17 sách hay về điện ảnh đọc để tìm hiểu sâu hơn

17 cuốn sách hay về điện ảnh giúp độc giả khám phá tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên và nhà quay phim nổi tiếng, những người đã tạo nên kiệt tác điện ảnh.

Điện Ảnh Nhật Bản Và Việt Nam Đương Đại – Giao Lưu Văn Hóa Và Ảnh Hưởng

Điện Ảnh Nhật Bản Và Việt Nam Đương Đại – Giao Lưu Văn Hóa Và Ảnh Hưởng

Phim Nhật Bản là một trong những nền điện ảnh đổi mới và sáng tạo nhất, chịu tác động lớn từ xu hướng ‘điện ảnh nghệ thuật’ và ‘điện ảnh tác giả’. Dấu ấn của phong cách cá nhân và dân tộc, sự tôn trọng hình thức thể hiện cũng như những lý tưởng nhân văn đã tạo cho điện ảnh Nhật Bản những nét riêng, vẻ đẹp và chất riêng qua từng thời kỳ.

Điện ảnh Nhật Bản bắt đầu vào năm 1897, khi một người quay phim cho anh em nhà Lumière quay ở Tokyo. Điện ảnh Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm trong thế kỷ qua, nhưng vẫn có những tác phẩm và phẩm chất riêng biệt. Nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp trên thế giới đã học hỏi cách sản xuất phim của các đạo diễn Nhật Bản để áp dụng vào tác phẩm của mình, tuy nhiên số lượng đạo diễn và khán giả Việt Nam được tiếp cận với điện ảnh Nhật Bản còn rất ít.

Tuy nhiên, điện ảnh Nhật Bản gần đây đã bắt đầu có ảnh hưởng đến các nghệ sĩ, nhà phê bình và công chúng Việt Nam. Nhiều khán giả Việt Nam đã thể hiện sự hào hứng và yêu mến đối với điện ảnh Nhật Bản thông qua việc quan tâm đến phim, phê bình và nghiên cứu, để họ so sánh và đối chiếu các bộ phim.

Cuốn sách “Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hóa và ảnh hưởng” là một trong nhiều ý kiến ​​đa chiều như vậy về sự khác biệt cũng như sự tiếp nhận của điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam.

Đặng Nhật Minh – Điện Ảnh & Cuộc Đời

Đặng Nhật Minh – Điện Ảnh & Cuộc Đời

Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tôi đánh bạn với anh Đặng Nhật Minh từ sau Hiệp định Paris về Việt Nam, đến nay kể đã hơn 30 năm. Trong cuộc đời tan hợp vô thường này, được gìn giữ một tình bạn trong ngần ấy thời gian, âu cũng là một điều vạn hạnh của đời người. Năm 1980, tôi đang trú tại Nhà sáng tác của Hội Nhà văn ở Quảng Bá thì anh Đặng Nhật Minh tìm đến mời tôi viết lời bình cho phim tài liệu Nguyễn Trãi do anh làm đạo diễn. Những ngày ấy, suốt ngày tôi bận bịu với hai con nhỏ trong ánh sáng nhá nhem của khu nhà sáng tác, thỉnh thoảng anh Đặng Nhật Minh ghé qua trao đổi về bộ phim, rồi lại đi quay tiếp và tôi lại cặm cụi viết một mình. Anh Đặng Nhật Minh là người Hà Nội gốc Huế duy nhất thường xuyên lui tới với tôi những ngày ấy ở Quảng Bá.

