5 sách hay về Pixar, hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới

5 cuốn sách hay về Pixar giới thiệu câu chuyện của hãng, những nghệ sĩ hoạt hình huyền thoại và những bức ảnh động đẹp nhất.

Qua Pixar Là Vô Cực

Qua Pixar Là Vô Cực

Một cuộc gọi đã bắt đầu cho một hợp tác lâu dài trong lương lai: “Xin chào Lawrence. Tôi là Steve Jobs. Một vài năm trước tôi có nhìn thấy ảnh của anh trên tạp chí và tôi đã nghĩ là một ngày nào đó chúng ta sẽ làm việc cùng với nhau.”

Sau khi bị buộc nghỉ việc ở Apple, Steve Jobs chuyển mối bận tâm của mình sang Pixar, lúc bấy giờ là một công ty hầu như chưa có tên tuổi trong lĩnh vực đồ họa – nghệ thuật.

Một ngày nọ, Jobs gọi điện thoại cho Lawrence Levy, một luật sư tốt nghiệp đại học Harvard và hiện là nhân viên cấp cao làm việc tại Thung lũng Silicon. Jobs chưa từng gặp mặt Lawrence và đã gọi điện với hy vọng sẽ thuyết phục được anh về làm cho Pixar, giúp Steve phát triển Pixar.

Những gì Levy tìm hiểu được về Pixar lúc đó chỉ là một công ty đang trên bờ vực phá sản. “To Pixar and Beyond” là một câu chuyện phi thường về những gì diễn ra sau đó: Làm thế nào Levy, Jobs và đội ngũ Pixar phát triển và thực hiện một lộ trình gần như không tưởng để giúp Pixar chuyển mình từ một công ty đồ họa – nghệ thuật không tên tuổi thành một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất Hollywood.

Tất cả đều diễn ra trong thế giới của Sillon Valley và Hollywood, độc giả sẽ được dẫn dắt đi qua những câu chuyện của Pixar, Disney, các công ty luật và các ngân hàng đầu tư. Những thực tế thú vị và chân thực từ những bước đầu đi lên của Pixar, những rủi ro mà Pixar đương đầu, sự hợp tác và tình bạn lâu dài của Levy và Jobs, Levy đã nhận ra một Pixar khác hơn như thế nào, tất cả đều có tính ứng dụng cao trong mọi phương diện cuộc sống của chúng ta.

Tiểu Sử Steve Jobs

Tiểu Sử Steve Jobs (Tái Bản 2020)

Cuốn tiểu sử với tiêu đề ngắn gọn Steve Jobs do cựu thư ký tòa soạn của tạp chí Time, Walter Isaacson biên soạn, dựa trên 40 cuộc phỏng vấn với Steve Jobs trong 2 năm qua cùng các cuộc phỏng vấn với hơn 100 người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đối thủ của ông, phát hành trên Amazon vào ngày 24/10 đang liên tục đứng vị trí số 1 danh sách sách bán chạy nhất của cả Amazon lẫn Barnes & Nobles. Đây cũng là cuốn tiểu sử đầu tiên và duy nhất nhận được sự đồng ý của Steve Jobs. Walter Isaacson cũng là người viết tiểu sử nổi tiếng, với 2 tác phẩm viết về Benjamin Franklin và Albert Einstein.

Cuốn sách Tiểu Sử Steve Jobs tiết lộ nhiều thông tin chưa từng được kể về Steve Jobs như tính cách cay nghiệt, kỳ dị, chuyện ông chiến đấu với bệnh ung thư, những mối quan hệ lãng mạn của ông và cuộc hôn nhân với bà Laurene Powell hay gặp cha đẻ Abdulfattah “John” J Và trên hết đó là quá trình ông đã gây dựng và chèo lái Apple đi đến thành công như ngày hôm nay với không ít sai lầm cũng như những ám ảnh không thôi về sự hoàn hảo. Tác phẩm vì thế đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về nhân cách và cả những thành tựu của cuộc đời Steve Jobs. Đó là một cuốn sách chứa đựng những điều Steve Jobs muốn nói với thế giới.

Cuộc Chiến Disney

Cuộc Chiến Disney

Cuộc chiến Disney là câu chuyện mê hoặc về một trong những công ty giải trí và truyền thông quyền lực nhất nước Mỹ, về những người lãnh đạo nó cũng như những người muốn lật đổ chế độ cai trị đó. Một câu chuyện đầy những nút thắt, những nhân vật để đời và đạt tới đỉnh cao ly kỳ, hồi hộp đến mức hoàn toàn có thể là chủ đề cho một bộ phim thần thoại về Disney, chỉ có điều chúng hoàn toàn là sự thật.

Các bạn sẽ được chứng kiến quá trình ra đời của những bộ phim huyền thoại như Nàng tiên cá, Người đẹp và Quái thú, Vua Sư tử, Aladdin và cây đèn thần, Câu chuyện đồ chơi, Cướp biển vùng Ca-ri- bê. Các bạn sẽ được gặp lại những cái tên đình đám như Tom Hanks, Steve Jobs, Pixar, Johnny Depp.

