12 sách hay về các dân tộc Việt Nam với nhiều chi tiết, giai thoại và lịch sử

12 cuốn sách hay về các dân tộc Việt Nam này giúp bạn đọc hiểu được đặc điểm sinh sống của các dân tộc khác nhau trên đất nước Việt Nam, lịch sử di cư, văn hóa và ngôn ngữ.

Đời Sống Văn Hóa Các Dân Tộc Việt Nam

Đời Sống Văn Hóa Các Dân Tộc Việt Nam

Đất nước Việt nam đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ thuở bình minh của lịch sử, từ truyền thuyết thuỷ tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương cho tới đời Hồng Bàng (2809-258 TCN) cho đến thời đại các vua Hùng đã dựng nên Nhà nước Văn Lang đầu tiên, trải qua và tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử. Cư dân các dân tộc anh em đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam vốn lao động cần cù và sáng tạo, đoàn kết và chiến đấu anh dũng để bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, là truyền thống quý báu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có chính sách về dân tộc đề ra những chủ trương, đường lối thích hợp, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau. Mỗi dân tộc đều được tự do, bình đẳng, không phân biệt là người dân tộc nào. Đảng và Nhà nước ta luôn có các chính sách ưu tiên về kinh tế, văn hoá, giáo dục, phát huy những bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.

Trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930 đã nêu rõ: “Đoàn kết tất cả các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để đấu tranh giải phóng”. Đồng thời tư tưởng đó còn được thể hiện rõ qua thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Plâyku tháng 4 năm 1946, Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê… đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em một nhà”. Dân số nước ta hơn 80 triệu người, bao gồm 54 dân tộc anh em đang sinh sống, có địa giới hành chính 64 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Tín Ngưỡng Của Các Dân Tộc Việt Nam

Tín Ngưỡng Của Các Dân Tộc Việt Nam

Tác giả Ngô Đức Thịnh đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam với nhiều tín ngưỡng khác nhau qua lối trình bày ngắn gọn, cô đọng và nguồn tư liệu phong phú. Thờ tổ tiên, thờ thành, thờ mẹ, Thánh Trần, tứ bất tử, thánh mẫu của người Chăm… đều là những tín ngưỡng phổ biến.

54 Dân Tộc Việt Nam Và Các Tên Gọi Khác

54 Dân Tộc Việt Nam Và Các Tên Gọi Khác

Việt Nam là một quốc gia gồm có nhiều dân tộc. Với sự cố gắng của các nhà dân tộc học, và các ngành khoa học có liên quan đã xác định được 54 dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Cuốn sách 54 dân tộc Việt Nam và các tên gọi khác là một công trình có ý nghĩa quan trọng, là tư liệu quý cho việc nghiên cứu quá trình tộc người.

Sách được biên soạn và sắp xếp theo loại từ điển, cụ thể: Về nội dung các mục từ là tên gọi của 54 dân tộc chính được giới thiệu đầy đủ về tên gọi, số phận, phạm vi phân bố, các tên gọi khác nhau và những nét đặc thù về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, các mục từ là tên gọi khác, được thống kê đầy đủ và dựa vào tiêu chí thành phần dân tộc đưa về dân tộc chính; về hình thức, các tên gọi dân tộc (dù là 54 dân tộc chính hay tên gọi khác) được sắp xếp theo thứ tự abc… của mỗi tên gọi.

Cội Nguồn Chính Sách Dân Tộc Việt Nam

Cội Nguồn Chính Sách Dân Tộc Việt Nam

Nước ta là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc. Phần lớn các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo – nơi mà sử sách nước ta thường gọi là vùng “phên dậu”, biên viễn.

Đó là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Do đó, trong kế sách dựng nước và giữ nước, ông cha ta rất coi trọng vùng biên viễn, sớm thực thi chính sách dân tộc nhằm thống nhất quốc gia; gây dựng mối đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, phát huy truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm.

Vì vậy, việc nhận thức sâu sắc những nhân tố hợp lý, những yếu tố tiến bộ trong chính sách dân tộc của ông cha ta có ý nghĩa thiết thực trong quá trình quán triệt, “thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.

Đó là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Với tinh thần ấy, cuốn sách Cội nguồn chính sách dân tộc Việt Nam trình bày từ cội nguồn hình thành chính sách dân tộc, chính sách dân tộc dưới thời Lý – Trần – Hồ, Lê Sơ, Lê – Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn.

Giá Trị Tinh Thần Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam

Giá Trị Tinh Thần Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam

Cuốn sách Giá Trị Tinh Thần Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam là một trong những công trình nghiên cứu tâm huyết của GS-NGND Trần Văn Giàu. Công trình được tác giả thực hiện vào những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm mà chưa có một nghiên cứu mang tính hệ thống nào về chủ đề giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc ta.

