15 sách hay về Nhật Bản giúp người đọc hiểu sâu hơn về đất nước này

15 cuốn sách hay về Nhật Bản này cung cấp cho người đọc những hiểu biết toàn diện về lịch sử, văn hóa, con người, kinh tế, chính trị, xã hội… của đất nước Nhật Bản.

Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản

Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản

Võ sĩ đạo là luật bất thành văn kiểm soát cuộc sống và sinh hoạt của các võ sĩ, chiến binh, các nhà quý tộc Nhật Bản (samurai, hay vệ sĩ của lãnh chúa).. Các samurai học võ thuật, hết lòng vì lãnh chúa, không màng đến cái chết và đau đớn.

Tinh thần võ sĩ đạo là tinh thần dân tộc của đất nước, là di sản quốc gia lâu đời đã giúp Nhật Bản trở thành lực lượng quân sự hùng mạnh của châu Á từ cuối những năm 1800 và là một cường quốc kinh tế. Tiến sĩ Inazo Nitobe, tác giả của Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản, là người đầu tiên đưa tinh thần samurai ra thế giới.

Cuốn sách này thực sự thú vị vì nó dạy Thần đạo Nhật Bản theo những cách đơn giản. Tác giả sử dụng các ví dụ có thể so sánh từ lịch sử và văn học châu Âu để thể hiện quan điểm của mình. Cuốn sách đã giải thích và tiếp tục giải thích lý do tại sao những thái độ và hành vi nhất định lại phổ biến ở Nhật Bản đối với cả người Nhật và người phương Tây.

Bộ Ba Xuất Chúng Nhật Bản

Bộ Ba Xuất Chúng Nhật Bản

Matsushita Konosuke, Honda Soichiro và Inamori Kazuo là những con người có xuất thân bình thường, nếu không muốn là nghèo khó trong xã hội Nhật Bản. Matsushita là con nhà nông dân, Honda có cha là thợ rèn, còn Inamori là con thợ in. Nhưng họ đã không ngừng thách thức những giới hạn, vượt qua mọi trở ngại để xây dựng nên những công ty thành công nhất trong tại Nhật Bản, đó là Tập đoàn Matsushita, Tập đoàn Honda và Tập đoàn Kyocera. Bài học mà người ta có thể rút ra từ ba vị doanh nhân huyền thoại của nước Nhật là gì? Đó là xuất thân chỉ là điều kiện, không phải cơ hội.

Người có xuất thân cao quý, giàu sang chưa chắc có thể làm nên sự nghiệp lớn. Ngược lại, nếu có lòng quyết tâm, khát khao học hỏi và một trái tim rộng mở, thì chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ tương lai của mình và trở nên vĩ đại. Sẽ thế nào nếu Matsushita Konosuke chịu an phận làm nhân viên cho một cửa hàng xe đạp tại Osaka? Ngành công nghiệp xe máy và xe hơi Nhật sẽ ra sao nếu Honda Soichiro chỉ mãi ở lại quê nhà tại Shizuoka? Và nếu Inamori Kazuo cứ mãi tự ti vì mình chỉ là một cậu học trò trường tỉnh, thì liệu có một Tập đoàn Kyocera lừng lẫy như ngày nay?

Với lối kể chuyện hấp dẫn và luôn đưa ra những bài học đúc kết sau mỗi chương, cuốn sách Bộ ba xuất chúng Nhật Bản sẽ giúp bạn đọc nhìn lại hành trình cuộc đời của những bậc doanh nhân được cả thế giới trọng vọng – Matsushita Konosuke, Honda Soichiro và Inamori Kazuo. Bạn sẽ học thêm được nhiều bài học về tinh thần và triết lý kinh doanh của người Nhật từ cuộc đời và thành tựu của ba vị doanh nhân này.

Cẩm Nang Du Lịch Nhật Bản

Cẩm Nang Du Lịch Nhật Bản

Cuốn cẩm nang này sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Nhật Bản với hàng loạt thông tin thực tiễn và gợi ý từ các chuyên gia.