Cùng với đó là lịch sử hoạt động suốt 20 năm của Disney, từ năm 1984 đến năm 2003, dưới sự dẫn dắt của Michael Eisner, tràn đầy những thăng trầm, những cuộc chiến phe cánh, tranh giành quyền lợi, chức vụ, những chiến lược kinh doanh, v.v. Có thể nói, toàn bộ cuốn sách là một vở kịch bi tráng và sống động về quá trình phát triển của Disney, một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Mục lục:

  • Phần 1: Thế giới kỳ diệu của Disney
  • Phần 2: Vương quốc vỡ mộng
  • Phần 3: Cuộc chiến Disney

Thông tin tác giả:

James B. Stewart là tác giả nổi tiếng đã giành giải Pulitzer năm 1988 với tác phẩm về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và giao dịch nội gián Mỹ. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Heart of Soldier (Trái tim người lính), Blind Eye (Mắt mù), Blood Sport (Thể thao đẫm máu) và bom tấn Den of Thieves (Sào huyệt của những ông trùm).

Nghệ Thuật Kể Chuyện Của Pixar

Nghệ Thuật Kể Chuyện Của Pixar

Những bộ phim của Pixar sẽ luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Họ không chỉ mang đến cho khán giả những hình ảnh giải trí mà còn chạm đến cảm xúc của người xem, không phân biệt lứa tuổi.

Vì vậy, điều gì đã giúp những bộ phim đó mang lại cho công ty thu nhập khổng lồ và hàng loạt giải thưởng?

Điều gì đã khiến thuật ngữ Pixar đồng nghĩa với sự xuất sắc trong ngành hoạt hình?

Dean Movshovitz, người đã từng viết kịch bản cho kênh Disney Junior, sẽ hé lộ một trong những bí kíp dẫn đến thành công của Pixar: nghệ thuật kể chuyện.

Cách lựa chọn kịch bản, cách xây dựng cấu trúc, cách phát triển nhân vật…

Tất cả sẽ được phân tích qua các bộ phim thành công nhất của hãng.

Cuốn sách này thực sự là một viên ngọc quý cho những người cầm bút, những người làm phim và cả những người yêu mến ông trùm Pixar.

Vương Quốc Sáng Tạo

Vương Quốc Sáng Tạo

Vương quốc sáng tạo là cuốn sách dành cho bất kỳ vị quản lý, lãnh đạo nào đang muốn dẫn dắt nhân viên của mình lên một tầm cao mới, là cuốn cẩm nang cho bất kỳ ai đang nỗ lực tìm kiếm yếu tố sáng tạo, độc đáo, và hơn hết là hành trình chưa bao giờ được kể vào trung tâm đầu não của Pixar Animation – các buổi họp, hội thảo, các kế hoạch mới và các buổi họp của Braintrust. Hơn tất cả, đây là cuốn sách về cách xây dựng một nền văn hóa sáng tạo, và như nhà đồng sáng lập và chủ tịch của Pixar – Ed Catmull viết “là sự diễn giải những ý tưởng mà tôi tin là đã thúc đẩy những năng lực tuyệt vời nhất của chúng tôi bừng nở”.

Trong khoảng 20 năm gần đây, Pixar thống trị thế giới phim hoạt hình, sản xuất ra những bộ phim đầy giá trị yêu thương như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Finding Nemo (Đi tìm Nemo), Up (Vút bay) và WALL-E. Trong cuốn sách này, Catmull sẽ tiết lộ những ý tưởng và kỹ thuật đã giúp Pixar trở nên sáng tạo và được ngưỡng mộ cũng như đem về những khoản lợi nhuận khổng lồ đến như vậy.

Trích đoạn

“Suốt 13 năm qua, tại phòng hội nghị lớn của Pixar được gọi là West One, luôn đặt một chiếc bàn. Mặc dù chiếc bàn ấy rất đẹp, nhưng càng ngày tôi càng thấy ghét nó. Chiếc bàn đó dài và mảnh, giống như những chiếc bàn ăn của một cặp vợ chồng già giàu có trong những bộ phim hài, nơi mỗi người ngồi một đầu bàn, ở giữa đặt một cây đèn nến, và họ phải hét lên để có thể trò chuyện với nhau. Steve đã đặt hàng chiếc bàn từ một nhà thiết kế nổi tiếng, cho nên không nghi ngờ gì khi nó trông rất trang nhã, nhưng mặt khác, nó gây bất tiện cho công việc của chúng tôi.

