19 sách tâm linh hay đọc để hiểu thêm và thực hành khía cạnh tâm linh của bạn

19 cuốn sách tâm linh hay giúp bạn phát triển khả năng tập trung, kết nối và mở rộng nhận thức về tâm linh.

Giải Mã Tâm Linh

Giải Mã Tâm Linh

Bằng chứng khoa học mạnh mẽ nhất về sự sống sau khi chết:

‘Có tồn tại sự sống sau khi chết không?’… ‘Nếu bạn nhìn vào dữ liệu khoa học, câu trả lời ở đây là hoàn toàn có’, bác sĩ ung thư bức xạ Jeffrey Long nói. Ông đã đưa ra kết luận gây tranh cãi đó sau nhiều thập kỷ nghiên cứu bản chất của trải nghiệm cận tử.’

‘Cuốn sách quan trọng về trải nghiệm cận tử này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng nhận thức của con người không bị hạn chế bởi hoạt động của não bộ’.

Thức Tỉnh Điều Vô Hình – Hành Trình Khám Phá Tâm Linh – Waking Up

Thức Tỉnh Điều Vô Hình – Hành Trình Khám Phá Tâm Linh – Waking Up

Một tác phẩm hiếm có, truyền cảm hứng về chủ đề tâm linh, được kể với ngôn ngữ hoài nghi, hài hước và đầy minh triết.

Chúng ta đang chứng kiến một thời đại nở rộ các nội dung liên quan đến chủ đề tâm linh. Điều này đẩy con người đến các thái độ cực đoan khi nhắc đến tâm linh, người tin thì tin đến sùng tín, người hoài nghi thì càng cực đoan bài trừ. Cứ như vậy, tâm linh dần trở thành một điều gì đó có vẻ cao đạo và “hết sức nghiêm trọng”. Hãy tạm bỏ qua con đường và trải nghiệm của những bậc giác ngộ minh triết, liệu còn có cách nào đó nói về tâm linh một cách thú vị hơn không?

Rất khó để kiếm tìm một dạng tài liệu hay một cuốn sách như vậy. Tuy nhiên, Thức tỉnh điều vô hình (tựa gốc: Waking up) của Sam Harris lại là một ngoại lệ thú vị. “Sam Harris xứng đáng là một kẻ hoài nghi yêu thích của tôi, chẳng ai sánh bằng. Trong tác phẩm này, anh mang lại một góc nhìn tỉnh táo, không chút khoan nhượng về ‘siêu thị tâm linh’, gọi tên những món ăn vặt và chỉ cho chúng ta biết thành phần dinh dưỡng đích thực có thể tìm thấy ở đâu. Bất cứ ai nhận ra giá trị của đời sống tâm linh sẽ cảm thấy có nhiều điều để thưởng thức – và những ai không thấy giá trị ở đó sẽ còn tìm thấy nhiều điều hơn nữa để chiêm nghiệm” – Daniel Goleman, tác giả của Emotional Intelligence và Focus – đã hào phóng nhận định về cuốn sách của đồng nghiệp như thế..

Hé Mở Cánh Cửa Tâm Linh

Hé Mở Cánh Cửa Tâm Linh

Có phải những vong linh lúc ẩn lúc hiện trong ánh sáng mờ ảo là dấu hiệu cho chúng ta thấy họ có những công việc trên trần thế chưa hoàn thành, những mục tiêu cần đạt được hay cần phải sửa chữa một sai lầm nào đó? Hay đó chỉ là những linh hồn được tạo ra bởi sự hư cấu, bởi trí tưởng tượng phong phú và sự mê tín của con người?

Khái niệm về ma, vong linh hay các linh hồn vẫn còn khá mông lung nếu như định nghĩa họ là một phần của tâm hồn đang cố gắng vận động theo một chiều hướng tốt đẹp nhưng lại bị mắc kẹt trong lao tù do chính họ tạo ra bằng những giấc mơ đầy bạo lực, đau khổ hay sự phản bội..