Trong cuốn sách này, từ góc độ sử học, triết học và đạo đức học, tác giả đã nghiên cứu và đưa ra những kiến giải sâu sắc về các giá trị truyền thống đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Sách được chia làm 11 chương, trong đó 3 chương đầu khái quát cơ bản về các khái niệm giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng của lịch sử đối với việc phát triển các giá trị truyền thống. Từ chương 4 đến chương 10 là phần chính của sách, tác giả tập trung phân tích 7 đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam bao gồm: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Các phạm trù được trình bày một cách có hệ thống và khoa học với ý nghĩa giống như một “bảng giá trị tinh thần” của người Việt.

Trang Phục Cổ Truyền các Dân Tộc Việt Nam

Trang Phục Cổ Truyền các Dân Tộc Việt Nam

Trang phục của các dân tộc ở Việt Nam, thể hiện những đặc trưng của trang phục cư dân vùng nhiệt đới nóng ẩm phương Nam. Quyển sách giới thiệu nét chung về trang phục qua các thời đại lịch sử. Trang phục cổ truyền của từng dân tộc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Lễ Hội Truyền Thống Các Dân Tộc Việt Nam – Các Tỉnh Phía Bắc

Lễ Hội Truyền Thống Các Dân Tộc Việt Nam – Các Tỉnh Phía Bắc

Cuốn sách “Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam – các tỉnh phía Bắc” giúp người đọc nắm bắt một cách có hệ thống, toàn diện những nghi thức, nghi lễ và nội dung của các lễ hội, các hình thái tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Việt Nam. Qua đó, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của lễ hội đối với đời sống tinh thần của cộng đồng để từ đó biết trân trọng, kế thừa phát huy những cái hay, nét đẹp của chúng, góp phần xây dựng nền văn hóa các dân tộc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nội dung cuốn sách gồm 04 phần: Lý thuyết chung về lễ hội truyền thống các dân tộc ở Việt Nam; Một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam; Những giá trị của lễ hội tiêu biểu các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam; Một số hình ảnh minh họa của lễ hội truyền thống.

Việt Nam Các Dân Tộc Anh Em

Việt Nam Các Dân Tộc Anh Em – Người Nùng

Bộ sách “Việt Nam – Các dân tộc anh em” gồm 48 tập giới thiệu một cách giản lược từng dân tộc trên các miền đất nước, từ lịch sử tộc người, các hoạt động kinh tế, phong tục, tập quán của từng dân tộc đến những tập tục trong hôn nhân, sinh đẻ… Bộ sách cũng đi sâu vào nghiên cứu và khai thác những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc.

Các dân tộc Tây Nguyên

Các dân tộc Tây Nguyên

Những ai đã từng ở Tây Nguyên chừng 30-40 năm trước thôi, nay trở lại chắc hẳn không khỏi ngỡ ngàng bởi thấy từ cảnh vật cho đến con người và cuộc sống đều khác hẳn. Nhiều cái mới đã thay thế hoặc lấn át nếp cũ, khiến không ít người e rằng những yếu tố cổ truyền còn lại có khả năng bị mai một tiếp… Quá trình chuyển biến, phát triển của đời sống ở Tây Nguyên đang tiếp diễn, và đó cũng là một phần đậm nét trong bức tranh toàn cảnh nơi đây.

Đây là cuốn sách ảnh, nhưng tác giả không thiên về ảnh nghệ thuật, mà chú trọng ảnh tư liệu, quan tâm nhiều hơn đến giá trị tư liệu trong ảnh. Bởi đích hướng tới của cuốn sách là cố gắng phản ánh trung thực cuộc sống ở các buôn làng, các cộng đồng tộc người, cả trước kia và hiện đại, trong chừng mực có thể được.

Mục lục:

  • Dân tộc Bana
  • Dân tộc Brâu
  • Dân tộc Churu
  • Dân tộc Cơho
  • Dân tộc Êđê
  • Dân tộc Giarai
  • Dân tộc Gié – Triêng
  • Dân tộc Mạ
  • Dân tộc Mnông
  • Dân tộc Rơmăm
  • Dân tộc Xơđăng

Tìm Hiểu Luật Tục Các Tộc Người Ở Việt Nam

Tìm Hiểu Luật Tục Các Tộc Người Ở Việt Nam

Việc sưu tầm và nghiên cứu luật tục đã có từ lâu, tuy nhiên, với Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian và bản thân tôi thì thực sự mới bắt đầu từ năm 1994. Từ đó đến nay với nỗ lực chung nhằm sưu tầm, hệ thống và xuất bản tư liệu về luật tục và hương ước các dân tộc ở nước ta, nhiều công trình tư liệu đã được xuất bản, như: “Luật tục Êđê, 1993”, “Luật tục M’nông, 1996”, “Luật tục Thái, 1999”, “Luật tục Giarai, 1999” Bên cạnh sưu tầm và xuất bản luật tục các dân tộc thiểu số, chúng tôi cũng đã sưu tầm, biên dịch và xuất bản hương ước của người Việt theo các tỉnh: “Hương ước Quảng Ngãi, 1995”, “Hương ước Hà Tĩnh, 1996”, “Hương ước Nghệ An, 1998”, “Hương ước Thanh Hóa, 1999”, “Hương ước Thái Bình, 2000”,..

