8 sách hay về mùa xuân tràn đầy niềm vui và cảm xúc

8 cuốn sách hay về mùa xuân sẽ giúp bạn trân trọng và tận hưởng mùa xuân tươi đẹp.

Chuyện Kể Tối Mùa Xuân

Chuyện Kể Tối Mùa Xuân

Bé có biết:

  • Mùa xuân, trời ấm áp, muôn hoa đua nở… Những chú chim, ong, bướm rập rờn khắp muôn nơi… Vì thế mùa xuân thường được ví như cô gái xinh đẹp vậy!
  • Mùa xuân cũng có những ngày mưa phùn ẩm ướt. Mưa rơi nhè nhẹ cùng với khí trời ấm áp giúp cây cối đâm chồi nảy lộc.
  • Mùa xuân, có Tết cổ truyền. Vào ngày Tết, bé được mặc quần áo đẹp, đi chúc Tết ông bà và họ hàng, phải không nào?
  • Mùa xuân còn có nhiều lễ hội. Bé đã được tham gia lễ hội nào chưa nhỉ? Hãy hỏi bố mẹ về những lễ hội này, và khi có dịp, bé hãy tới tham dự xem nhé! Các lễ hội đều rất vui đấy!

Còn bây giờ, hãy cùng đọc những mẩu chuyện ấm áp như mùa xuân trong cuốn sách này nhé.

Nature Stories – Câu Chuyện Của Thiên Nhiên – Mùa Xuân – Vạn Vật Sinh Sôi

Nature Stories – Câu Chuyện Của Thiên Nhiên – Mùa Xuân – Vạn Vật Sinh Sôi

Vì hành tinh của chúng ta quay quanh mặt trời nên mỗi năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân ấm áp, mùa hè nóng bức, mùa thu se lạnh và mùa đông lạnh giá; vạn vật sinh sôi nảy nở theo bốn mùa, theo quy luật của vũ trụ, của tự nhiên, dần dần sinh ra một thế giới tự nhiên kỳ vĩ.

Bộ sách Câu chuyện của thiên nhiên gồm bốn cuốn là Mùa xuân – Vạn vật sinh sôi, Mùa hạ – Vạn vật bừng sức sống, Mùa thu – Vạn vật trưởng thành và Mùa đông – Vạn vật say ngủ.

Bộ sách được biên soạn dựa theo sở thích và khả năng nhận biết của các em nhỏ từ ba đến sáu tuổi. Bằng hình thức kể chuyện ngắn gọn súc tích, hình ảnh sinh động, tranh vẽ đẹp mắt, bộ sách sẽ đưa các em nhỏ bước vào thế giới tự nhiên, cảm nhận sự thay đổi của vạn vật, tìm hiểu, phát hiện và nhận biết cây cối, hoa cỏ, muông thú xung quanh.

Khu Vườn Bí Mật

Khu Vườn Bí Mật

Khu Vườn Bí Mật kể một câu chuyện về khu vườn bị khóa kín suốt 10 năm trời, cho đến khi được Mary, Colin, Dickon đánh thức và hồi sinh với tình yêu và sự chăm sóc thân thiện.

Khu vườn sống lại cùng với những thay đổi của những người xung quanh. Mary không còn là một tiểu thư ngang ngược. Colin rũ bỏ những tuyệt vọng về sức khỏe để tự hào tuyên bố “sẽ sống mãi”. Và như thế, trang viên sáng bừng sức sống con trẻ bởi tình yêu cuộc sống.

Đúng Là Tết

Đúng Là Tết

“Đúng là Tết” giống như một bài đồng dao, với lượng ngôn ngữ không lớn phù hợp với các bé. Thể thơ ba chữ theo nhịp điệu tươi vui dễ đọc dễ thuộc, giúp bé ngân nga cả ngày. Vui làm sao giọng bé oanh vàng đọc thơ vang nhà trong mỗi ngày Xuân.

“Chúc ông, bà

Nhiều sức khỏe

“Chúc ba mẹ

Vui tuổi già”

“Chúc cháu bà

Mau chóng lớn”

Thông qua “Đúng là Tết” bé cũng sẽ biết thêm nhiều phong tục của quê hương mình vào ngày Tết cổ truyền. Bé được học về yêu thương và chia sẻ thông qua sự quan tâm của từng câu chào lời chúc. Bé học được niềm vui thông qua các công việc chuẩn bị đón Xuân.

Và không thể “Đúng là Tết” nếu thiếu đi những bức tranh màu tươi vui, tràn đầy hạnh phúc. Một món quà mừng tuổi ý nghĩa – trọn vẹn Mùa Xuân.