Anh nói với tôi về những dự định của mình trong bộ phim tương lai, chiếu cho tôi xem những hình ảnh vừa quay được. Tôi thực sự làm quen với điện ảnh từ ngày ấy, tất cả đều qua anh Đặng Nhật Minh. Thành thật thú nhận rằng đấy là một người bạn luôn luôn mang đến cho tâm hồn tôi sự dễ chịu, cùng với niềm kính trọng trong công việc. Sau khi cộng tác với nhau có kết quả trong bộ phim Nguyễn Trãi, đầu năm 1982 anh Đặng Nhật Minh lại mời tôi lên Lạng Sơn cùng đoàn làm phim Thị xã trong tầm tay(phim do anh viết kịch bản và đạo diễn). Thị xã Lạng Sơn ngày ấy vắng hoe sau chiến tranh biên giới, và chúng tôi đã có những giờ ngồi trò chuyện bên nhau trong những quán cóc còn sót lại bên đường. Tôi ăn ở với đoàn làm phim đóng trong một ngôi trường vắng của thị xã Lạng Sơn. Ở đó vào mỗi sáng tinh sương đầy tiếng chim rừng. Người kỹ sư thu thanh của Xưởng phim cần mẫn dùng một con sào dài có buộc chiếc micro ở đầu ngọn để thu tiếng chim hót làm dự trữ cho phần âm thanh của bộ phim. Đây là phim truyện đầu tiên Đặng Nhật Minh tự viết kịch bản để rồi từ đấy anh chỉ làm những phim do chính mình viết kịch bản và đạo diễn..

Quay Phim Điện Ảnh Và Truyền Hình

Quay Phim Điện Ảnh Và Truyền Hình

Cuốn sách “Quay phim điện ảnh và truyền hình” sẽ giới thiệu những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong quay phim điện ảnh và truyền hình.

Cuốn sách là những đúc kết kinh nghiệm sau hơn 20 năm cầm máy quay của nhà quay phim, nhà giáo – NSƯT Phạm Thanh Hà.

Tủ Sách Tri Thức Bách Khoa Bằng Hình – Điện Ảnh

Tủ Sách Tri Thức Bách Khoa Bằng Hình – Điện Ảnh

Từ lâu, con người đã thử chiếu hình ảnh. Từ 3.000 năm trước, tại Trung Quốc, người ta đã biết chiếu những hình bóng cử động của các con rối lên một tấm màn. Đến thế kỷ XVIII, các bức họa đã được chiếu lên bằng ảo đăng. Thế kỷ XIX, người ta làm hình ảnh cử động được bằng các đồ chơi quang học, loại đồ chơi mà khi các hình ảnh lướt qua, người ta có cảm giác chúng đang cử động. Cùng thời gian đó, nhiếp ảnh được phát minh: điều này cho phép phân tích các cử động. Sau đó, người ta chế tạo ra máy ghi lại các hình ảnh nối tiếp nhau…

Nhờ kết hợp những phát minh của những người đi trước, hai anh em nhà Lumière đã hoàn thiện máy chiếu bóng (cinematography) vào năm 1895, loại máy đầu tiên quay và chiếu những hình ảnh sống động trên màn ảnh rộng. Điện ảnh tái tạo lại những hành động có thực đã đạt được thành công nhanh chóng. Georges Méliès, người Pháp, đã phát minh ra kỹ xảo điện ảnh, giống như ở rạp hát, ông đưa vào điện ảnh những bối cảnh, các kiểu quần áo và sáng tạo ra những kỹ xảo đầu tiên. Điện ảnh trở thành một môn nghệ thuật mới. Cùng thời điểm đó, các trường quay ngày càng lớn dần và các rạp chiếu cũng phát triển.

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Sự Ra Đời Của Điện Ảnh

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Sự Ra Đời Của Điện Ảnh (Tập 1)

Đây là một cuốn sách nằm trong loạt sách tìm hiểu về điện ảnh do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Mục đích của sách là giúp các bạn đọc, kể cả các bạn có nghề, đang hành nghề làm phim, tìm hiểu rõ thêm nghệ thuật thứ bảy yêu quý của mình từ gốc gác trở đi.