  • Phần Giới thiệu đất nước Nhật Bản sẽ vẽ ra cho bạn một hình dung về nước Nhật gắn với bối cảnh lịch sử và văn hóa.
  • Tiếp theo, các phần về Tokyo và 8 vùng địa lí sẽ miêu tả cụ thể các điểm tham quan quan trọng kèm bản đồ, hình ảnh và tranh minh họa.
  • Hướng dẫn về nhà hàng và khách sạn nằm ở phần Hành trang du khách, cùng với nhiều lời khuyên chung về các loại hình nhà nghỉ và ẩm thực Nhật Bản.
  • Phần Những điều cần biết cung cấp nhiều thông tin thiết thực về mọi vấn đề, từ giao thông cho tới các phép tắc cư xử, xã giao.

Nhật Bản Duy Tân 30 Năm

Nhật Bản Duy Tân 30 Năm

Cuốn Nhật Bản Duy Tân 30 Năm của tác giả Đào Trinh Nhất có thể được xem như một cuốn cẩm nang sử học dành cho những ai muốn tìm hiểu về Chính trị – Xã hội, đặc biệt đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, nhất là giai đoạn mà Nhật Bản thực hiện công cuộc duy tân.

Nhật Bản duy tân 30 năm sẽ giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Đâu là công cuộc duy tân ở Nhật Bản? Sự lột xác thần kỳ của Nhật Bản phải chăng là do may mắn? Nhật Bản đã làm những gì để có những thay đổi ngoạn mục, trở thành biểu tượng cho cả thế giới? Liệu rằng chúng ta có học hỏi được gì từ bài học duy tân của Nhật Bản hay không?

Cuốn sách văn học sử Nhật Bản này sẽ cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn về một cường quốc nhỏ bé về địa lý nhưng đã đạt được những thành tựu thần kỳ về văn hóa – chính trị – xã hội.

Tinh Tế Ẩm Thực Nhật Bản

Tinh Tế Ẩm Thực Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản sử dụng nguyên liệu và gia vị để chế biến món ăn theo một phong cách rất riêng. Họ không quá lạm dụng nhiều gia vị khi nấu ăn mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn cũng như tính dinh dưỡng của nó. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Cách trình bày các món ăn đặc biết rất độc đáo, đẹp mắt, mang tính nghệ thuật cao dễ dàng kích thích sự thèm ăn của mọi người. Tất cả điều đó tạo nên sự tinh tế và nét đặc trưng rất riêng cho nền ẩm thực của đất nước mặt trời mọc này.

65 món ăn Nhật tươi ngon và bổ dưỡng sẽ được giới thiệu đến bạn đọc bởi đầu bếp dày dạn kinh nghiệm Phạm Vương Sơn. Chắc hẳn những tín đồ của ẩm thực Nhật Bản sẽ không thể bỏ lỡ!

Lược Sử Phát Triển Dân Quyền Nhật Bản

Lược Sử Phát Triển Dân Quyền Nhật Bản

Bản dịch tiếng Việt cuốn “Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản” dựa theo bản tiếng Nhật do Uehara Etsujirō biên soạn, Seikyusha xuất bản tại Tokyo năm 1916.

Uehara Etsujirō (1877 – 1962) là một chính trị gia người Nhật Bản. Ông viết cuốn sách này những mong độc giả sẽ thấy được khái lược sự phát triển của nền hiến chính Nhật Bản (tức sự phát triển dân quyền Nhật Bản).

Hầu hết sử gia và nhà hiến pháp Nhật Bản đều chủ trương sự ra đời của chính thể lập hiến Nhật Bản không phải xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, mà xuất phát từ chính phủ. Trong số quốc dân cũng không ít người đồng thuận với chủ trương ấy. Theo Uehara Etsujirō, đó là tư duy sai lầm do không khảo xét kỹ càng sự thực lịch sử, cũng như không thấu hiểu rõ nhân tình thế thái. Chính thể lập hiến của Nhật Bản được ra đời không phải nhờ chính phủ, mà là từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được..

