22 Trích dẫn sách Kafka Bên Bờ Biển

Khi ta có công tìm kiếm một cái gì thì chẳng mấy khi thấy được. Và khi ra sức trốn chạy một cái gì thì nó thường bắt kịp ta.

Kafka Bên Bờ Biển – Haruki Murakami

1. Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn tới cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở với cái chết dữ ngay trước bình minh. Tại sao? Vì cơn bão cát ấy không phải là một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó. Ở đó, không có mặt trời, không có mặt trăng, không phương hướng, cũng chẳng có ý thức gì về thời gian. Chỉ có cát trắng mịn xoáy lốc lên trời như xương nghiền tơi thành bụi. Đó là một thứ bão cát mà mày cần tưởng tượng ra.


2. Và mày thực sự sẽ phải vượt qua được cơn bão tượng trưng, siêu hình, dữ dội ấy. Bất kể nó có thể siêu hình hay tượng trưng đến đâu, chớ có mảy may lầm lẫn về nó: nó sẽ cứa vào thịt như cả ngàn lưỡi dao cạo. Nhiều người sẽ tướp máu và cả mày cũng sẽ tướp máu. Máu nóng đỏ tươi. Bàn tay mày sẽ dính máu ấy. Máu của chính mày và máu của kẻ khác.

Và khi cơn bão đã chấm dứt, mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.


3. Những sự việc và kỹ thuật hoặc bất cứ điều gì họ dạy cậu trong lớp sẽ chẳng mấy hữu ích trong thế giới thực tại, đó là cái chắc. Ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, các thầy cô giáo, về cơ bản, là một lũ ngu đần. Nhưng cậu phải nhớ điều này: cậu đang bỏ nhà đi. Có lẽ cậu sẽ chẳng còn cơ may đi học nữa, cho nên dù muốn hay không, tốt nhất là cứ hấp thu bất cứ điều gì có thể trong khi cậu có cơ hội. Hãy trở thành giống như tờ giấy thấm và thấm hết vào. Sau này, cậu có thể hình dung ra cái gì nên giữ và cái gì nên trút bỏ.


4. Một vũng nước đen ngòm hiện diện ở khắp nơi

Có lẽ lúc nào nó cũng thường trực ở đó, khuất kín đâu đây. Nhưng vào đúng thời điểm, nó lặng lẽ trào ra, làm ớn lạnh từng tế bào trong cơ thể mày. Mày đắm trong dòng lũ tàn bạo đó, hớp miệng ráng thở. Mày bám lấy một lỗ thông hơi gần trần nhà, vùng vẫy, nhưng chút không khí mày hít được khô rang, làm bỏng cổ họng. Nước và cơn khát, lạnh và nóng – những yếu tố được coi là đối lập ấy phối hợp lại để tấn công mày.

Thế giới là một không gian khổng lồ, nhưng chẳng tìm đâu ra cái không gian sẽ dung nhận mày, mà nào có cần rộng gì lắm đâu. Mày kiếm tìm một tiếng nói, nhưng mày được cái gì? Im lặng. Mày tìm im lặng, nhưng thử đoán xem cái gì đến? Tất cả những gì mày nghe thấy, nghe đi nghe lại, nghe tái nghe hồi, chỉ là tiếng nói của cái điềm báo ấy. Và đôi khi cái tiếng nói tiên tri ấy lại bật một cái nút bí mật gá sâu trong óc mày.

Tim mày như một dòng sông lớn sau một đợt mưa dài, nước tràn bờ. Tất cả các cột báo hiệu từng đứng trên mặt đất đều đi tiêu, chìm ngập hoặc bị cuốn đi bởi dòng nước lũ ấy. Và mưa vẫn cứ rào rào xuống mặt nước. Mỗi lần mày đọc thấy một tin lũ như thế, mày lại tự nhủ: Nó đấy. Trái tim mình đấy.


5. “… cũng là duyên kiếp.”

“Đúng, đúng,” cô nói. “Nhưng thế nghĩa là gì nhỉ?”

“Là mọi sự trên đời đều do kiếp trước của ta định sẵn. Là ngay cả trong những sự kiện nhỏ nhất, cũng không có cái gì là ngẫu nhiên.”


6. “Thời xưa, con người không chỉ đơn thuần là đực hay cái, mà thuộc một trong ba loại này: đực/đực, đực/cái, hay cái/cái. Nói cách khác, mỗi người được tạo nên bằng những thành tố của hai người. Ai nấy đều bằng lòng với sự sắp đặt ấy và chẳng bao giờ nghĩ ngợi lôi thôi về chuyện đó cả. Nhưng rồi một hôm Thượng Đế mới lấy dao bổ đôi mỗi người, chia dọc từ chính giữa. Thế nên sau đó, thế giới mới chia rạch ròi thành nam và nữ, kết quả là suốt đời con người cứ chạy nháo nhào, cố tìm cái nửa thiếu kia của mình.”