Cuốn sách này sẽ đưa bạn trở lại với cội nguồn của điện ảnh và đi vào tìm hiểu, nắm bắt các cơ sở vật chất chủ yếu giúp điện ảnh hình thành, đứng vững và đi lên…

Điện Ảnh Việt Nam: Lịch Sử – Tác Phẩm – Nghệ Sĩ – Lý Luận – Phê Bình – Nghiên Cứu

Điện Ảnh Việt Nam: Lịch Sử – Tác Phẩm – Nghệ Sĩ – Lý Luận – Phê Bình – Nghiên Cứu (Tập 3)

Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử – Tác phẩm – Nghệ sĩ – Lý luận – Phê bình – Nghiên cứu của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn gồm 4 tập. Đây là tác phẩm nghiên cứu được thực hiện trong hơn 20 năm của tác giả. Nội dung sách đề cập toàn bộ lịch sử điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI. Trong khung nghiên cứu, lý luận, phê bình của tác phẩm bao gồm 7190 tác phẩm điện ảnh do 6866 nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thực hiện.

Cơ sở lý luận làm nền tảng cho việc nghiên cứu công trình điện ảnh này là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những tiểu kết, tiểu luận, tổng kết, kiến nghị của tác giả công trình là rất có ích cho nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt có ích cho giới nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ, giới nghệ sĩ điện ảnh và cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách, đề xuất chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ và khoa học xã hội – nhân văn.

Viết Kịch Bản Điện Ảnh Và Truyền Hình

Viết Kịch Bản Điện Ảnh Và Truyền Hình

…Nhắc đến kịch bản Thelma & Louise của tác giả Callie khouri, chúng tôi muốn nói đến sự đóng góp để làm cho nghành nghệ thuật này ngày càng phong phú, đa dạng hơn không chỉ do các nhà biên kịch chuyên nghiệp làm việc trong các hãng phim hay các trung tâm vô tuyến truyền hình, mà bao gồm có sự tham gia của đông đảo quần chúng trong bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào của xã hội miễn là người đó có lòng yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật điện ảnh, có năng lực sáng tạo và có một kĩ thuật chuyên môn cần thiết. nhất là trong trái tim họ luôn sôi sục ngọn lửa sáng tạo.

Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng gì hơn là cố gắng trình bày những hiểu biết và kinh nghiệm thực hành để người đọc có thể nắm vững những nguyên tắc cơ bản trong việc viết một kịch bản phim điện ảnh và truyền hình, không quá nặng tính giáo khoa, mà cốt khơi gợi cho người đọc có được lòng tin, biến nó thành ngọn lửa sáng tạo, để trở thành một nhu cầu, một đòi hỏi bức xúc, một sự thật thôi thúc không thể không viết..

Những Bài Học Điện Ảnh 2

Những Bài Học Điện Ảnh 2

Sau thành công của tập sách đầu tiên mang tựa Việt “20 bài học điện ảnh”, đây là loạt đàm thoại mới theo cùng công thức với một số nhà điện ảnh lớn đương đại: Pen, Polanski, Soderbergh, Jarmusch, Arcand, Annaud và nhiều đạo diễn khác…

Một cơ hội để mỗi đạo diễn giải thích rõ ràng – với những thí dụ cụ thể – phương pháp làm việc riêng ở mỗi cung trình sáng tác: chọn đề tài, viết kịch bản, phân cảnh, chỉ đạo diễn viên, tổ chức quay…

Những đàm thoại lý thú này cho ta hiểu rằng tính nhận cảm khác nhau khiến cho cách làm phim cũng khác nhau. Và, thay vì cung cấp cho ta những công thức nấu ăn gọi là có tính phổ quát, chúng trình ra nhiều “bí quyết sản xuất” của những “đầu bếp lớn”.

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Điện Ảnh Nghệ Thuật Thứ Bảy

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Điện Ảnh Nghệ Thuật Thứ Bảy

Hẳn bạn cũng công nhận với chúng tôi một sự thật là ngày nay không ai là không yêu điện ảnh, không ai lại không thích xem phim. Nhưng, có lẽ, cũng còn nhiều người trong chúng ta biết hoi ít về điện ảnh, về cái gọi là “bếp núc” của môn nghệ thuật thứ bẩy này.