Khoảnh Khắc Mùa Xuân

Khoảnh Khắc Mùa Xuân

Khoảnh Khắc Mùa Xuân là những trang tùy bút ghi lại những cảm xúc, hồi ức khi xuân về tết đến của chính người viết với nhiều cung bậc khác nhau: là niềm vui được sum họp, được vui vầy, được gặp lại tuổi thơ, được quay về ký ức, được đắm mình trong cảm giác thỏa thê tận hưởng sắc màu, hương vị những ngày tết cổ truyền, là nỗi nhớ khắc khoải của đứa con xa quê, xa xứ, là niềm vui chưa trọn khi cạnh lòng nghĩ đến những phận dời chưa chạm được làn gió ấm của mùa xuân…

Hòa cùng những cảm xúc của người viết chúng ta như thấy mình ở đâu đó trên mỗi trang văn, những hồi ức xa xưa… bất chợt ùa về mang đến cho mỗi chúng ta những nguồn cảm xúc mới để chào đón một mùa xuân mới.

Câu Chuyện Của Khu Vườn Mùa Xuân

Câu Chuyện Của Khu Vườn Mùa Xuân

Cuốn sách nhỏ bé – Câu chuyện của khu vườn mùa xuân – đã được tạo ra trong lúc tâm trí tôi đang tĩnh tại, thoát thực và thư giãn nhất.

Vào mùa xuân năm 2013, hai vợ chồng tôi thuê một căn hộ nhỏ và yên tĩnh gần Công Viên Trung Tâm ở New York và sống tại đó trong vòng một tháng. Lúc ấy, cô con gái Ngân Kiều của tôi, đồng thời cũng là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Anh, đang theo học tại Đại học Columbia. Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi đều hạnh phúc ngồi chờ con về cùng ăn cơm tối.

Quãng thời gian tôi sống cùng chồng và con gái trong căn hộ nhỏ, yên tĩnh gần Công Viên Trung Tâm ở New York vào mùa xuân năm 2013, giống như một kỳ nghỉ vậy. Tôi lắng nghe những bông hoa cựa mình hé cánh, ngắm nhìn đàn bướm thong thả khiêu vũ. Tôi giành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Chao, đó quả là một mùa xuân huyền ảo, giản dị và đầy hứng khởi!

Vào một buổi sáng, bên ngoài trời đang mưa, tôi ngồi trong căn hộ của mình và lắng nghe tiếng mưa gõ vào cửa sổ. Một chú bồ câu bé nhỏ ướt sũng đậu xuống mái hiên cửa sổ để tránh mưa. Từ cổ họng chú phát ra những tiếng “gù gù” đầy biểu cảm, giống như những tiếng thở dài. Theo một cách nào đó, tôi đã bị tác động bởi cảnh tượng ấy hệt như một đứa trẻ. Đến chiều khi trời đã quang mây, tôi dạo bước một mình trong Công Viên Trung Tâm. Tôi tản bộ xuyên qua khu rừng rậm rạp và nhìn ngắm bầu trời đầy mây khi đó.

Tôi nhón chân bước khẽ khàng dọc theo một con đường trải đầy cánh hoa, và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành… Khi đã đi được một quãng khá xa, tôi bỗng bắt gặp ánh nhìn lướt qua của một bà mẹ trẻ cùng bé gái mang đôi hài đỏ chưa đầy ba tuổi của chị.

Kỷ niệm về buổi chiều mùa xuân trong Công Viên Trung Tâm năm đó vẫn cứ vương vấn mãi trong tâm trí tôi, như thể nó cứ phai nhạt đi rồi lại bừng lên tươi mới. Trước sự tĩnh lặng vô giá của thế gian này, tôi không bao giờ có thể cầm được nước mắt.

Vào bữa tối ngày hôm đó, tôi đã chia sẻ trải nghiệm tuyệt vời này với Ngân Kiều bởi trước nay cháu vẫn luôn là người hiểu tôi sâu sắc. Cháu liền kể cho tôi về cái lần một chú sóc con đã cù vào cánh tay cháu để xin miếng bim bim. Cháu cũng kể rằng cháu có cảm giác như rất nhiều sinh vật nhỏ bé xung quanh – những chú cún con, mèo con, và những chú chim… – đang nói chuyện với cháu. Những cuộc “trò chuyện” với động vật ấy của con gái đã làm dấy lên trong tôi một niềm cảm hứng.

Tôi đã giữ lại một cuốn Câu chuyện của khu vườn mùa xuân trong lần xuất bản đầu tiên với tất cả sự trân quý. Một ngày nào đó, tôi muốn truyền lại cho các cháu của mình câu chuyện này, muốn được quan sát chúng chìm đắm trong văn thơ cùng những cảm xúc về cái đẹp và sự bình an. Âm nhạc, nghệ thuật, và văn học là những đôi cánh giúp tâm hồn ta được bay bổng. Và tôi tin rằng, những độc giả đã biết yêu những áng văn đẹp và tao nhã ngay từ nhỏ thì khi lớn lên, họ sẽ luôn thiên về lối suy nghĩ giàu đạo đức và sẽ có cuộc sống hạnh phúc, tươi sáng.