Cẩm Nang Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh Việt Nam

Cẩm Nang Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh Việt Nam

Giới thiệu đến bạn đọc nhiều vấn đề để lựa chọn rồi từ đó hoạch định cho mình những gì phải nhớ, phải làm, sẵn sàng ứng phó với những điều bất cập, để chuyến du hành của bạn trở nên đầy hứng thú và hữu ích, những điều cần biết khi đi du lịch, những thông tin quan trọng về các địa chỉ cần đến, được chọn lọc và rút ra từ những nguồn sử liệu và các địa chỉ du lịch văn hóa – tâm linh trải khắp Việt Nam.

Giác Quan Thứ 6 – Khơi Nguồn Năng Lượng Tâm Linh Của Bạn

Giác Quan Thứ 6 – Khơi Nguồn Năng Lượng Tâm Linh Của Bạn

Giác quan thứ sáu là một khái niệm không hề xa lạ với mỗi chúng ta. Nhưng nó cụ thể là gì thì không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu và lý giải. Nếu bạn đang đi tìm chìa khóa để mở cánh cửa giác quan thứ 6 của mình, thì có một tin tốt và một tin xấu dành cho bạn.

Tin xấu là: Không có chìa khóa nào hết!

Tin tốt là: Cánh cửa đó không hề bị khóa!

Nếu bạn băn khoăn không biết giác quan thứ 6 của mình làm việc ra sao, tất cả những gì bạn cần làm là đọc cuốn sách này!

Cuốn sách Giác Quan Thứ 6 – Khơi Nguồn Năng Lượng Tâm Linh Của Bạn mang đến cái nhìn nghiêm túc về mối tương quan giữa trực giác, khả năng sáng tạo và các sự kiện tinh thần; đồng thời giúp bạn khám phá ra cách tận dụng nguồn sức mạnh tâm trí vô tận của mình.

Suối Nguồn Tâm Linh

Suối Nguồn Tâm Linh

Bước vào cuộc sống, từng ngày ta buông thả tâm và trí trôi theo dòng “nhân duyên, sinh khởi” để sau đó rước lấy sợ hãi, bám víu cái giả hư và quan niệm sai lầm về tự ngã.

Ajahn Chah, bậc minh triết nổi tiếng Á Đông, đã nhấn mạnh “giáo pháp tự nó phát khởi phù hợp với nhu cầu tức thời, nó phải sống trong hiện tại mới thực sự là chánh pháp”. Từ quan niệm đó, nội dung những bài thuyết pháp của ngài nhắc nhở thính chúng phải sẵn sàng nhìn vào tâm của mình, cố gắng “bơi ngược dòng” để tìm về “SUỐI NGUỒN TÂM LINH” để giải thoát khỏi những ràng buộc của trần thế. Đạt đến cảnh giới ấy, bạn sẽ sống trong giáo pháp, chạm được ranh giới của “sự giải thoát, trải rộng tâm thanh tịnh để hòa vào niềm an lạc thênh thang”.

Linh Ứng – Hành Trình Của Kẻ Siêu Vô Thần Đến Thế Giới Tâm Linh

Linh Ứng – Hành Trình Của Kẻ Siêu Vô Thần Đến Thế Giới Tâm Linh

“Linh ứng” là cuốn sách kể câu chuyện có thật về hành trình của gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi – người anh trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt, với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn đến mức nếu không được kể lại bởi người trong cuộc, hẳn chúng ta sẽ thấy hoài nghi.

Theo tác giả, đây là cuốn sách tâm huyết nhất và cũng có thể là cuốn sách sau cùng trong sự nghiệp văn chương của ông, một câu chuyện riêng tư nhưng lại bao hàm biết bao câu chuyện chung khác. Đồng thời tác phẩm cũng cung cấp những tư liệu quý giá về những nhà ngoại cảm sở hữu năng lực nằm ngoài phạm vi lý giải của khoa học.