Tuy tuổi đời đã được già một thế kỷ nay, nhưng so với các bậc đàn anh, đàn chị, như văn học, kiến trúc, âm nhạc hoặc hội họa… là những bậc cao niên tính bằng thiên niên kỉ thì, rỗ ràng, điện ảnh còn quá ư non trẻ. Trẻ mà khỏe. Trẻ mà cường tráng rất mực đó, có phải không?! Đúng là “hậu sinh khả úy” thật rồi!

Hiện nay nhiều người cho rằng, điện ảnh đã trở nên lép vế, nếu không nói là lạc hậu là lỗi thời. Đúng là điện ảnh sau gần nửa thế kỷ tồn tại đã bị truyền hình lấn át, rồi khi sắp sửa bước vào tuổi 100 thì lại tiếp tục bị video chèn ép. Nhưng điện ảnh không hề bị lạc hậu và cũng chẳng hề lỗi thời chút nào!

Những Nụ Hôn Điện Ảnh

Những Nụ Hôn Điện Ảnh

“Tôi không hay biết gì về nguồn gốc của mình. Tôi sinh ra tại Paris từ một người mẹ không biết mặt còn bố tôi chuyên chụp ảnh các nữ diễn viên. Ít lâu trước khi qua đời, ông mời thổ lộ với tôi rằng, tôi có mặt trên đời này là nhờ một nụ hôn điện ảnh.”

Eric Fottorino tặng cuốn tiểu thuyết thứ tám những từ ngữ êm dịu, gần như mong manh, để tôn vinh điện ảnh, để kể về một thời đã qua, khi tình yêu vẫn còn có thể hiện ra như một trò chơi mạo hiểm.

Nhận định

“Eric Fottorino kể về thời thơ ấu của mình với một nghệ thuật sáng-tối tinh tế…”

(Michel Alescat)

“…cuốn sách vẽ nên một nền dư địa chí hết sức cá nhân của một Paris đã biến mất từ lâu, nơi thấp thoáng hình bóng trong suốt của Modiano.”

(Telerama)

50 Huyền Thoại Điện Ảnh Thế Giới

50 Huyền Thoại Điện Ảnh Thế Giới

Những ngôi sao được đề cập trong cuốn sách này thực sự là những con người tài năng, đã làm cho chúng ta biết mơ ước, biết khóc, biết cười, biết tìm lại sự hồn nhiên của tuổi thơ, biết hy vọng về một tương lai chưa tới, vờ biết làm cho con người biết yêu thương con người, sống một cuộc đời đáng sống. Dù trong bản thân của mỗi một nghệ sĩ ấy, có thể họ cũng chứa giấu những thói hư tật xấu; nhưng họ vẫn cứ chinh phục được hàng triệu triệu con người trên trái đất, đã làm thổn thức và đau khổ biết bao trái tim ngưỡng mộ họ, và thậm chí có những người đã tự tử khi số phận nghiệt ngã cướp mất đi những ngôi sao ấy…

Tập sách nhỏ này ngoài công việc ghi nhận công lao của những ngôi sao mà tên tuổi và những đóng góp của họ mãi mãi sẽ hiện diện trong ký ức của bao nhiêu thế hệ – nó còn là dấu vết một thời thơ trẻ của chính tác giả và những người cùng thế hệ. Ở đây, tác giả chỉ nhắc tới những ngôi sao điện ảnh, theo như cách định nghĩa của Tom Pollock, Chủ tịch Viện Điện Ảnh Mỹ (AFI) trong cuộc binh chọn được tổ chức năm 2000: “Một huyền thoại điện ảnh phải là một diễn viên có một vai diễn có ý nghĩa trên màn bạc trong những bộ phim của Mỹ được khởi chiếu từ năm 1951 về trước hoặc những bộ phim khởi chiếu sau năm 1950 nhưng cái chết của họ đã đánh dấu sự hoàn thành một sự nghiệp” trong đó, các thành viên trong Ban giám khảo đã công bố 5 tiêu chuẩn mà cuộc bình chọn xét đến: Chất lượng của ngôi sao (sức cuốn hút và thể hiện), Kỹ năng (khả năng nhập các vai diễn khác nhau), Di sản (sự nghiệp để lại), Được đông đảo quần chúng khán giả yêu thích (công chúng vẫn yêu thích xem sau nhiều năm) và cuối cùng là Bối cảnh lịch sử..