Lời tác giả

Organ Mùa Xuân

Organ Mùa Xuân

Kiriki Tomomi bước vào kỳ nghỉ xuân trước khi lên cấp 2 với nhiều khúc mắc. Bố mẹ đã ly thân do cuộc chiến triền miên với gia đình hàng xóm. Bà nội qua đời mới đây khiến cô bé chìm đắm vào sầu muộn và những giấc mộng lạ lùng. Ở nhà cả ngày chỉ có ông nội luôn lủi thủi với những việc riêng và cậu em Tetsu còn nhỏ nhưng ương bướng. Thế nên khi Tetsu bắt đầu rời khỏi nhà lang thang khắp thành phố với một sứ mệnh kỳ lạ: tìm mèo ốm, Tomomi liền đi theo bảo vệ

Những cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ trong thành phố đã khiến Tomomi vụt thay đổi, cô hiểu hơn những người xung quanh, hiểu hơn chính mình. Và, cuốn sách đã như một cung đàn trong trẻo, đẫm dư vị mát lành và chơi vơi của mùa xuân, cho người đọc đắm chìm vào muôn vàn cảm xúc ngây thơ, để khi tỉnh lại sực nhận ra, lá đã xanh, hạ đã sang, và cô bé con kia đã lớn tự lúc nào.

Phong Vị Xuân Xưa – Ngày Xuân Xem Sách Biết Việc Cổ Kim

Phong Vị Xuân Xưa – Ngày Xuân Xem Sách Biết Việc Cổ Kim

Phong vị xuân xưa do nhãn sách Văn sử tinh hoa thuộc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) phát hành được nhóm sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945. Với tiêu chí hay, độc, lạ, các tác giả đã lựa chọn kĩ càng từ nhiều nguồn tài liệu dường như đã phủ một lớp bụi thời gian, dường như đã ngủ yên trong một thời gian tương đối dài, nay chợt bừng tỉnh. Hàng loạt những cây bút quen thuộc, nổi tiếng trong giai đoạn thời Pháp thuộc được kể ra trong cuốn sách như: Lê Tràng Kiều, Lã Xuân Choát, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị, Từ Ô Trần Văn Giáp và họa sĩ danh tiếng Tô Ngọc Vân.

Bố cục sách chia làm 3 phần: Phần I: Lai rai chén rượu ngày xuân: Là tuyển tập những bài viết giải thích về Tết, câu chuyện ăn Tết, vui Tết và câu đối Tết. Phần II: Cảm tết: Là những bài viết tập trung vào những cảm nhận, thái độ trước mùa Xuân, thời cuộc, những dòng suy nghĩ của trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân. Phần III cuốn sách có tiêu đề: Mùa xuân, lịch sử văn hóa là tập hợp một số bài viết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh thời Pháp thuộc đã nói chuyện trong các buổi sinh hoạt của Hội Trí tri và trong giai phẩm của những năm trước cách mạng. Phần phụ lục của sách là những bài văn khấn: văn khấn Tết ông Táo, văn khấn lễ Nguyên đán, Văn khấn mùng 4 tiễn ông vải đăng trong một cuốn sách in năm 1924, với nội dung rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành.

Điểm độc đáo của cuốn sách trước hết là nội dung độc đáo và lạ. Trên tinh thần tìm lại những tài liệu cách nay trên 50 năm, nhóm biên soạn đã tuyển chọn ra những bài viết gần như ít được biết đến, kể cả với giới nghiên cứu và những bạn đọc kĩ tính. Bên cạnh những bài thơ, bài viết về Tết lạ đó, bạn đọc sẽ đến với bài viết lịch sử nhưng pha lẫn chất văn chương của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm về vua Quang Trung trong mồng 5 Tết ở Bắc Hà; bài viết tế di tích văn hóa của người Chiêm ở Bắc Kì của Trần Văn Giáp vừa lạ, vừa hay, ở chỗ đây gần như là một trong những bài viết nền tảng đầu tiên của giới nghiên cứu người Việt khi viết về mối quan hệ lịch sử giữa người Việt và Chăm trên đất Bắc Kì mà gần như những công trình nghiên cứu về sau thường luôn nhắc đến. Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị – một thành viên của hội Trí tri, là một kiến trúc sư tốt nghiệp tại Pháp có 02 bài nói về lễ tế Nam Giao và mĩ thuật nước Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa và Tây Âu. Cùng đề tài mĩ thuật, bài viết của Tô Ngọc Vân kể về buổi đầu thi vào trường Mĩ thuật Đông Dương của các họa sĩ khóa I như thế nào. Tô Ngọc Vân kể câu chuyện họa sĩ Thang Trần Phềnh khi vào thi trông như một giáo sư vào dạy nhưng kết quả lại bị đánh trượt…

Cùng với những bài viết hay, đọc, lạ đó, cuốn sách còn sưu tầm những hình ảnh độc, lạ trên báo, chí những năm trước 1945. Trang bìa là tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong một Giai phẩm in năm 1945 mà đến nay nhiều người xem còn ngỡ ngàng không nghĩ rằng Nguyễn Gia Trí còn một bức tranh như thế.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button