của quê hương Việt Nam. Đây chắc chắn còn là quyển sách gối đầu giường cực kỳ hữu ích cho những bạn trẻ đang chập chững những bước chân đầu tiên để bước ra thế giới ngoài kia, để tìm đến những chân trời mới, để thấy thế gian này thật rộng lớn và đẹp đẽ biết bao.”

– Trần Đặng Đăng Khoa (chàng trai đi vòng quanh thế giới bằng xe máy)

“Ta ba lô trên đất Á là ba lô hành trang đầy ắp kiến thức và cảm xúc không thể thiếu để những bạn trẻ Việt trải nghiệm đất Á, rồi vững vàng bản lĩnh để in dấu năm châu.”

– Nhà báo, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (biệt danh “phượt thủ Quỷ Cốc Tử”)

Mekong – Phù Sa Phiêu Bạt

Mekong – Phù Sa Phiêu Bạt

Khải Đơn không phải là một tác giả mới. Cô là một cây bút quen thuộc với bạn đọc qua nhiều bài xã luận gây chú ý trên báo chí, mạng xã hội và nhiều tác phẩm đã xuất bản như Đừng tháo xuống nụ cười (2014), Sài Gòn – Thị thành hoang dại (2015), Ta có bi quan không? (2017), Gập ghềnh tuổi 20 (2017). Các tác phẩm của cô chủ yếu viết về lối sống, tâm thế giới trẻ thành thị, lan tỏa thái độ sống tích cực.

Với Mekong, phù sa phiêu bạt, Khải Đơn thể nghiệm một hướng viết khác: du ký. Nhưng không phải du ký “check in” điểm đến, cảnh đẹp và ăn gì chơi gì. Đó không phải những chuyến du lịch chớp nhoáng, ào ào lũ lượt vội đến vội đi. Khải Đơn đi nhiều, nhưng ở mỗi nơi đi qua, cô đều cố gắng tìm đến những ngóc ngách ẩn mật, khám phá một đời sống che đậy bên dưới cái lạ, cái mới, sự hào nhoáng bề mặt.

Cuốn sách chia làm bốn phần: Thái Lan, Campuchia, Lào & Myanmar và Việt Nam. Đây là năm quốc gia hạ nguồn, đang thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn mà dòng Mekong mang lại. Nhưng đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi cực đoan đang diễn ra ở vùng thượng lưu dòng sông này. Không tham vọng chuyển tải những quan điểm mang tính đại tự sự, Khải Đơn lặng lẽ với những chuyến du hành cá nhân đơn độc để kể câu chuyện những số phận: số phận một giới tuyến, một cây cầu hay một con người vô danh lưu lạc…

Ở Campuchia, đó là những đứa bé nhà quê nghèo đói lên thành phố phục vụ tình dục cho khách Tây thích tìm “của lạ”, đó là ngôi đền nằm chênh vênh nơi đường biên giới Campuchia – Thái Lan, một điểm nóng tranh chấp, một đường biên mong manh vô hình có đời sống riêng. Ở Thái Lan, đó là những phận người hoang mang đi tìm lại bản dạng giới, là cung đường đẫm máu người trên chiếc cầu bắc qua sông Kwai huyền thoại, là vị sư quyết tâm giữ rừng cho quê hương, là thị trấn nơi những thuyền nhân Việt Nam ngày xưa dạt đến. Ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long thuộc Việt Nam, đó là những cồn lở, nhà trôi, những con cá khổng lồ chỉ còn trong huyền thoại. Ở Myanmar, đó là xung đột tôn giáo bên dưới vẻ bề ngoài tưởng chừng êm ả và cuộc truy quét cả một dân tộc bị cố tình nhấn chìm vào quên lãng. Và ở Lào, đó là phẳng lặng và cuộc sống an lành của một vùng đất giữ gìn truyền thống Phật giáo Tiểu thừa…

Những con người bình thường, những cảnh sống trôi nổi, những sinh phần buồn bã, lãng quên được lưu giữ lại trên trang viết của Khải Đơn có sức lấp lánh như những hạt phù sa lang thang mà dự phần làm nên cuộc sống lớn lao của Mekong, dòng sông có một lịch sử, một thực tại đặc biệt, một tương lai bất định.

Tác giả cũng hòa mình vào trong dòng chảy phù sa phiêu bạt ấy để trang viết ánh lên những giá trị của dấn thân, trầm tư, thấu hiểu và yêu thương.

Điều đó làm cho du ký của nhà văn trẻ này mang một sức sống hướng nội, một sự quyến rũ rất riêng, khó lẫn vào dòng chảy sách du ký của những người cùng thế hệ.