Qua Pixar Là Vô Cực

Qua Pixar Là Vô Cực

Một cuộc gọi đã bắt đầu cho một hợp tác lâu dài trong lương lai: “Xin chào Lawrence. Tôi là Steve Jobs. Một vài năm trước tôi có nhìn thấy ảnh của anh trên tạp chí và tôi đã nghĩ là một ngày nào đó chúng ta sẽ làm việc cùng với nhau.”

Sau khi bị buộc nghỉ việc ở Apple, Steve Jobs chuyển mối bận tâm của mình sang Pixar, lúc bấy giờ là một công ty hầu như chưa có tên tuổi trong lĩnh vực đồ họa – nghệ thuật.

Một ngày nọ, Jobs gọi điện thoại cho Lawrence Levy, một luật sư tốt nghiệp đại học Harvard và hiện là nhân viên cấp cao làm việc tại Thung lũng Silicon. Jobs chưa từng gặp mặt Lawrence và đã gọi điện với hy vọng sẽ thuyết phục được anh về làm cho Pixar, giúp Steve phát triển Pixar.

Những gì Levy tìm hiểu được về Pixar lúc đó chỉ là một công ty đang trên bờ vực phá sản. “To Pixar and Beyond” là một câu chuyện phi thường về những gì diễn ra sau đó: Làm thế nào Levy, Jobs và đội ngũ Pixar phát triển và thực hiện một lộ trình gần như không tưởng để giúp Pixar chuyển mình từ một công ty đồ họa – nghệ thuật không tên tuổi thành một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất Hollywood.

Tất cả đều diễn ra trong thế giới của Sillon Valley và Hollywood, độc giả sẽ được dẫn dắt đi qua những câu chuyện của Pixar, Disney, các công ty luật và các ngân hàng đầu tư. Những thực tế thú vị và chân thực từ những bước đầu đi lên của Pixar, những rủi ro mà Pixar đương đầu, sự hợp tác và tình bạn lâu dài của Levy và Jobs, Levy đã nhận ra một Pixar khác hơn như thế nào, tất cả đều có tính ứng dụng cao trong mọi phương diện cuộc sống của chúng ta.

Cuộc Chiến Disney

Cuộc Chiến Disney

Cuộc chiến Disney là câu chuyện mê hoặc về một trong những công ty giải trí và truyền thông quyền lực nhất nước Mỹ, về những người lãnh đạo nó cũng như những người muốn lật đổ chế độ cai trị đó. Một câu chuyện đầy những nút thắt, những nhân vật để đời và đạt tới đỉnh cao ly kỳ, hồi hộp đến mức hoàn toàn có thể là chủ đề cho một bộ phim thần thoại về Disney, chỉ có điều chúng hoàn toàn là sự thật.

Các bạn sẽ được chứng kiến quá trình ra đời của những bộ phim huyền thoại như Nàng tiên cá, Người đẹp và Quái thú, Vua Sư tử, Aladdin và cây đèn thần, Câu chuyện đồ chơi, Cướp biển vùng Ca-ri- bê. Các bạn sẽ được gặp lại những cái tên đình đám như Tom Hanks, Steve Jobs, Pixar, Johnny Depp.