Cuốn sách cũng là minh chứng cho việc dẫu thời gian có qua đi, vết thương chiến tranh vẫn còn đó, vẫn dày vò những người ở lại. Tìm kiếm người thân thất lạc sau chiến tranh vẫn luôn là câu chuyện day dứt của biết bao gia đình. Họ đi từ hy vọng đến thất vọng, rồi lại tìm kiếm hy vọng khác trên những chặng đường mới. “Có gia đình may mắn tìm được, có người thì đến lúc chết vẫn còn dặn dò con cháu phải tiếp tục đi tìm”, tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ trong cuốn sách “Linh ứng”..

Cuốn Sách Về Các Biểu Tượng Tâm Linh

Cuốn Sách Về Các Biểu Tượng Tâm Linh

Melanie Barnum là một cố vấn tâm linh, một diễn giả tại các hội thảo về đời sống tâm linh kiêm bác sĩ thôi miên đã hành nghề hơn 15 năm. Bà là thành viên VIP Reader của tổ chức Psych-Out, một tổ chức nghiên cứu về các hiện tượng tâm linh ở Hoa Kỳ. Melanie cũng là thành viên của hiệp hội National Guild of Hypnotists (NGH – Hiệp hội các nhà thôi miên quốc gia) và International Association of Counselors and Therapists (IACT – Hiệp hội quốc tế của các nhà trị liệu và tư vấn tâm lý).

Cuốn sách về các biểu tượng tâm linh kể những câu chuyện hấp dẫn và đưa ra cách lý giải về cảm giác mơ hồ nhưng gây sốc, những sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng nhớ, một số giấc mơ kỳ lạ, mà chúng ta thường gặp. Những điều tưởng chừng bình thường ấy thực chất lại là thông điệp quan trọng đến từ thế giới siêu nhiên, hoặc từ bản thể vũ trụ.

Câu Chuyện Dòng Sông

Câu Chuyện Dòng Sông

Hermann Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel Văn chương 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiểu cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppemvolf( 1972), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).

Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:

“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này’’

Hoa Trôi Trên Sóng Nước

Hoa Trôi Trên Sóng Nước

“Hoa trôi trên sóng nước” là một câu chuyện đặc biệt. Đó là câu chuyện đi tìm “kiến tánh”, đạt được giác ngộ của ni sư Satomi Myodo – một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản.

Câu chuyện của ni sư Satomi Myodo đặc biệt ở chỗ, trước khi tu tập theo triết lý Phật Giáo, Satomi Myodo đã là vị thầy của Thần Đạo (một tôn giáo phổ biến ở Nhật Bản), được nhiều người kính nể. Hơn 40 tuổi, dù đã tu tập được nhiều công phu như nhìn được quá khứ vị lai và nhiều công phu khác, nhưng từ sâu trong thâm tâm Satomi Myodo vẫn phải chịu những nổi khổ đau dằn vặt của bản ngã, thứ mà bà “nghĩ rằng mình đã diệt được nó nhưng thực ra nó vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức tinh tế không ngờ”.

Ở tuổi 40, đi theo con đường tọa thiền của Đức Phật, Satomi Myodo gặp phải 3 trở ngại lớn, ảnh hưởng đến việc tu tập của bà: Đó là việc ưa lý luận, suy nghĩ nhiều; có lòng tham mong cầu đạt ngộ; thụ động do việc thực hành thiền ngoại đạo. Cuối cùng, bằng một lòng dũng cảm và cả khát khao đi tìm sự giác ngộ, Satomi Myoyo đã quyết định vượt qua những trở ngại, định kiến; bà xuất gia, trở thành một người “sơ tâm” chưa biết gì và tu tập theo đúng con đường của Đức Phật.

