10 sách dựa trên những câu chuyện có thật bạn không nên bỏ lỡ trong đời

10 cuốn sách dựa trên chuyện có thật giúp bạn đọc hiểu và đắm chìm vào những câu chuyện hấp dẫn, thú vị, thậm chí nguy hiểm về cuộc sống của những con người có thật.

Đi Tìm Lẽ Sống

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Được Học – Educated

Được Học – Educated

Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.

Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?

Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sĩ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.

Danh Sách Của Schindler

Danh Sách Của Schindler

Dưới cái bóng đáng sợ của những trại hủy diệt trong Thế chiến thứ hai, có một doanh nhân người Đức đã trở thành sự cứu rỗi của người Do Thái. Oskar Schindler, gã ham vui không phải là hình mẫu lý tưởng, cũng là người đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ các chủng tộc khác, những người sẽ bị diệt vong nếu không có ông ta. 

Danh sách của Schindler đã kể một câu chuyện có thật khác thường như vậy, một câu chuyện tự nó đã có thể làm người đọc choáng váng mà không cần đến một phương tiện văn chương cầu kỳ nào. Nó có thể làm ta khóc, như bộ phim kinh điển dựng từ chính nó của Steven Spielberg đã làm cho hàng triệu người khóc, nhưng trên hết nó làm ta hiểu hơn về những gì đã xảy ra, những sự kiện, những con số, những chân dung chi tiết hơn của cả nạn nhân, thủ phạm và người cứu nạn.

Holocaust là một chương lịch sử kinh hoàng gần như nằm ngoài tưởng tượng của loài người tỉnh táo. Nhưng những câu chuyện như Bản danh sách của Schindler chính là tia hy vọng trấn an, rằng ngay cả trong hố sâu tuyệt vọng nhất của lịch sử vẫn luôn có một cá nhân nào đó nhận ra và dám làm điều đúng đắn, rằng nhân tính sẽ thắng dù cho có bị thử thách khốc liệt ra sao.

12 Năm Nô Lệ

12 Năm Nô Lệ

12 năm nô lệ – câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853. Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng chắc chắn là ngàn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ đi theo trật tự tuyến tính thông thường; những lời kể – dẫu được một nô lệ có ăn học đàng hoàng cất lên – cũng không lấy gì làm cầu kì, hoa mĩ, trái lại, rất mộc mạc và lắm lúc “dông dài” như cái lối truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện đẹp vì lẽ khác, vì tâm ý sao mà chân thành, xúc cảm sao mà thống thiết khiến ta những muốn khóc cười theo.

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.

Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.

Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.

Căn Phòng Khóa – Emma Donoghue

Căn Phòng Khóa – Emma Donoghue

“Căn Phòng Khóa” là một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật từng gây rúng động thế giới về một người đàn ông ở Áo đã từng bắt cóc, giam cầm và làm hại chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con.

Jack, cậu bé 5 tuổi được sinh ra và lớn lên trong một căn phòng bị khóa kín cùng với mẹ. Jack tuy nhỏ bé, tinh nghịch nhưng rất thông minh và mạnh mẽ. Ở trong căn phòng không lối thoát, nạn nhân của cuộc bắt cóc – mẹ Jack, dù phải đối mặt với bạo hành, làm hại… từng ngày, vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng cho con. Và, để đeo đuổi giấc mơ đào thoát.

Chìa khóa của giấc mơ ấy, là một kế hoạch liều lĩnh. Bằng lối kể chuyện thông qua lăng kính của một đứa trẻ khác thường, do chỉ được giáo dục trong môi trường đóng kín là căn phòng, tác giả Emma Donoghue đã đưa người đọc vào một hành trình hấp dẫn, li kì và hồi hộp đến nghẹt thở. Bạn đọc được đưa vào căn phòng của hai mẹ con để thấy thế giới trong đó không chỉ giới hạn trong những thông số mét vuông mà mở ra bất tận bằng ngôn từ của người mẹ, bằng khả năng tưởng tượng của người con.

Nhật Ký Che Guevara

Nhật Ký Che Guevara

Đây không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado.

Cuộc hành trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh. Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại – Che!

Vào Trong Hoang Dã

Vào Trong Hoang Dã

Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…

Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ.

Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.

Nhật Ký Anne Frank

Nhật Ký Anne Frank

Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.

Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.

Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Lâu Đài Thủy Tinh

Lâu Đài Thủy Tinh

Lâu đài thủy tinh là một cuốn hồi ký đặc biệt về một gia đình khác thường, mạnh mẽ và độc nhất vô nhị. Khi tỉnh táo, cha của Jeannette là một người tuyệt vời đầy thu hút giúp trí tưởng tượng của các con mình bay bổng, dạy cho các con vật lí, địa chất, và cách đối diện với cuộc sống không chút sợ hãi. Nhưng khi say xỉn thì ông lại quậy phá và không trung thực. Mẹ cô là người phụ nữ yêu thích tự do ghét cay ghét đắng cuộc sống thường nhật theo khuôn khổ và không muốn gánh nặng nuôi dưỡng gia đình.

Những đứa trẻ nhà Walls phải học cách tự chăm sóc bản thân. Chúng tự mặc quần áo, tự tìm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau, và cuối cùng tìm được đường lên New York. Cha mẹ chúng đi theo các con, nhưng lại chọn cuộc sống vô gia cư trong khi các con mình làm ăn khấm khá.

Lâu đài thủy tinh thật sự đáng kinh ngạc – một cuốn hồi ký tràn ngập tình yêu của một gia đình lạ lùng nhưng chung thủy.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button