Văn Học Nhật Bản – Vẻ Đẹp Mong Manh Và Bất Tận

Văn Học Nhật Bản – Vẻ Đẹp Mong Manh Và Bất Tận

Từ rất xa xưa, từ khởi nguyên của văn chương với waka và thần thoại, người Nhật Bản đã ký thác vào nghệ thuật ngôn từ tư tưởng về cái vẻ đẹp và bản chất vô thường của thế giới. Cho nên văn chương Nhật Bản từ khởi thủy đã nói lên vấn đề cốt lõi về thân phận con người, đã có tính hiện thực ở tầm vóc nhân loại và đặc biệt là có giá trị thẩm mỹ cao.

Bên cạnh đó, vì cái đẹp trong văn chương Nhật Bản gắn với sự vô thường của thế giới, sự mong manh của kiếp người nên thường phảng phất nét buồn và tâm thái trầm tư. Đó là một đặc trưng quan trọng tồn tại xuyên suốt tiến trình lâu dài của lịch sử văn học Nhật Bản.

Đặc trưng này biểu hiện ở nhiều sắc độ khác nhau trong nhiều giai đoạn, nhiều loại hình văn chương từ waka truyền thống, truyện Genji đến những sáng tác của nhiều nhà văn hiện đại và đương đại.

Nhà Văn Nhật Bản Thế Kỷ XX

Nhà Văn Nhật Bản Thế Kỷ XX

Thế kỷ XX, văn học Nhật Bản nở rộ nhiều tài năng và đạt được những tầm cao mới không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới.

Đây là một nền văn học có truyền thống lâu đời. Nhiều thế hệ nhà văn kế tiếp nhau đã tạo nên một diện mạo văn chương Nhật Bản đặc thù. Học hỏi phương Tây mà không đánh mất bản sắc là một trong những tiêu chí sống còn để cách tân văn chương, người Nhật đã làm rất tốt điều này so với phần còn lại của thế giới.

Trong ý thức xây dựng một bộ mặt văn chương mang tầm cỡ nhân loại, người Nhật rất xem trọng việc phổ biến văn học Nhật ra thế giới. Không chỉ các nhà văn Nhật sống và làm việc ở nước ngoài đảm nhận nhiệm vụ này, mà chính phủ Nhật cũng đầu tư thích đáng để đưa các tác phẩm tiêu biểu của họ đến với bạn đọc năm châu.

Có thể nói, hầu hết những tác phẩm xuất sắc của Nhật đều được chuyển dịch sang tiếng Anh, thứ ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu. Nhiều tác phẩm văn học Nhật được dịch ra tiếng Việt cũng từ tiếng Anh. Người Nhật đã có sự kế thừa và phấn đấu vì một nền văn chương Nhật bền bỉ và liên tục. Đầu thế kỷ XX, ta thấy nổi lên Tanizaki, Akutagawa, giữa thế kỷ là Kawabata, Mishima, Oe; cuối thế kỷ là Murakami Haruki, Banana Yoshimoto, Murakami Ryu,… những nhà văn này lại tiếp tục tỏa sáng sang thế kỷ XXI..

Văn Hóa Nhật Bản: Từ Vựng, Phong Tục, Quan Niệm

Văn Hóa Nhật Bản: Từ Vựng, Phong Tục, Quan Niệm

Nói đến văn hóa là nói đến một lĩnh vực vô cùng rộng lớn. Những gì được cho là yếu tố cấu thành một nền văn hóa? Và những gì không được tính vào đó? Có vô vàn cách tiếp cận về vấn đề này, vô vàn những cửa ngõ đi vào tương ứng với sự rộng lớn của nó. Có cách tiếp cận hàn lâm, dựa trên các hệ hình lý thuyết hoặc xây dựng nên những lý thuyết; cũng như có những cách đơn thuần là liệt kê, mô tả, mang đến một cái nhìn tổng quan; có cách theo con đường đưa ra những biểu tượng tinh hoa để cô đọng lại một nền văn hóa..

Điều này đặc biệt thấy rõ trong những nẻo vào phám phá văn hóa Nhật Bản – một nền văn hóa đặc sắc, hấp dẫn ngay từ những biểu tượng bề ngoài đến những tầng sâu bên trong. Nó dẫn ta đến những mối liên tưởng quen thuộc: Hoa anh đào, núi Phú Sĩ, Sumo, Võ sĩ đạo… nhưng nó cũng có thể khiến ta bối rối trước sự mênh mông phong phú của vô vàn của những yếu tố khác. Nó mở ra nhiều cánh cửa khác nhau, mời gọi và cũng thách thức ta bước vào, khám phá.