Đặc biệt, năm 1999, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Luật tục và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay với sự tham gia đông đảo các học giả trong nước và nước ngoài quan tâm đến vấn đề này. Tiếp đó, năm 2001 từ yêu cầu đòi hỏi của tình hình xã hội Tây Nguyên, chúng tôi đã tổ chức hội thảo Luật tục – Hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, coi đó như là những cố gắng nhằm ứng dụng luật tục – hương ước vào quản lý cộng đồng buôn làng các dân tộc hiện nay.

Dẫu rằng công việc điều tra, sưu tầm, hệ thống tư liệu về luật tục và hương ước các dân tộc ở nước ta vẫn cần phải tiếp tục, tuy nhiên, để có cái nhìn chung hơn, chúng tôi thấy cần phải hệ thống lại một số vấn đề đã và đang đặt ra trong quá trình nghiên cứu luật tục các dân tộc. Đó là lý do để chúng tôi biên soạn cuốn sách Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam mà bạn đọc đang có trong tay.

Rừng, Đàn Bà, Điên Loạn

Rừng, Đàn Bà, Điên Loạn

Tác giả dẫn người đọc vào một hành trình thật tập trung: cuộc du ngoạn vào “miền mơ tưởng Giarai”, đi qua hàng trăm huyền thoại của họ; và ông nói rõ với người đọc rằng, ở đây “không phải là những huyền thoại tầm nguyên”, tức những huyền thoại về nguồn gốc của con người, giống loài người, hay của dân tộc, mà là những huyền thoại về cái hiện tại, là những mộng mị của những con người đang sống hôm nay, đang hằng ngày sống một cuộc sống kép, vừa “trải nghiệm” lại vừa mộng mị “đồng thời”, đang hàng ngày “tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại”.

Con người bị vây bọc bởi rừng, từ khi chưa là con người… cho đến khi không còn là con người nữa. Như vậy, rừng không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Rừng là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng, là sự không thủy không chung, nơi hun hút từ đó con người đi ra và nơi hun hút con người lại biến mất vào đó, biệt vô tăm tích. Là bản nguyên, là cội nguồn ở đầu bên này, nhưng cũng là cõi mịt mù thăm thẳm ở đầu bên kia…

Con người không bao giờ có thể thoát ra được khỏi rừng, cũng như không bao giờ có thể bứt ra khỏi vòng tuần hoàn bí ẩn muôn thuở, bức ra khỏi cái hoang dã; luôn bị cái hoang dã ấy vây kín, cuốn hút…

Nhưng đồng thời, mặt khác, con người là người cũng chính bởi vì nó luôn có nhu cầu bứt ra khỏi cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa.

Đấy là một cuộc giằng co, sự níu kéo hai đầu vĩnh cửu, nó làm nên “nội dung” của cuộc sống con người.

Ngoài chất khảo cứu, J. Dournes đã rất thành công khi lồng vào cuốn sách những chuyện kể – văn học truyền miệng, tính văn học cao nên độc giả phổ thông cũng dễ dàng tiếp cận.

Pötao, Một Lý Thuyết Về Quyền Lực Ở Người Jörai Đông Dương

Pötao, Một Lý Thuyết Về Quyền Lực Ở Người Jörai Đông Dương

Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương (Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai) là cuốn sách cần thiết cho sự hiểu biết về con người và xã hội Jörai (Giarai) nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Ở Rừng, Đàn bà, Điên loạn (Forêt, Femme, Folie), J. Dournes đã dẫn người đọc du ngoạn và đuổi theo một miền mơ tưởng Giarai, đi qua hàng trăm huyền thoại của họ, tức huyền thoại về cái hiện tại, mà ông nhấn mạnh “không quá xa lạ với thế giới của chúng ta, dẫu có lúc trông chừng như đối nghịch”.

Đến Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, sau gần 15 năm tập trung nghiên cứu về Pötao và xã hội Giarai, J. Dournes đã giúp người đọc tường minh về Pötao, từ Huyền thoại cho đến Lịch sử, vốn là thách thức lớn đối với những nhà nghiên cứu trước ông.

Bằng sự kết hợp phương pháp luận sử học, văn học dân gian và nhân học cấu trúc, J. Dournes đã giải quyết thấu đáo các vấn đề Pötao Giarai, độc giả sẽ phải bóc tách từng lớp của “vòng tròn đồng tâm” (hay “xếp củ hành”) để hiểu rõ chúng, một công việc hấp dẫn nhưng cũng không kém phần thách thức.

Chúng ta sẽ sớm gặp lại J. Dournes ở công trình kinh điển khác, Coordonnées: Structures Jörai familiales et sociales (Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội Giarai)

Mời độc giả theo chân J. Dournes, tìm hiểu về Pötao và hệ thống Pötao – thiết chế xã hội (chính trị – văn hóa) độc đáo của người Giarai.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button