Thiền Và Nghệ Thuật Bảo Dưỡng Xe Máy

Thiền Và Nghệ Thuật Bảo Dưỡng Xe Máy

Rùng mình vì cảm xúc cho đến trang cuối cùng. Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy một trong những tác phẩm best-seller cực kỳ quan trọng của thời đại chúng ta. Đây là hành trình tuyệt diệu của một người đi tìm lại chính mình. Một thiên sử thi hiện đại, chuyển hóa cả một thế hệ và tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người – một ví dụ thấm thía về cách chúng ta sống và làm thế nào sống tốt hơn.

Câu chuyện kể về một chuyến đi mùa hè bằng xe máy của hai cha con, Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy trở thành cuộc phiêu lưu triết học vào những câu hỏi nền tảng. Mối quan hệ của người kể chuyện với đứa con dẫn đến một sự xem xét bản thân sâu sắc; công việc bảo dưỡng xe máy khiến tiến trình khảo sát khoa học, tôn giáo và nhân văn trở nên cực kỳ cuốn hút.

Cộng hưởng với những khắc khoải nhân sinh, tác phẩm kinh điển này là một cuốn sách siêu nghiệm về cuộc đời vô cùng xúc động.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Con đường kiếm tìm tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ văn hóa độc đáo, mà cô đặt tên cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). Bằng giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, quan sát tỉ mỉ và chớp lấy sự việc một cách láu lỉnh, ranh mãnh cộng với khả năng tự phơi bày những cảm xúc, suy tưởng và khát vọng, ẩn ức… cụ thể nhất của bản thân, Elizabeth đã cuốn hút chúng ta vào hành động chủ động chứng nghiệm những nét văn hóa độc đáo, đồng thời với sự trưởng thành về tâm lý và tâm hồn đáng mơ ước từ chính những biểu hiện văn hóa đặc thù ấy.

Ở Italy là sự buông thả các giác quan và cảm nhận trong những biểu hiện đời sống bình dị: các món ăn ngon lành, khác lạ, phong vị thụ hưởng – “cái đẹp của không làm gì cả”, ý nghĩa tốt lành của chính bản thân tồn tại hay cảm giác ngọt ngào từ tiếng Italy, thứ tiếng của Danté… Thoải mái với những cảm giác của chính mình, và hơn nữa, tự cho phép đi đến giới hạn mãnh liệt của những cảm giác, niềm vui thích… là cách để Liz chủ động bằng dụng ý, chiến thắng nỗi cô đơn và bệnh trầm cảm vẫn bám riết. Đó cũng là cách để cô thoát khỏi lối đong đếm đời sống bằng quy phạm đầy tính thực dụng, như tiền bạc hay gia đình hạnh phúc… mà hầu hết mọi người tự giam mình vào.

Cảm giác về bản thân là bước đầu tiên để sau đó Liz bước vào hành trình tâm linh, trong Ashram của các sư phụ mà cô hằng ngưỡng mộ tại Ấn Độ. Bạn đọc có thể cảm thấy vô cùng lý thú với từng bước thực hành để quên đi cái bản ngã nhỏ hẹp, bước vào trạng thái tĩnh tại thuần khiết của tâm linh, nơi đó Liz tha thứ và được tha thứ cho tất cả những phiền toái mà con người vô tình gây ra cho nhau trong đời sống hữu hạn, bao gồm cả bi kịch vừa xảy ra của riêng cô. Ở Bali, Liz tìm lại một sống tràn đầy yêu thương từ những người bạn cũ và mới, với người tình mãn nguyện và sự tương ái sẻ chia tuyệt đẹp giữa con người mà không bị tổn thương bởi sự quá đà của chính những người mình yêu quý.

Vấn đề của Liz, cũng như nhiều phụ nữ trong xã hội hiện đại khác, không phải tham vọng hay tình cảm, mà chính là khả năng yêu thương một cách tự do, khả năng tìm đến đời sống tinh thần rộng mở và bền lâu, khi con người cá nhân vượt lên những ràng buộc chật hẹp của đời sống vị kỷ để đạt tới niềm hạnh phúc toàn mãn, có thể đẩy lùi tính chất mong manh, vô thường, bất ổn của đa số các mối quan hệ trong đời sống hậu công nghiệp.

Nói sự thật. Chỉ nói sự thật. Elizabeth Gilbert đã tuyên ngôn vậy, khi cô kể lại câu chuyện cuộc đời mình trong Ăn, Cầu Nguyện, Yêu. Những đau khổ rất nhân bản nhưng vẫn quá ngỡ ngàng đã xuất hiện giữa tuổi ba mươi đầy xáo động của cô. Vượt qua tuyệt vọng, Liz tự mình thực hiện một hành trình dũng cảm để tìm kiếm thanh thản. Chính vì sự thật mà chuyện kể của một con người đã đủ sức mở lối cho hàng triệu người khác nhau trên khắp thế giới tìm được con đường thoát khỏi trầm cảm, thấy lại niềm vui và sự cân bằng, đồng thời sẵn sàng yêu nhau lần nữa.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button