Theo sự chỉ dẫn của thiền sư Bạch Vân Yasutani, Satomi Myoyo đã thực hành ba phương pháp tham cứu công án, quán hơi thở và Chỉ Quán Đả Tọa của tổ Đạo Nguyên (người sáng lập dòng thiền Tào Động Nhật Bản) để khắc chế ba trở ngại trên. Cuối cùng, Satomi Myoyo tìm được “kiến tánh”, điều mà bà mô tả là “khác với những hình ảnh lạ lùng, những màu sắc, âm thanh và một niềm vui tràn ngập châu thân, lần này con chỉ thấy một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thế diễn tả”.

Trải Nghiệm Cận Tử

Trải Nghiệm Cận Tử

Với nhiều người, chết là một chủ đề kiêng kỵ. Nhiều người ngại ngần suy nghĩ về nó, cho đến khi xảy ra một biến cố như chẩn đoán bệnh tật đe dọa mạng sống, hoặc cái chết đột ngột của một người thân yêu. Điều đó có thể khiến chúng ta rơi vào hỗn loạn, bế tắc. Nhưng mọi người lại rất ít khi dành thời gian để chiêm nghiệm về nó. Và nghịch lý làm sao, chính khi suy tư về ý nghĩa của cái chết và nghĩ về quá trình từ giã cõi đời, người ta mới trở nên cởi mở hơn trước việc khám phá những điều cốt lõi của một cuộc sống viên mãn, gắn kết hơn với những người xung quanh.

Dr Penny Sartori đã có 21 năm làm nghề hộ lý, bắt đầu từ năm 1989. Sartori đã có thời gian công tác tại khắp các phòng ban trong bệnh viện, cuối cùng Sartori dừng chân ở phòng cấp cứu. Tại đây, Sartori đối mặt với cái chết thường xuyên đến mức không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải đối diện với “cái tất yếu duy nhất” ấy. Trong suốt thời gian hành nghề, Sartori đã chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân đang hấp hối cho đến khi họ nhắm mắt lìa đời. Một cuộc gặp gỡ đau đớn đã đưa Sartori vào cơn khủng hoảng, khiến Sartori đặt ra câu hỏi về lẽ sống chết.

Sự hứng thú của Sartori đã thôi thúc cô tìm hiểu, tích lũy, chắt lọc để viết nên cuốn sách này. Với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về trải nghiệm cận tử (gọi tắt NDE) và chứng kiến nhiều nhân chứng tường thuật về trải nghiệm cận tử của chính mình, Sartori hiểu rằng đây là sứ mệnh của cô, cần chia sẻ kiến thức này để giúp mọi người hiểu hơn về trải nghiệm cận tử. Hơn bao giờ hết, con người cần nhận thức về mối liên kết giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn.

Hoa Sen Trên Tuyết

Hoa Sen Trên Tuyết

Không phải cuốn sách nói về triết học hay Phật giáo, cũng không hẳn là tự truyện được kể bởi một triệu phú, dù đó là nhân vật chính, Hoa sen trên tuyết là hành trình tìm kiếm bản thân của rất nhiều người. Chỉ để trả lời cho câu hỏi: Câu trả lời đích thực về ý nghĩa cuộc sống là gì?

Trên nền câu chuyện cuộc đời của nhân vật có thật, triệu phú Alan Havey, Hoa sen trên tuyết gieo vào độc giả nhiều điều phải nghĩ. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Mỹ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Alan Havey đã nỗ lực rất nhiều để làm việc, học tập và đạt được những thành công nhất định: biệt thự lộng lẫy bên bờ Michigan, căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon, du thuyền, tài khoản kếch xù trong ngân hàng và một cô vợ đẹp như diễn viên điện ảnh… Cuộc sống đầy đủ cứ thế diễn ra cho tới khi những biến cố lần lượt đến trong cuộc đời: ông phát hiện bị ung thư; một số khoản đầu tư bị thua lỗ và sự nghiệp của ông có chiều hướng đi xuống. Và, người vợ – cũng là niềm tự hào của ông với mọi người đòi ly hôn để chia tài sản…