Cùng với đó là lịch sử hoạt động suốt 20 năm của Disney, từ năm 1984 đến năm 2003, dưới sự dẫn dắt của Michael Eisner, tràn đầy những thăng trầm, những cuộc chiến phe cánh, tranh giành quyền lợi, chức vụ, những chiến lược kinh doanh, v.v. Có thể nói, toàn bộ cuốn sách là một vở kịch bi tráng và sống động về quá trình phát triển của Disney, một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Netflix: Phá Bỏ Nguyên Tắc Để Bứt Phá – No Rules Rules: Netflix And The Culture Of Reinvention

Netflix: Phá Bỏ Nguyên Tắc Để Bứt Phá – No Rules Rules: Netflix And The Culture Of Reinvention

Từ trước đến nay chưa từng có công ty nào như Netflix. Họ đã dẫn dắt cuộc cách mạng trong ngành giải trí, thu về hàng tỉ đôla doanh thu hằng năm bằng cách thu hút trí tưởng tượng của hàng trăm triệu khách hàng trên hơn 190 quốc gia.

Ra đời năm 1988 là một dịch vụ cho thuê DVD trực tuyến, nhà sáng lập Reed Hastings của Netflix đã từ bỏ những cách làm truyền thống mà nhiều công ty khác vẫn vận hành. Thay vào đó, ông xây dựng một văn hóa tập trung vào tự do và trách nhiệm, giúp Netflix tự tái tạo hết lần đến lần khác, thích nghi và đổi mới khi nhu cầu của thế giới xung quanh cũng như của các thành viên công ty thay đổi.

Hastings đặt ra những tiêu chuẩn mới, xem trọng con người hơn quy trình, nhấn mạnh đổi mới hơn hiệu quả, và trao cho nhân viên bối cảnh thay vì kiểm soát họ. Netflix không có chính sách ngày phép hay quy định công tác phí. Tại Netflix, người có kết quả làm việc bình thường nhận được gói trợ cấp thôi việc hào phóng, và làm việc chăm chỉ là không cần thiết. Tại Netflix, bạn không cần cố gắng làm hài lòng cấp trên, bạn phải đưa ra phản hồi trung thực.

Lần đầu tiên, trong tác phẩm này, Hastings và Erin Meyer, tác giả cuốn sách “The Culture Map” và là một trong những nhà tư tưởng kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất, cùng đi sâu vào các triết lý gây tranh cãi là tâm điểm của tinh thần Netflix. Dựa trên phỏng vấn nhân viên Netflix từ khắp thế giới và những câu chuyện chưa từng được tiết lộ về sự nghiệp của Hastings, “Netflix: Phá bỏ nguyên tắc để bứt phá” (tựa gốc: No Rules Rules) là câu chuyện thú vị nhưng chưa từng được kể về một trong những công ty đột phá, sáng tạo, và thành công nhất thế giới..

Chuyện Nghề Của Thủy

Chuyện Nghề Của Thủy

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về đạo diễn – NSND Trần Văn Thuỷ như sau: “Có thề nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thuỷ có một cái gì đó hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hoà quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”

Chuyện nghề của Thuỷ gồm 29 chương, là cuộc đời của Thuỷ từ lúc ấu thơ cho đến tuổi thất thập cổ lai hy qua lời kể của nhân vật chính và ghi chép của Lê Thanh Dũng, một người bạn tri kỷ. Nói như ông, “cuốn sách chỉ nói được một phần” vì “câu chuyện còn dài lắm”.

… Và cậu bé bắt đầu làm quen với “phim và ảnh” năm mười ba tuổi lớn lên thành chàng trai hai mươi lăm tuổi thất thểu từ Tây Bắc về, rón rén gõ cửa trường Điện ảnh, đến nay đã kịp để lại những dấu ấn cho ngành điện ảnh Việt Nam bằng hàng chục bộ phim đạt giải cao ở các Liên hoan phim Quốc gia và Quốc tế.

Với gia tài trên 20 phim, trong đó có các tác phẩm đoạt giải thưởng cao, phản ánh một cách gai góc hiện thực của lịch sử như:

  • Những người dân quê tôi, phim đầu tay quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ Câu Bạc tại LHP Quốc Tế Leipzig (1970)
  • Phản Bội, phim về chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979, đoạt giải vàng LHP Việt Nam 1980
  • Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988
  • Chuyện tử tế, nội dung về thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy, đoạt giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”. (1985)
  • Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 43.
  • Chuyện từ một góc phố (2003), phim về những hậu quả của chất độc màu da cam để lại trong gia đình một cựu phóng viên chiến trường.