Một cuốn sách không nặng màu sắc học thuật, nhưng qua những câu chuyện nhẹ nhàng, thú vị, ta có thể học được cách tiếp cận một nền văn hóa cực kỳ đặc sắc và phong phú, đặc biệt với những người đang và sẽ học tập, làm việc ở Nhật Bản.

25 Nhân Vật Lịch Sử Nhật Bản

25 Nhân Vật Lịch Sử Nhật Bản

Lịch sử của cả quốc gia lẫn cá nhân đều không tồn tại chữ “nếu”!

Tuy nhiên, việc suy ngẫm về từng thời điểm nào đó và đặt ra những giả thuyết “nếu…thì…” thật thú vị!

Ở trường học sinh sợ học môn lịch sử một phần là vì khi học các em có rất ít cơ hội, không gian và điều kiện đảm bảo để có thể tưởng tượng “nếu…thì…” hoặc suy ngẫm về các biến cố của quốc gia hoặc cuộc đời của các cá nhân ở nhiều góc độ khác nhau.

Lịch sử vì thế trở thành một thứ “lịch sử vô nhân xưng”, dễ rơi vào chung chung và trừu tượng. Để bù đắp nhược điểm cố hữu đó của môn lịch sử trong trường học (không chỉ là ở Việt Nam), học sinh cần đọc các sách về lịch sử ở bên ngoài.

Khi đến Nhật Bản du học tôi rất thích tìm hiểu về các nhân vật lịch sử Nhật Bản cũng vì lẽ đó. Đọc xong, tôi thường ghi chép tóm tắt lại rồi tìm cách đi tới những nơi mà nhân vật lịch sử đó đã sinh ra, lớn lên, hoạt động và qua đời. Mỗi trang sách, mỗi chuyến đi đó trên đất nhật đều làm cho tôi có những trải nghiệm thú vị và làm cho tôi phải suy ngẫm nhiều điều.

Cuốn sách nhỏ này ra đời từ những ghi chép vụn vặt và các chuyến đi đó. Nó không phải công trình nghiên cứu nên sẽ không có phát hiện gì mới về tư liệu hay đặc sắc gì trong kiến giải hoặc phương pháp. Tôi khi đó còn rất trẻ, chỉ đơn giản là kể lại những gì đã đọc được về nhân vật lịch sử mình yêu thích và thi thoảng xen vào đó những cảm nhận cá nhân của mình.

Nhật Bản – Đất Nước Và Con Người

Nhật Bản – Đất Nước Và Con Người

Sau hậu quả thảm khốc của Thế chiến II với hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, dân tộc Nhật Bản đã đứng lên tái thiết đất nước và nhanh chóng tạo dựng được một vị thế nổi bật và tích cực trên chính trường cũng như trên thương trường quốc tế.

Nhật Bản – Đất nước và con người là một bức tranh toàn cảnh mô tả trung thực, đầy đủ về mọi lĩnh vực của xứ sở hoa anh đào vô cùng quyến rũ.

Nội dung sách được biên soạn từ nguồn tư liệu giá trị: Nhật Bản: Bách khoa thư bằng hình, giúp bạn đọc dễ dàng nắm được những thông tin chính xác, đáng tin cậy khi tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước mặt trời mọc.

Nhật Bản: Hoa Anh Đào, Kimono & Gì Nữa

Nhật Bản: Hoa Anh Đào, Kimono & Gì Nữa

Nhật Bản hiện đại nhìn qua góc nhìn của một du học sinh, ngoài một Nhật Bản truyền thống với hoa anh đào tượng trưng cho sự vật và cô gái Kimono tượng trưng cho con người Nhật Bản. Văn hóa đại chúng Nhật với các bạn trẻ là phim hoạt hình Anime – Truyện tranh – Game…

Bên cạnh là đó là những phát hiện về cuộc sống học tập và làm việc của chính người Nhật, có những sướng khổ , để thấy ở đất nước này không chỉ có màu hồng. Qua những mảng màu xám để có thể thấy rõ hơn tinh thần vượt khó của người Nhật và những bài học giá trị.