Tại sao ông lại phải gánh chịu những việc như vậy trong khi ông đã dành phần lớn thời gian, công sức của mình để làm việc và nỗ lực? Ông để vợ ông có cuộc sống tốt nhất nhưng cuối cùng ông vẫn bị bỏ rơi với hàng loạt cáo buộc? Thực sự, sống tốt, sống lành là tốt hay không? Câu trả lời rằm ở hành trình ông rời bỏ những bế tắc, theo lời khuyên của một người bạn, để thực hiện một chuyến du lịch “không mục đích” đến Dharamsala – nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng chục nghìn người Tây Tạng đang tị nạn. Cả cuốn sách là những ghi chép tỉ mỉ về hành trình của ông, những người ông gặp để từ đó, mang đến lời giải đáp cho câu hỏi của chung rất nhiều người: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”..

Ám Ảnh Từ Kiếp Trước: Bí Mật Của Sự Sống Và Cái Chết

Ám Ảnh Từ Kiếp Trước: Bí Mật Của Sự Sống Và Cái Chết

Cuốn sách hay và khiêu khích suy nghĩ này đã phá vở những rào cản trong trị liệu tâm lý truyền thống và trình bày một biện pháp trị liệu cách tân và hiệu quả cao. Những ai làm việc chuyên về sức khỏe tâm thần cần phải xem xét nó nghiêm túc.” – Edith Fiore, TS., bác sỹ tâm lý học lâm sàng và là tác giả cuốn sách Bạn từng ở đây trước kia (You Have Been Here Before)

Vốn là nhà tâm lý trị liệu truyền thống, TS. Brian Weiss đã kinh ngạc và bi quan khi một trong những bệnh nhân của mình bắt đầu nhớ lại những chấn thương trong kiếp trước mà chúng dường như là chìa khóa để giải quyết những cơn ác mộng và lo lắng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, chủ nghĩa bi quan của ông bị xói mòn khi cô ấy bắt đầu phát những thông điệp từ “những sinh thể ở giữa không gian,” chứa đựng những tiết lộ quan trọng về gia đình của TS. Weiss và cái chết của con trai ông. Bằng biện pháp kiếp trước, ông có khả năng chữa lành cho bệnh nhân và mở ra một giai đoạn mới đầy ý nghĩa trong nghề nghiệp của chính mình..

Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi

Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi

Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.

Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.

Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”

Đường Mây Qua Xứ Tuyết

Đường Mây Qua Xứ Tuyết

Đường Mây Qua Xứ Tuyết (“The Way of the White Clouds”) ghi lại những điều Anagarika Govinda chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Hành trình của tác giả diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh nên việc tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.

Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà “bỏ rơi” vùng đất này; do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma. Từ góc nhìn của người phương Tây, Tây Tạng được xem như một phần của vương quốc Ấn Độ (vốn bao gồm cả các nước Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, ngày nay) do nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ tín ngưỡng và tôn giáo Ấn Độ hơn từ phía Trung Hoa.

Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khi những biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái “Tự do”, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng mà tác giả Anagarika Govinda và dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.

Trò Chuyện Với Hiện Thể

Trò Chuyện Với Hiện Thể

Cuốn sách Trò Chuyện Với Hiện Thể này là duy nhất, bởi nó là một ấn phẩm của J.Krishnamurti được ông nói trực tiếp vào máy ghi âm những khi hoàn toàn cô độc. Lúc đó, tay ông phần nào bị run (ông đã 87 tuổi), vậy thay vì viết, ông ghi âm lời nói của mình. Sau khi từ Ấn Độ về lại California vào tháng 2 năm 1983, ông bắt đầu “Trò chuyện với hiện thể”.

Tất cả các bài, ngoại trừ một bài, đều được thực hiện tại nhà ông ở Pine Cottage thuộc Ojai Valley, cách Los Angeles tám mươi dặm về phía bắc. Nhiều lúc giọng nói của ông trở nên xa xôi nhưng những ý tưởng lại rất gần Krishnamurti trong tinh thần của chính ông.