7. “Những xô-nát của Schubert, nhất là bản này, nếu chơi nguyên xi, đó không phải là nghệ thuật. Như Schumann đã chỉ ra, nó dài lê thê và quá nhiều chất đồng quê, lại quá đơn giản về mặt kỹ thuật. Nếu chơi y xì như nguyên bản, nó sẽ bèn bẹt, vô vị, chỉ là một thứ đồ cổ bụi bặm. Vì thế nên mỗi nghệ sĩ piano thể hiện nó đều thêm vào một cái gì của riêng mình, một thứ phụ gia. Như đoạn này này – cậu có nghe thấy tay ấy cấu âm quãng này như thế nào không? Thêm rubato. Điều chỉnh nhịp độ, chuyển gam, bất kỳ. Nếu không, tổng thể sẽ không trụ vững. Tuy nhiên phải rất cẩn thận, kẻo những ngón phụ gia ấy sẽ phá huỷ tính chất của tác phẩm. Như vậy sẽ không còn là Schubert nữa. Mỗi một nghệ sĩ piano chơi bản xô-nát này đều phải vật lộn với nghịch lý ấy.”

Anh lắng nghe tiếng nhạc, âm ư giai điệu rồi nói tiếp:

“Chính vì thế mà mình thích nghe Schubert trong khi lái xe. Như mình đã nói, mọi diễn tấu đều không hoàn hảo. Sự thiếu hoàn hảo, nếu đậm đặc chất nghệ thuật, sẽ kích thích ý thức và giữ cho ta tỉnh táo. Nếu mình nghe một nhạc phẩm kịch kỳ hoàn hảo được diễn tấu một cách cực kỳ hoàn hảo trong khi lái xe, mình sẽ có thể muốn nhắm lại và chết luôn. Nhưng nghe bản Rê trưởng, mình có thể cảm nhận được giới hạn của khả năng con người – rằng một dạng hoàn hảo nào đó chỉ có thể thực hiện được qua một sự tích lũy vô hạn của cái không hoàn hảo. Và riêng mình, mình thấy điều đó đầy khích lệ. Cậu có hiểu ý mình không?”


8. Cậu giỡn tớ đấy hả? Cậu như một thằng nhóc nhát gan, thấy im lặng và bóng tối là sợ mất vía. Cậu sắp lộ rõ bản chất yếu đuối ra trước mắt tớ chăng? Xưa nay cậu vẫn tưởng mình kiên cường, nhưng cháy nhà ra mặt chuột, giờ nom cậu như sắp sửa khóc òa lên. Nhìn kìa, tớ cuộc là cậu sắp tè ra quần rồi!


9. Tất cả vấn đề là ở trí tưởng tượng. Trách nhiệm của chúng ta bắt đầu với khả năng tưởng tượng. Đúng như Yeats nói: Trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ. Đảo ngược lại, ta có thể nói không có khả năng tưởng tượng thì không thể phát sinh trách nhiệm. Đúng như ta thấy ở trường hợp Eichmann.


10. Cậu sợ tưởng tượng. Và thậm chí còn sợ chiêm bao nữa. Sợ hãi trách nhiệm khởi đầu từ giấc mơ. Nhưng cậu phải ngủ và chiêm bao là một bộ phận của giấc ngủ. Khi tỉnh, cậu có thể dẹp được tưởng tượng. Nhưng cậu không thể dẹp được chiêm bao.


11. “Khi một cuộc chiến tranh nổ ra, người ta buộc phải trở thành lính. Họ phải mang súng ra tiền tuyến và phải giết những người lính ở phía bên kia. Giết càng nhiều càng tốt. Không ai cần biết anh có thích giết người khác hay không. Đó là việc anh phải làm, thế thôi. Bằng không, anh sẽ là kẻ bị giết.” Johnnie Walker chĩa ngón tay trỏ vào ngực Nakata. “Đòm!” Y nói. “Lịch sử loài người tóm gọn trong một tiếng.”


12. Khi ta có công tìm kiếm một cái gì thì chẳng mấy khi thấy được. Và khi ra sức trốn chạy một cái gì thì nó thường bắt kịp ta.


13. Hạnh phúc thì chỉ có một loại, nhưng bất hạnh thì đến dưới mọi dạng, mọi cỡ. Như Tolstoy đã nói: hạnh phúc là ngụ ngôn, bất hạnh là chuyện đời.