Japonisme – Những Điều Rất Nhật Bản

Japonisme – Những Điều Rất Nhật Bản

Japonisme – những điều Rất Nhật Bản là một cuốn sách mang đầy hơi thở của xứ sở hoa anh đào, là nguồn cảm hứng vô tận để bạn khám phá nghệ thuật kiếm tìm hạnh phúc, sự đủ đầy cho Kokoro (trái tim và tâm trí) lẫn Karada (thân thể) của mình.

Với cuốn sách, bạn có thể tìm ra ikigai (mục đích) – thứ thôi thúc bạn rời khỏi giường vào mỗi sáng. Phát hiện vẻ đẹp của wabi-sabi – chấp nhận bản chất của sự vô thường, thoáng qua và trân trọng những điều không hoàn hảo. Hay tìm thấy vẻ đẹp trong sự tan vỡ, thông qua nghệ thuật kintsugi.

Mỗi triết lý, mỗi nghệ thuật đều là những lăng kính mới để bạn có thể nhìn vào mọi thứ.

Để rồi từ đó, tìm thấy sự bình yên trong tâm trí, giữa cuộc sống đầy bất định và hỗn độn này.

Quái Đàm – Chuyện Yêu Quái Và Dị Trùng Nhật Bản

Quái Đàm – Chuyện Yêu Quái Và Dị Trùng Nhật Bản

Ở Nhật, kem đá, cá vàng, chuông gió, pháo hoa và lễ hội các xứ là những thứ có tính đặc trưng của mùa hè, đem mát lành và thơ mộng đến làm dịu không khí oi nồng. Nhưng ngoài những thứ nghe rất tao nhã ấy ra, Nhật Bản còn một cách làm mát truyền thống, đó là truyện ma quái.

Truyện ma quái được lồng vào rất nhiều hình thức sinh hoạt hè, như kịch kabuki, tấu nói rakugo, trò chơi gọi ma bách vật ngữ. Và đơn giản nhất, là ngồi quây quần với nhau, mỗi người kể một câu chuyện thật rùng rợn, sao cho sống lưng lạnh toát, mồ hôi dầm dề, cứ tự làm mát như thế đến khuya, tiết trời dịu đi là có thể ngủ được.

Ma quái ở Nhật không chỉ có linh hồn người chết, mà còn đồ vật-thực vật-hiện tượng tự nhiên thành tinh, lảng vảng ở nhân gian với tâm tư mục đích vô cùng đa dạng, bày ra những trò rất đỗi ly kì. Tất cả những truyện như thế được xếp vào một thể loại, gọi là QUÁI ĐÀM (chuyện về ma quái hoặc sự lạ)..

Công Ty Nhật Bản – Rodney Clark

Công Ty Nhật Bản – Rodney Clark

Cuốn sách ra đời nhằm lý giải về cách thức quản lý của một công ty Nhật Bản, ảnh hưởng lề lối làm việc của nó đối với những người có liên quan nói riêng và người dân Nhật nói chung. Đối với mọi nước đồng ý chấp nhận hình thức liên doanh, các công ty liên doanh đã đạt tới một tầm quan trọng to lớn. Những công ty này đảm nhận phần lớn việc sản xuất, thương mại và thuê rất nhiều nhân công.

Họ phân phối tài sản, đem lại sự giàu sang cho một số người và vẫn duy trì sự nghèo khó ở một số khác, khiến nhiều vùng trở nên thịnh vượng hoặc kìm hãm sự phát triển của một số vùng khác. Bản thân các công ty là những thể chế chính trị có ảnh hưởng nhất định, bởi trong nội bộ, các thành viên gắn bó chặt chẽ và với các mục đích chung, như điều thường có trong hoàn cảnh bình thường của một nền dân chủ.

Ngoài ra, các công ty còn có ý nghĩa chính trị nhờ hoạt động thường xuyên liên quan đến nền chính trị quốc gia. Những công việc của công ty, các quyết định của họ trong việc mở cửa hoặc đóng cửa nhà máy, thâu tóm thành công hay liên quan đến những thất bại kinh doanh…đều có những hậu quả mà chính phủ không thể làm ngơ, mà ngược lại phải cố tác động vào..

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button