Mỗi ngày đối với ông là hoàn toàn mới, hoàn toàn tự do tự tại thoát khỏi tất cả gánh nặng ký ức. Đoạn kết, có lẽ là đoạn kỳ diệu nhất, nói về sự chết. Đây cũng là lần cuối cùng, chúng ta được nghe Krishnamurti trò chuyện. Hai năm sau, ông từ trần cũng tại nơi này.

Hành Trình Của Linh Hồn

Hành Trình Của Linh Hồn

Bạn có sợ chết không? Bạn có tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết không? Có thể nào bạn có một linh hồn đến từ đâu đó và sẽ trở về đó sau khi thân xác bạn chết đi, hay đó chỉ là một điều ước ao vì bạn quá sợ hãi?

Có một nghịch lý rằng con người, duy nhất trong mọi tạo vật trên Trái đất, phải kìm nén nỗi sợ cái chết để sống bình thường. Nhưng bản năng sinh học của chúng ta không bao giờ cho chúng ta quên nỗi nguy hiểm tối cao này của sự tồn tại của chúng ta. Khi chúng ta già đi, bóng ma của cái chết cũng lớn dần lên trong tâm trí chúng ta. Thậm chí cả những người theo tôn giáo cũng sợ cái chết là sự kết thúc của mỗi cá nhân. Nỗi sợ lớn nhất đối với cái chết đem đến những suy nghĩ về sự vô nghĩa của cái chết, điều kết thúc mọi mối liên hệ với gia đình và bạn bè. Cái chết làm cho mọi mục đích thực tiễn của chúng ta trở nên phù phiếm.

Những câu trả lời đích thực cho đời sống sau cái chết vẫn được đóng kín sau cánh cửa tâm linh đối với đa số mọi người. Đó là bởi vì ở trong chúng ta vốn sẵn có khả năng quên đi danh tính của linh hồn chúng ta, điều mà ở mức độ nhận thức, sẽ giúp cho sự hợp nhất của linh hồn và bộ não con người. Những năm gần đây, công chúng đã được nghe về những người chết tạm thời và sau đó sống lại nói về một đường hầm dài, ánh sáng rực rỡ và thậm chí những gặp gỡ ngắn ngủi với những linh hồn thân thiện. Nhưng không có một ấn phẩm nào trong số các cuốn sách đã được viết mang đến cho người đọc nhiều hơn một cái nhìn thoáng qua về tất cả những gì cần biết về cuộc đời sau cái chết.

Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times)

Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times)

“Muôn kiếp nhân sinh” là tác phẩm do Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong viết từ năm 2017 và hoàn tất đầu năm 2020 ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm tiền kiếp kỳ lạ từ nhiều kiếp sống của người bạn tâm giao lâu năm, ông Thomas – một nhà kinh doanh tài chính nổi tiếng ở New York. Những câu chuyện chưa từng tiết lộ này sẽ giúp mọi người trên thế giới chiêm nghiệm, khám phá các quy luật về luật Nhân quả và Luân hồi của vũ trụ giữa lúc trái đất đang gặp nhiều tai ương, biến động, khủng hoảng từng ngày.

“Muôn kiếp nhân sinh” là một bức tranh lớn với vô vàn mảnh ghép cuộc đời, là một cuốn phim đồ sộ, sống động về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy, đến Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay.

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí

Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng. Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây.

Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David – Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.

Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David – Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí.

“Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực.” – Lời Alexandra trong tập sách.

Trịnh Nhã

Tôi, Trịnh Nhã là một người yêu sách, đam mê đọc sách và là một blogger. Tôi thích tìm những cuốn sách mới để đọc và chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng với những người khác. Tôi luôn chờ đợi cuốn sách hay tiếp theo của mình, và tôi không thích gì hơn là giới thiệu một cuốn sách hay cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button