14. “Mình đã nếm trải đủ mọi kiểu phân biệt đối xử,” Oshima nói. “Chỉ những người đã bị phân biệt đối xử mới thực sự hiểu điều đó đau đớn biết nhường nào. Mỗi người cảm nhận nỗi đau theo cách riêng của mình, mỗi người mang những vết sẹo riêng. Thế nên mình nghĩ là mình khát thèm bình đẳng và công bằng không kém bất kỳ ai. Nhưng điều làm mình ghê tởm hơn nữa là những kẻ không có tí đầu óc tưởng tượng nào. Loại người mà T.S.Eliot gọi là những người rỗng tuếch. Những kẻ lấp đầy khoảng trống vắng trí tưởng tượng bằng những cọng rơm không chút tâm cảm, mà thậm chí chẳng biết mình đang làm gì. Những kẻ chai lì ném vào anh hàng mớ lời chữ rỗng tuếch, ra sức cưỡng bách anh làm những điều anh không muốn. Giống như cái cặp bài trùng khả ái mà chúng ta vừa gặp.”


15. “Cậu Hagita, cậu rất chi là thông minh.”

Hagita cười phá lên. “Đã bảo đây không phải là vấn đề thông minh mà. Tôi chẳng thông minh gì lắm đâu. Tôi chỉ có cách nghĩ riêng của mình thôi. Vì thế người ta ngán tôi. Họ kết tội tôi là luôn luôn nhiễu sự. Hễ anh dùng đầu mình để suy nghĩ là thiên hạ không muốn dây với anh.”


16. Oshima nhìn sâu vào mắt tôi. “Nghe này, Kafka. Những gì em đang trải qua đều là môtíp của nhiều bi kịch Hy Lạp. Con người ta không chọn số phận, mà số phận chọn con người. Đó là thế giới quan cơ bản của kịch Hy Lạp. Và chất bi kịch – theo Aristotle – mỉa mai thay, lại không bắt nguồn từ những nhược điểm của các nhân vật chính, mà từ những phẩm chất tốt của họ. Em có hiểu anh muốn nói gì không? Người ta bị kéo sâu vào bi kịch không phải bởi những khuyết điểm mà bởi những đức tính của mình. Vở Oedipus làm vua của Sophocles là một thí dụ lớn. Oedipus ngụp vào bi kịch không phải vì chàng lười biếng hay ngu ngốc, mà chính vì lòng dũng cảm và trung thực của chàng. Từ đó nảy ra một chất mỉa mai tất yếu.”

“Vậy là tình thế không lối thoát.”

“Cái đó còn tùy,” Oshima nói. “Đôi khi là thế đấy. Nhưng sự mỉa mai làm cho con người sâu sắc hơn, giúp họ trưởng thành. Đó là cửa vào sự cứu rỗi ở một bình diện cao hơn, vào một nơi ta có thể tìm thấy một thứ hy vọng phổ quát hơn. Vì thế ngay cả bây giờ, người ta vẫn thích đọc bi kịch Hy Lạp, vì thế mà nó vẫn được coi là kinh điển mẫu gốc. Mình đang tự lặp lại, nhưng quả vậy, mọi thứ trên đời đều là ẩn dụ. Thực tế, người ta không giết cha mình và ngủ với mẹ mình, phải không nào? Nói cách khác, chúng ta chấp nhận sự mỉa mai thông qua một thủ pháp gọi là ẩn dụ. Và qua đó, chúng ta trưởng thành và trở nên những con người sâu sắc hơn.”


17. Cậu ghen với gã trai hai mươi tuổi tội nghiệp bị tưởng nhầm là một kẻ khác, do đó bị giết uổng vào thời kỳ… ba mươi năm trước đây, phải không nhỉ? Ghen điên cuồng đến phát đau. Đây là lần đầu tiên trong đời, cậu ghen. Giờ thì cậu biết thế nào là một cơn ghen. Nó như một đám cháy rừng thiêu đốt tim ta.

Cả đời, cậu chưa bao giờ ghen tị ai hoặc muốn được như ai – nhưng giờ đây thì cậu thèm muốn địa vị của gã trai ấy hơn hết thảy. Thậm chí, dù biết là năm hai mươi tuổi, gã đã bị nện vào đầu bằng một cái ống sắt rồi đánh đến chết, cậu vẫn sẵn sàng đánh đổi số phận với gã. Cậu bằng lòng làm vậy để có thể yêu Saeki trong năm năm còn lại của đời mình. Và được nàng yêu với tất cả tấm lòng. Được tha hồ ôm nàng trong tay bao lâu tùy thích, hết ngày này sang ngày khác. Được vuốt ve nàng và để nàng cũng làm như thế đối với cậu. Và để sau khi cậu chết, mối tình ấy sẽ trở thành một câu chuyện được khắc ghi mãi mãi trong tim nàng. Từng đêm, từng đêm, nàng sẽ yêu cậu trong kỷ niệm.