Hàng ngàn cuộc thảo luận về những bộ phim của chúng tôi đã diễn ra quanh chiếc bàn đó – 30 người ngồi đối diện nhau thành hai hàng dài, một số khác ngồi dọc các bức tường – việc phân tán chỗ ngồi này thực sự khiến chúng tôi khó giao tiếp với nhau. Đối với những người ít may mắn phải ngồi ở phía hai đầu bàn, các ý tưởng chẳng thế nào được truyền đạt hết đến họ bởi nếu không nghển cổ lên thì bạn sẽ không thể nào giao tiếp bằng mắt được. Hơn nữa, để có thể lắng nghe ý kiến từ mọi người, giám đốc và nhà sản xuất phim phải được ngồi ở vị trí trung tâm bàn họp. Đó là những nhà lãnh đạo sáng tạo của Pixar gồm: John Lasseter, nhân viên sáng tạo, tôi, và rất nhiều vị giám đốc, nhà sản xuất và biên kịch dày dạn kinh nghiệm nhất. Để đảm bảo đội ngũ này luôn ngồi cạnh nhau, những chiếc thẻ chỗ ngồi ra đời. Thậm chí vị trí chỗ ngồi cũng được sắp xếp như vậy tại các buổi tiệc tối.

Khi xét đến khía cạnh cảm hứng sáng tạo, cá nhân tôi tin rằng chức vụ và hệ thống cấp bậc sẽ trở nên vô nghĩa. Song, sự hiện diện của chiếc bàn và những tấm thẻ chỗ ngồi lại truyền tải một thông điệp trái ngược: đó là vị trí ngồi của bạn càng gần trung tâm, bạn càng có tầm quan trọng cao. Thêm vào đó, khi bạn ngồi cách xa trung tâm, bạn sẽ càng ít muốn lên tiếng và khoảng cách giữa bạn và trung tâm cuộc thảo luận khiến bạn có cảm giác như thể đang bắt mọi người phải lắng nghe mình nói. Nếu chiếc bàn trở nên quá chật, trên thực tế điều này thường xuyên xảy ra, thì sẽ có nhiều người phải ngồi ở những chiếc ghế xếp dọc các bức tường xung quanh phòng, việc này tạo ra một hệ thống ba bậc (những người ngồi ở trung tâm bàn họp, những người ngồi ở hai đầu, và những người ngồi xa bàn họp). Mặc dù là vô tình song rõ ràng hệ thống ba bậc này đã cản trở sự hăng hái góp ý của mọi người trong các cuộc thảo luận.

Trong suốt một thập kỷ qua, chúng tôi đã tổ chức vô số cuộc họp quanh chiếc bàn này theo cách như vậy mà hoàn toàn không nhận thức được việc đó đã làm xói mòn các nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi ra sao. Vậy tại sao chúng tôi lại không thấy được điều này? Bởi vị trí và những tấm thẻ chỗ ngồi đã được sắp xếp làm sao cho thuận tiện nhất cho những người lãnh đạo, bao gồm cả tôi. Thành thực mà nói, chúng tôi chẳng thấy gì lạ là bởi chúng tôi là trung tâm, sao có thể thấy lạc lõng được cơ chứ. Trong khi đó, những người khác, nhưng người không ngồi ở vị trí trung tâm, lại cảm thấy rõ ràng việc sắp xếp đó đã tạo ra một trật tự thứ hạng như thế nào, nhưng họ lại phỏng đoán chắc rằng những người lãnh đạo (chúng tôi) cố tình làm như vậy. Và họ thì là ai mà có quyền lên tiếng phàn nàn?

Mãi cho đến khi chúng tôi có một cuộc họp trong một căn phòng nhỏ hơn, bên một chiếc bàn hình vuông, John và tôi mới nhận ra điều sai sót đó. Quanh chiếc bàn vuông ấy, sự tương tác, dòng chảy ý tưởng và việc giao tiếp qua ánh mắt đều trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Mỗi người ở đó, dù là chức vụ gì, đều thoải mái nêu lên quan điểm cá nhân. Đó không chỉ là những gì chúng tôi mong muốn, mà đó còn là niềm tin cốt lõi của Pixar: Giao tiếp tự do bất kể vị trí của bạn là gì. Với chiếc bàn dài và mảnh ấy, chúng tôi đã quá thỏa mãn với vị trí của mình đến nỗi hoàn tàn không nhận ra mình đang hành xử trái ngược với nguyên tắc cơ bản đó. Càng ngày chúng tôi càng rơi vào một cái bẫy vô định. Mặc dù chúng tôi nhận thức được sự sôi nổi trong phòng chính là chìa khóa cho mọi cuộc thảo luận hiệu quả, và dù chúng tôi tin rằng chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm những sai sót của mình, song chính sự ưu ái về vị trí ngồi đã làm lóa mắt chúng tôi.

Hào hứng với nhận thức mới của mình, tôi đi đến phòng trang thiết bị và khẩn thiết yêu cầu: “Làm ơn nhé, tôi không cần biết bằng cách nào nhưng xin các anh hãy mang chiếc bàn đó ra khỏi đây.”

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button