Film Book: Khi Chúng Ta Là Nhân Vật Chính

Film Book: Khi Chúng Ta Là Nhân Vật Chính

Film Book: Khi Chúng Ta Là Nhân Vật Chính của Bùi Dũng là một cuốn sách kỳ lạ. Không phải ngẫu nhiên mà có đến gần 20 người nổi tiếng cùng đọc và dành cơn mưa lời khen đến cuốn sách này.

Một cuốn sách viết về phim có gì thu hút đến vậy?

Với 3 phần chính Cảm hứng sống, Cảm hứng yêu, Cảm hứng nghề nghiệp, cùng 1 phần mở rộng Mở cửa điện ảnh – Bước ra thế giới và các phụ chương xem phim theo mùa, gợi ý nhỏ về các bộ phim lớn, Film Book hệt như một CUỐN CẨM NANG phim dành cho tất cả mọi người – nơi mà chỉ cần mở sách ra, chắc chắn bạn sẽ chọn được cho mình một bộ phim phù hợp.

Với Film Book, bạn có thể tìm thấy trang viết vừa nồng nhiệt, vừa tỉnh táo về gần 60 bộ phim bao trùm lên mọi thể loại – từ những bộ phim đang cực hot đến các tác phẩm điện ảnh kinh điển, từ những bộ phim yêu đương lãng mạn đến những bộ phim tâm lý “nặng ký” có thể khiến bạn ám ảnh không ngừng… Tất cả, được Bùi Dũng “chắt chiu và nghiêm cẩn”, bằng tất cả sự quan sát và chiêm nghiệm của bản thân, để giúp người đọc trong hành trình mở cánh cửa bước vào thánh đường điện ảnh..

Để Trở Thành Nhà Biên Kịch Phim Truyện

Để Trở Thành Nhà Biên Kịch Phim Truyện

Bạn đọc thân thuộc với Phương Nam chắc chắn biết nhà văn Nguyễn Quang Lập qua hàng loạt tác phẩm được Phương Nam Book xuất bản và tái bản trong những năm qua: Ký ức vụn 1, Ký ức vụn 2, Bạn văn 1, Bạn văn 2, Hạnh phúc mong manh, 49 cây cơm nguội, Chuyện nhà quê, Những mảnh đời đen trắng, Tình cát.

Tuy nhiên, ông còn là tác giả của nhiều kịch bản điện ảnh xuất sắc như Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Không có Eva, Đảo của dân ngụ cư…, trong đó với hai kịch bản phim Đời cát và Thung lũng hoang vắng ông được trao giải nhà biên kịch xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 (2001). Một tác phẩm điện ảnh hay, trước hết ở kịch bản đắt. Sách về lĩnh vực này xưa nay khá ít và hầu hết là sách dịch.

Năm 2016, Nguyễn Quang Lập có mở lớp biên kịch online và các bạn trẻ, những nhà biên kịch tương lai rất quan tâm theo học. Điều đó chứng tỏ nhu cầu được học hỏi về lĩnh vực này là rất cao. Chính vì vậy, cùng với tác giả, Công ty Sách Phương Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Để trở thành nhà biên kịch phim truyện.

Đây là cuốn sách không thể thiếu cho các nhà biên kịch tương lai hoặc những ai đang muốn tìm hiểu về nghề này. Với khoảng 270 trang sách, những gì then chốt nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất để bạn đọc có thể ứng dụng thực hành được ngay: XÂY DỰNG Ý TƯỞNG, XÂY DỰNG CHUYỆN PHIM, CẤUTRÚC BA HỒI, XÂY DỰNG NHÂN VẬT, TẠO CẢNH, THOẠI, SOẠN THẢO VĂN BẢN và một số kịch bản để tham khảo. Điều mà nhà văn hướng đến cho nghề nghiệp này chính là “Để trở thành nhà biên kịch cần cả phông văn hóa và kỹ năng biên kịch”.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button