Phải, cậu đang ở trong một tình huống kỳ lạ. Cậu yêu một cô gái không còn tồn tại và ghen với một chàng trai đã vĩnh viễn ra đi. Mặc dù thế, niềm xúc cảm đang xâm chiếm con tim cậu lại thực hơn, đau đớn hơn bất cứ những gì cậu từng trải nghiệm trước đây. Và không có một lối thoát nào. Không có cơ may nào tìm được đường ra. Cậu đã lạc vào một mê cung của thời gian và điều rắc rối nhất là cậu tuyệt nhiên không mong muốn ra khỏi đó. Có đúng thế không?


18. Đại tá Sanders tặc lưỡi nói. “Sự thiên khải vượt qua giới hạn của cái thường nhật. Đời mà không có thiên khải thì còn ra cái gì. Điều quan trọng là phải chuyển từ lý trí quan sát sang lý trí hành động. Cái đó có tính chất quyết định. Cậu có hiểu ta đang nói cái gì không, đồ đầu lừa?”

“Sự phóng chiếu và hoán đổi giữa bản ngã và khách thể… phải không?” Hoshino rụt rè nói.


19. Trách nhiệm của mày bắt đầu từ đâu? Gạt lớp sương mù che mắt mày, mày ráng sức níu lấy thực tại. Mày cố xác định hướng của dòng chảy ấy để bám trụ vào trục thời gian. Nhưng mày không thể định vị được ranh giới phân cách thực với mộng, hoặc thậm chí ranh giới giữa cái gì là thực và cái gì là khả thể. Điều duy nhất mày biết chắc là mày đang ở một thế khó xử. Khó xử và nguy hiểm. Mày bị cuốn đi thành một bộ phận của nó, không thể nắm chắc những nguyên lý của tiên tri hoặc của lô gích. Như khi một dòng sông tràn bờ, làm ngập lụt một thành phố, tất cả các biển báo giao thông đều chìm dưới những con sóng. Và ta chỉ còn trông thấy phần mái vô danh của những ngôi nhà bị lấp chìm.


20. Oshima im lặng một lúc, nheo mắt nhìn ra cánh rừng. Chim chóc thoăn thoắt chuyền cành. Anh chắp hai tay sau đầu. “Mình hiểu tình cảm của cậu,” cuối cùng, anh nói. “Nhưng đây là một điều cậu phải tự nghĩ ra. Không ai có thể giúp cậu. Đó là cái đặc biệt của tình yêu, Kafka ạ. Cậu là kẻ có được những cảm giác tuyệt vời ấy, nhưng cậu phải một mình lặn lội qua đêm tối. Cả tinh thần và thể xác cậu phải chịu đựng điều đó. Hoàn toàn đơn độc.”


21. Bà ấy khác xa mày. Bà đã vượt qua đủ mọi trở ngại, mà đâu phải là trở ngại bình thường. Bà am tường đủ mọi điều mà mày chẳng hay biết mảy may, bà đã trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc mà mày chưa bao giờ cảm thấy. Càng sống lâu, con người càng học được cách phân biệt cái quan trọng với cái thông phàm. Bà đã phải đưa ra nhiều quyết định gay go và đã thấy kết quả do những quyết định đó mang lại. Thêm một điểm nữa khác xa mày. Mày chỉ là một đứa trẻ sống trong một thế giới chật hẹp và rất ít trải nghiệm. Mày khổ luyện để trở nên khỏe hơn và trong chừng mực nào đó, mày đã thành công. Đó là một thực tế. Nhưng bây giờ, mày đang ở một thế giới mới, trong một tình huống chưa từng biết đến. Đó là điều hoàn toàn mới đối với mày, cho nên đương nhiên là mày cảm thấy bối rối.


22. Thời gian đè nặng lên mày như một giấc mơ cũ, lập lờ nước đôi. Mày tiếp tục di chuyển, cố tìm cách lách qua nó. Nhưng dù mày có đi đến cuối đất cùng trời, mày cũng không thể thoát khỏi nó. Tuy nhiên, mày vẫn phải đi đến đó – đến rìa của thế giới. Có một điều mày không cách chi làm được, trừ phi mày đến đó.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button